Iraq với cuộc bầu cử lịch sử
16:31', 30/1/ 2005 (GMT+7)

Hôm nay 30-1, người dân Iraq sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được coi là lịch sử - cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau nhiều thập kỷ sẽ đưa đất nước vùng Vịnh này sang một trang mới.

Chuẩn bị thùng phiếu cho ngày bầu cử

Có thể nói cuộc tổng tuyển cử tại Iraq là sự kiện chính trị đáng chú ý nhất đầu năm 2005. Kể từ khi S.Hussein bị lật đổ tháng 4-2003, đất nước Iraq chìm sâu vào tình trạng hỗn loạn và bạo động triền miên, bất chấp sự hiện diện của một lực lượng liên quân nước ngoài đông đảo. Lòng dân ly tán, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, chia rẽ sắc tộc sâu sắc, các cuộc nổi dậy chống sự chiếm đóng của Mỹ nổ ra như nấm sau mưa... đã góp phần đẩy quốc gia giàu mỏ từng một thời cực thịnh và xinh đẹp xuống vực sâu của khủng hoảng. Những bất ổn nội tại sau chiến tranh đã khiến Iraq chưa thể có một chính quyền bền vững để lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, và quan trọng nhất là giành quyền tự chủ về mình chứ không phải lệ thuộc vào lực lượng chiếm đóng như hiện nay. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử hôm nay chính là cơ hội vô cùng quý báu để người dân Iraq chọn cho mình một tương lai thông qua những lá phiếu.

Khoảng 280 ngàn người Iraq ở 14 nước đã bắt đầu bỏ phiếu từ ngày 28-1. Việc kiểm phiếu (kéo dài 4-5 ngày) sẽ bắt đầu vào tuần tới để đầu tháng 2 kết quả sẽ được công bố. Đầu tháng 3, Quốc hội sẽ bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ được thành lập vào cuối tháng 3.

An ninh là vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử, nhất là thời gian gần đây các phần tử chống đối liên tục gia tăng các vụ tấn công cùng những lời đe dọa các ứng viên và cử tri, bất chấp việc chính phủ tuyên bố đã bắt được 3 trợ lý của Abu al-Zarqawi -thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Iraq. Những đe dọa này đã khiến nhiều ứng viên vận động tranh cử mà không dám tiết lộ tên mình, trong khi phần lớn trong số 5.300 địa điểm bỏ phiếu được giữ bí mật đến phút chót. Bắt đầu từ ngày 29-1, Iraq đã đóng cửa biên giới và sân bay trong 3 ngày. Xe cộ dân sự sẽ bị cấm ra đường trong ngày bầu cử 30-1. Lệnh giới nghiêm từ sáng đến tối cũng đã được ban bố trên phần lớn lãnh thổ. Người dân tại những khu vực nguy hiểm được khuyến cáo nên ở nhà cho đến ngày đi bầu.

Tuy nhiên, bất chấp bầu không khí như chiến tranh, mà quả thực chiến tranh vẫn chưa thể nói là đã chấm dứt tại Iraq, nhiều người vẫn tỏ ra hồ hởi trước cơ hội được thể hiện quyền công dân của mình. Ủy ban Bầu cử Iraq dự đoán trong tổng số 14,2 triệu cử tri, sẽ có khoảng 8 triệu người (57%) đi bỏ phiếu để chọn ra một Quốc hội gồm 275 thành viên - những người có nhiệm vụ thảo ra bản hiến pháp chính thức. Thử thách lớn nhất của cuộc bầu cử là khu vực Trung và Bắc của người Sunni, vốn là cứ địa của lực lượng nổi dậy. Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy 76% người Sunni (chiếm 20% dân số) sẽ không đi bầu.

. Thanh Niên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
70 nhà khoa học đoạt giải Nobel bênh vực Tổng thư ký LHQ  (28/01/2005)
Trưng bày câu đối lớn nhất Việt Nam  (28/01/2005)
Xây nhà máy sản xuất đạm sunfat amôn đầu tiên  (28/01/2005)
Tỉ lệ sinh sản của các nước đang phát triển giảm dần  (28/01/2005)
Thượng nghị sĩ Edward Kennedy kêu gọi ông Bush rút quân khỏi Iraq  (28/01/2005)
Mỹ tăng thuế đối với tôm Việt Nam  (28/01/2005)
Chính phủ Ấn Độ cam kết nâng cấp ngôi đền Mandar Devi  (27/01/2005)
Nhà hoạch định kế hoạch cho cuộc chiến Iraq của Mỹ từ chức  (27/01/2005)
Bình Dương thu hút được hơn 4,1 tỉ USD đầu tư nước ngoài  (27/01/2005)
Lùi thời điểm phóng vệ tinh Vinasat vào năm 2007  (27/01/2005)
Ký hợp đồng liên doanh du lịch trị giá 1,5 tỉ USD  (27/01/2005)
Tổng thống Bush kêu gọi người dân Iraq đi bầu cử  (27/01/2005)
Một khối thiên thạch rơi xuống Campuchia  (27/01/2005)
Khai mạc "Tết Việt 2005" - Tưng bừng và sôi động  (27/01/2005)
Israel mở rộng đàm phán với Palestine  (26/01/2005)