Ngày 14-1, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định những nhận xét liên quan đến Việt Nam trong báo cáo hàng năm của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ngày 13-1 đã dựa trên những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng tình hình Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng, bác bỏ những nhận xét liên quan đến Việt Nam trong báo cáo của HRW và nói: "Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, bảo đảm các quyền con người thông qua việc xây dựng một nhà nước pháp quyền hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo".
Theo ông Dũng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam. Internet, một phương tiện truyền thông mới, cũng được phát triển ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã đề ra những chính sách và quy định cụ thể nhằm khuyến khích việc khai thác và sử dụng rộng rãi mạng Internet. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, các thông tin gây rối loạn an ninh, trật tự; phân biệt chủng tộc, khủng bố, vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác không được phép lưu hành tại Việt Nam. "Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nói, "Mọi tôn giáo mà tổ chức giáo hội có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức phù hợp với pháp luật Việt Nam đều được phép hoạt động".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết, ngoài việc được hưởng các quyền, mọi công dân đều phải thực hiện các nghĩa vụ của mình. "Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, không ai bị bắt vì lý do chính kiến hoặc vì lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam".
. TTXVN |