Suốt một dải duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Tết Nguyên đán vừa xong, người dân của hầu hết các làng chài đã bắt tay chuẩn bị ngay lễ hội cầu ngư.
Theo tục lệ đã có từ vài trăm năm trước, lễ hội thường được tổ chức ba năm một lần, vui chơi, lễ tế trong vòng 3 ngày, rải rác từ giữa tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Thông thường lễ chánh tế được cử hành vào lúc nửa đêm, nhằm cầu an cho xóm làng và tưởng niệm những người đã khuất, khoảng 5 giờ sáng là lễ cầu ngư, diễn trò bên bờ và dưới nước. Vui và thu hút nhất ba ngày lễ hội là cuộc đua ghe trải giữa các làng chài. Cuộc đua trải cũng phải qua hình thức nghi lễ. Các trải đua phải thi tài vượt qua giai đoạn nghi lễ đầu, gồm 4 chặng, mỗi chặng lấy một thẻ có ghi các câu chúc cho tử dân làm ăn thịnh vượng, mưa thuận gió hòa.
Ở làng chài Thuận An tỉnh Thừa Thiên- Huế, còn có trò diễn bủa lưới, tái tạo sinh hoạt của cư dân vùng biển. Bắt đầu vào lễ, người cao niên, được trọng vọng nhất làng khấn vái thần hoàng, thổ địa, thần sông thần biển... cho dân làng làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi báo hiệu buổi lễ khai diễn. Sau hồi trống lệnh một vị cao niên tung tiền và phẩm vật xuống sân đình cho các em bé tranh giành nhau lượm. Các em bé này được hóa trang thành các loài cá, mực, tôm. Đó là các hải sản tượng trưng.
Đang lúc các em mải mê giành giựt, đám chủ thuyền khiêng một chiếc khe mành, cốt bằng tre, đan chắc chắn, phất bằng giấy, trên khe có một người ngồi, tiến vào sân đình. Người này tung lưới vây quanh đám trẻ: Các chủ thuyền theo ghe, đồng giữ lưới thành một vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp lại, vây kín đám trẻ. Đây là giai đoạn bủa lưới.
Các đứa trẻ tượng trưng cho các đàn cá đang ăn mồi tìm cách thoát khỏi lưới. Các chủ thuyền làm các động tác gọi cá, bắt cá. Họ bắt vài con cá đẹp lên cúng trên bàn thờ vị khai canh. Những con cá khác được các bà buôn cá gánh ra chợ bán, hoặc gánh xuống bờ phá cạnh đó rửa nước muối. Hoạt cảnh bán cá, mua cá diễn ra nhộn nhịp. Họ cũng mặc cả ồn ào như buổi bán cá thực sự...
Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, lễ hội thường diễn ra vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Ngư dân địa phương thường kết hợp lễ hội cầu ngư, lễ hội Cá Ông cùng với lễ hội ra quân đánh bắt cá vụ Nam hàng năm. Vào những ngày này tàu thuyền ở khơi xa đều tranh thủ về tập trung đầy đủ. Ngay trong ngày đầu, các nhà đều bày hương án để tế lễ, sau đó lễ cầu an được tổ chức vào đêm đầu tiên tại làng. Sáng hôm sau là lễ rước trên biển, có cả dàn nhạc trình diễn cùng với hát bả trạo, hát tuồng.
Lễ hội cầu ngư của cư dân các làng chài duyên hải miền Trung, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... đem lại cuộc sống ngày càng no đủ hơn, còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.
. Theo Lao Động |