Khánh thành Đền Quốc mẫu Âu Cơ tại Đền Hùng
10:42', 19/1/ 2005 (GMT+7)

Sáng 18-1, Bộ VH-TT và tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ khánh thành Đền Quốc mẫu Âu Cơ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng khánh thành Đền Quốc mẫu (ảnh: SGGP)

Để qui tụ các giá trị văn hóa tinh thần thuộc thời đại Hùng Vương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, từ giữa tháng 9-2001 công trình đền Quốc mẫu Âu Cơ chính thức được khởi công xây dựng mới. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ địa thế, cuối cùng Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng đã chọn đỉnh núi Vặn (có độ cao 147m so với mực nước biển, đứng thứ nhì trong quần thể núi Hùng) làm nơi an tự. Công trình được đầu tư số tiền 25 tỷ đồng.

Công trình đền Quốc mẫu Âu Cơ được thiết kế dựa trên nền kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ Đông Sơn do Viện bảo tồn di tích Trung ương-Bộ VH-TT đảm nhiệm. Chất liệu, vật liệu xây dựng được lựa chọn kỹ càng từ mọi vùng miền của đất nước để công trình vừa có tính dân tộc vừa có tính thời đại.

Cổng Tam Quan xây cao 5,8m có ba lối vào, lối chính cao 2,2m, mái cổng lợp dán ngói mũi hài, các đao góc, các họa tiết chạm khắc mô phỏng hình chim Lạc. Điểm nhấn của tiền cảnh đền là bia và trụ bia làm bằng đá một mặt khắc chữ nôm, mặt kia khắc chữ quốc ngữ ghi lại thời kỳ xây dựng đền với sự đóng góp công đức của đồng bào cả nước.

Khu đền chính gồm một đền thờ chính và hai nhà Tả vu, Hữu vu nằm hai bên. Đền chính đặt theo hướng Tây Nam, kiến trúc xây dựng kiểu mái chồng diêm; khung cột sườn mái vách đố lụa bao che làm bằng gỗ lim. Mái lợp ngói mũi hài âm dương, nền lát gạch bát, sân và lan can bao quanh ốp đá xanh Thanh Hóa.

Riêng thành lan can được chạm khắc các họa tiết hình chim Lạc và các hoạt động văn hóa dân gian thời kỳ Đông Sơn. Nội thất trong đền gồm tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với khối lượng khoảng 2 tấn.

Các nhang án, đại tự, câu đối, bệ đặt trống đồng, giá treo chuông, treo chiêng, cựa vọng, y môn... được sơn son thiếp vàng trên chất liệu gỗ quí. Hai bên Tả vu là hai bức phù điêu khắc họa cảnh 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi bằng chất liệu gò đồng.

Do đặc thù nằm trên núi cao có độ chênh cốt lớn nên hệ thống sân vườn được xây dựng khá kỳ công, xung quanh đền chính được xây kè bằng 3 lớp, lớp trong cùng là tường chắn bằng bê tông cốt thép, lớp giữa xây bằng đá hộc, lớp ngoài ốp bằng đá ong lấy từ vùng làng cổ Sơn Vi, Thanh Đình huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

. TTXVN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tết Ất Dậu: Tưng bừng lễ hội 2 đầu nam - bắc   (19/01/2005)
Iraq: Nổ lớn giữa thành phố Baghdad  (18/01/2005)
Hội nghị về thiên tai tại Nhật Bản  (18/01/2005)
TPHCM: Gần 54 tỉ đồng quà Tết cho người nghèo  (18/01/2005)
Tiềm năng du lịch Việt Nam rất nhiều và rất độc đáo  (18/01/2005)
Một tổng giám mục Thiên chúa giáo bị bắt cóc tại Iraq  (18/01/2005)
Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Mỹ được chọn làm giám đốc UNICEF  (18/01/2005)
Triển khai khẩn cấp các biện pháp dập dịch cúm gia cầm  (18/01/2005)
Việt Nam có chính sách rộng mở đối với tín ngưỡng tôn giáo  (18/01/2005)
Chuột túi châu Phi trở thành "anh hùng" gỡ mìn  (17/01/2005)
Tai nạn xe điện ngầm tại Bangkok, hơn 200 người bị thương  (17/01/2005)
Xây dựng tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam  (17/01/2005)
Cúm gia cầm đã tái xuất hiện trên phạm vi toàn quốc  (17/01/2005)
Indonesia ca ngợi hoạt động cứu trợ nhân đạo của VN  (17/01/2005)
Kiều bào về nước ăn Tết tăng từng ngày  (17/01/2005)