Trưa 20-1 (giờ địa phương), tại Washington, Tổng thống Mỹ, George Bush đã đọc diễn văn và tuyên thệ nhậm chức. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, trong đó có không ít nước tỏ ra lo ngại, hoang mang về tương lai sắp đến.
Các băn khoăn tập trung về việc ông Bush sẽ để mắt tới Iran, Zimbabwe và CHDCND Triều Tiên như thế nào theo cách gọi của tân ngoại trưởng Rice là những "tiền đồn chuyên chế". Khắp châu Âu, nhiều nước đã tỏ ra lo ngại về việc liệu ông Bush có tiếp tục khoét sâu sự rạn nứt giữa Mỹ với các nước châu Âu hay không, hay ông vẫn tiếp tục các chính sách ngoại giao cứng rắn, hoặc sẽ tỏ ra mềm mỏng và tôn trọng luật pháp quốc tế hơn?
Chính cuộc chiến tại Iraq đã làm rạn nứt mối quan hệ của ông Bush với các đồng minh châu Âu khi nhiều nước cảm thấy bị xúc phạm với những giải quyết đơn phương từ phía Mỹ. Thậm chí những chính sách và tính cách của ông Bush còn gây nên sự thù địch của dân chúng ở nhiều nước với người Mỹ nói chung.
Hãng BBC của Anh vừa tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về ảnh hưởng của Tổng thống Bush đến người dân Mỹ. Phần lớn kết quả cho thấy người ta ít quan tâm đến dân Mỹ hơn vì ông Bush. Cụ thể, Pháp 65%, Brazil 59%, Đức 56%, Thổ Nhĩ Kỳ 72%…
Các đoàn biểu tình chống ông Bush ở Anh đã lập kế hoạch đốt nến suốt đêm bên ngoài đại sứ Mỹ ở Luân Đôn để phản đối. Ngay cả người đồng minh thân cận của Mỹ, Thủ tướng Anh Tony Blair cũng cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ tăng cường sự thống nhất với các nước trong nhiệm kỳ hai của mình.
Còn tại Brussels, các quan chức EU đang hối thúc Washington năng động hơn trong các vấn đề Trung Đông, và thực hiện nghị định thư Kyoto về vấn đề khí hậu toàn cầu.
. Ngọc Tú (theo ABC) |