Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn
16:56', 1/10/ 2003 (GMT+7)

Tượng Tây Sơn tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung

Theo lịch sử, sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long đã tìm mọi cách tiêu diệt tận gốc rễ nhà Tây Sơn. Những gì có liên quan đến triều Tây Sơn đều bị xóa sạch, ngay cả việc thờ cúng người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ cũng không được phép.

Thế nhưng, lịch sử thuộc về nhân dân, nên dù nhà Nguyễn có ra sức tiêu diệt đến đâu, thì những hình ảnh, tình cảm, công lao của nhà Tây Sơn đối với dân, với nước, trong lòng nhân dân vẫn không phai mờ. Với ba anh em Tây Sơn, người dân nghĩ rằng: nếu không có vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) mở đường, Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) giúp sức thì chắc gì có những chiến công oanh liệt của vua Quang Trung. Vì vậy, họ đã tôn thờ cả ba người anh hùng áo vải. Sau khi ngôi nhà từ đường của ba anh em nhà Tây sơn ở Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn phá hủy, người dân trong vùng vẫn có cách để hương khói thờ phượng các anh hùng của dân tộc. Để tránh mắt các quan lại nhà Nguyễn, nhân dân địa phương đã lấy ngôi đình làng Kiên Mỹ làm nơi thờ ba anh em Tây Sơn, còn sắc thần của ngôi đình được chuyển sang thờ ở một ngôi miếu khác. Tất nhiên mọi việc đều làm trong bí mật, ngay cả khi giỗ tế, việc khấn vái cũng chỉ khấn thầm và gọi là ngày "cúng cơm mới" của dân làng.

Theo hồi ký "Bóng ngày qua" của Quách Tấn, đình Kiên Mỹ được xây dựng vào thời Minh Mạng trên nền nhà cũ thuộc đất vườn của nhà Tây Sơn, có di tích cây me và giếng nước. Tuy không ai nói ra đình làng là nơi thờ phụng ba vua Tây Sơn, nhưng bất kỳ già, trẻ, trai, gái đi ngang qua đình Kiên Mỹ đều phải ngả mũ nón, người đi ngựa đi võng phải xuống ngựa, xuống võng. Vì thế, địa phương có câu ca:

Đá Hàng cũ nước không sâu

Hàng Thuyền lai láng mặc dù cá đua.

Có đua sông trước thì đua

Sông sâu mắc miễu thờ vua xin đừng.

Cứ như thế, đình làng Kiên Mỹ thành ngôi đền thờ nhà Tây Sơn, người dân trong vùng vẫn tưởng niệm công đức các vua. Dù âm thầm nhưng cũng không qua mắt được quan lại địa phương, song họ cũng không dám động đến oai linh của ba vua. Chuyện kể rằng, mùa xuân năm 1928 khi đi từ Sài Gòn ra Hà Nội nhà thơ Tản Đà có ghé lên Bình Khê tìm xem di tích nhà Tây Sơn. Lúc Tản Đà đến đình làng Kiên Mỹ xin vào làm lễ ba Vua, Lý trưởng làng đã không mở cửa đình, tiên sinh phải đốt hương làm lễ trước hiên. Liền đó viên tri huyện Bình Khê đến bắt Tản Đà đưa về tỉnh và tổng đốc Bình Định buộc Tản Đà tiên sinh phải về Hà Nội tức khắc.

Việc thờ cúng ba Vua tồn tại đến mãi sau này. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ngôi đình không còn và sau đó (năm 1960) người dân trong huyện chung tiền chung sức lập lại đền thờ Tây Sơn nơi đình cũ. Đền không rộng lớn nhưng đủ ba gian, gian giữa thờ vua Quang Trung, hai bên thờ vua Thái Đức và Đông Định Vương. Trước sân có tượng bán thân vua Quang Trung và bia khắc bài văn tán tụng công đức nhà vua. Hàng năm, ngoài việc cúng giỗ, vào mồng 5 tháng giêng lễ hội chiến thắng Đống Đa được tổ chức tại đây. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất, nhà Bảo tàng Quang Trung được xây dựng to lớn bề thế. Đến nay, điện thờ Tây Sơn đã được xây dựng khang trang nằm trong khuôn viên nhà Bảo tàng.

Ngày nay, du khách đến Bình Định đều ghé thăm nhà Bảo Tàng Quang Trung để hiểu thêm cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ 18 với những chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung và các chính sách xây dựng đất nước tiến bộ của triều đại Tây Sơn. Du khách sẽ vào thắp hương trong điện thờ, xem biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, soi mình nơi giếng nước và trầm tư dưới gốc me già để tưởng nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng   (29/09/2003)
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)
Nguyễn Bá Huân (1853 – 1915)   (09/09/2003)
Tản mạn xung quanh thành Hoàng Đế   (07/09/2003)
Phong tục Tết Trung thu ở nước ta   (05/09/2003)
Những ngôi cổ tháp ở Bình Định   (03/09/2003)
Lên vùng cao uống rượu cần   (02/09/2003)
Vùng đất võ An Thái   (31/08/2003)
Nguyễn Khuê (1825-1896)   (29/08/2003)
Hò giã gạo ở Bình Định  (27/08/2003)
Lễ cưới của Hơre Bình Định   (26/08/2003)