Triết lý bánh chưng, bánh tét
4:46', 1/1/ 2002 (GMT+7)

Gói bánh chưng, bánh tét

Một trong những đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết Việt Nam là bánh chưng ở miền Bắc và bánh tét ở miền Nam. 

Bởi vậy tục ngữ Tết của ta có câu:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, tràng pháo,bánh chưng xanh

Bánh chưng, bánh tét là một thứ bánh đặc biệt hoàn toàn Việt Nam, làm bởi gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, tiêu, hành, gói bằng lá dong hay lá chuối rồi "chưng" lên (hay nấu, luộc) trong nhiều tiếng đồng hồ cho chín nhừ.

Cứ vào dịp Tết, ở miền Bắc, người ta gói bánh chưng và làm bánh giầy cúng tổ tiên để tưởng nhớ tới công ơn tiền nhân hoặc để biếu Tết lẫn nhau. Ở nhiều địa phương, bánh giầy còn là lễ vật để tế thần ở đình của làng nữa. Đây là thứ bánh giầy thật lớn, có khi to bằng cái mâm, ngoài ra trước đây, bánh giầy còn dùng làm lễ vật trong các lễ cưới hỏi.

Còn ở Nam bộ, bánh tét được liệt ngang hàng và được coi như bánh Tổ.

Dân Nam bộ chế biến bánh tét một cách tài tình và phong phú, tùy theo địa phương mà thêm thắt gia vị cho thích khẩu. Có chỗ gói nếp với nhân đậu xanh, còn gia đình khá giả thêm vào nhân đậu xanh một miếng thịt theo chiều dài đòn bánh. Cũng có chỗ không thuần nếp mà trộn lẫn đậu đen để tăng chất lượng vừa dẻo, vừa bùi.

Nhiều gia đình ăn chay, gói bánh tét nhân ngọt (không có thịt), nhân đậu xanh có trộn đường; hoặc bánh tét nhân chuối cũng được ưa thích, chuối thay cho nhân đậu xanh, đòn nhỏ một trái chuối, còn đòn lớn ba trái chuối xiêm chín có thêm đường để tăng độ ngọt cho nhân, khi chín có màu đỏ tím. Tét khoanh bánh ra trông lạ mắt, màu đỏ tím chính giữa nổi bật bên ngoài màu nếp trắng phau.

Còn một loại bánh tét được chế biến khá đặc biệt nữa là bánh tét thập cẩm. Vẫn bánh tét nếp, phần nhân được nâng cấp có trứng, tôm khô, lạp xường, hột sen, thịt giò Bắc thảo, đậu phộng, nấm đông trộn chung với nhân đậu xanh. Dĩ nhiên, loại bánh này ăn rất ngon và thực hiện quả là tốn kém.

Trong dịp lễ, Tết cổ truyền, giỗ kỵ..., người Nam bộ thường làm bánh tét đãi khách và làm quà biếu bà con. Những ngày đầu năm, tét bánh ra đãi khách ăn với thịt kho tàu, chấm nước mắm, thật đậm đà hương vị ngày xuân. Bánh tét ra Giêng còn dư, nhằm đổi khẩu vị, người ta thường đem chiên với dầu hoặc mỡ phi tỏi, ăn thấy lạ miệng sau khi đã chán các món cao lương mỹ vị. Đây cũng là một loại lương khô rất tiện dụng cho du khách đi xa, leo núi hoặc người hành quân lâu ngày, bởi có thể để cả mười ngày, nửa tháng không bị mất phẩm chất.

"Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân... nếu lấy gạo nếp gói làm hình tròn để tượng trưng cho trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho ngon; bắt chước hình dạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý nói ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được" (Trích Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp).

Hình vuông của đất và hình tròn của trời, như trong đoạn văn trích dẫn trên, xuất phát từ hai tài liệu cổ xưa nhất của dân Lạc Việt là Lạc Thư (hình tròn của trời) và Hà Đồ (hình vuông của đất). Hà Đồ và Lạc Thư đều nói lên sự hình thành của trời (Lạc Thư), đất (Hà Đồ) và vạn vật. Như vậy, sở dĩ vua Hùng trao ngôi báu cho Lang Liêu ắt không phải vì Lang Liêu đã dâng một loại bánh ngon cho vua Hùng, mà chính vì Lang Liêu đã nắm được ý nghĩa của sự hình thành trời đất, vạn vật, tức là hiểu được cách giải quyết mâu thuẫn giữa đất và trời, giữa người và vạn vật, giữa con người và nhân quần xã hội. Và như vậy Lang Liêu xứng đáng được trao ngôi báu và chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Việc vua Hùng ưu chuộng chiếc bánh chưng, bánh giầy của Lang Liêu hơn các của ngon vật lạ của các công tử khác phản ánh tinh thần ưu chuộng thực tế của dân Việt, mà điều thực tế nhất là "cơm gạo để nuôi dân", đặt lên trên sự xa hoa, phù phiếm.

Tình cảm sâu đậm giữa con người và đất đai do đó nảy sinh và được khơi dậy hàng năm vào những ngày Tết qua hình thù và ý nghĩa của chiếc bánh chưng, và cả qua những điều cấm kỵ liên quan đến việc sử dụng đất đai vào những ngày đầu năm.

Cuối cùng, nhưng không phải là kém quan trọng, qua hình dáng bánh chưng, bánh giầy không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta. Thì ra phát xuất từ quan niệm nguyên thủy về sự sinh thành, tổ tiên ta đã khéo lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn". Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau theo lẽ "trời đất phát dục vạn vật" như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu. Đó là "lẽ vuông tròn" nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du:

Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng?

hay câu:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn,

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Vậy thì hai chữ "vuông tròn" có lẽ là lời chúc tụng đầu xuân súc tích và tốt đẹp nhất dành cho tất cả mọi người khi năm mới sắp đến...

. Thùy Dung (st)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đầu năm du lịch đất Tây Sơn  (21/01/2004)
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai  (14/01/2004)
Vua Quang Trung nhận lỗi trước dân  (13/01/2004)
Bánh tráng Bình Định  (12/01/2004)
Chùa Hang huyền bí  (11/01/2004)
Vài nét về ca dao, tục ngữ Chăm H'roi trong ngày cưới   (08/01/2004)
Những con đường hành quân của Quang Trung Nguyễn Huệ   (07/01/2004)
Đến Bok Tới nghe đàn Pơlơnkhơn  (06/01/2004)
Luật pháp nhà Tây Sơn   (04/01/2004)
Những tục lễ, Tết ở Bình Định   (02/01/2004)