|
Đua thuyền, một hoạt động trong lễ cầu ngư |
Đất nước ta, từ Nam đến Bắc, mỗi dân tộc một vùng văn hóa, mỗi địa phương một nét riêng phong tục tập quán. Từ lễ đâm trâu, lễ bỏ mả đến ngày hội cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên, còn có các lễ cơm mới, lễ xuống đồng, lễ cầu ngư của người miền xuôi và ngư dân vùng biển... Đâu đâu cũng lấp lánh vẻ đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Ở Bình Định, ngoài các lễ hội miền xuôi hay miền núi còn có ngày hội cầu ngư của nhân dân các xã ven biển. Tồn tại từ lâu đời, lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của ngư dân. Nó phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sóng nước.
* Từ lễ hội cầu ngư
Xuất phát từ cuộc sống lênh đênh sóng gió, luôn phải đối chọi với bão tố, phong ba bằng những phương tiện thô sơ thiếu thốn, người dân vùng biển đành phải tin vào cõi thần linh. Hằng năm, họ tổ chức lễ cầu ngư, cúng "ông Nam Hải" hay cá voi để cầu xin cho trời yên bể lặng, tàu thuyền ra khơi vào lộng được nhiều tôm cá. Vì luôn phải đối mặt vời những tai họa bất ngờ ập đến, người dân vùng biển thường tin vào những thế lực siêu hình, cho nên lễ cầu ngư còn để cầu mong thủy thần, những người chết sông, chết biển phù hộ cho họ.
Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức ở lăng thờ cá voi vào dịp mùa xuân. Đây là nơi cải táng hài cốt của cá voi (cá ông) chết trôi dạt vào bờ. Ở Quy Nhơn có lăng thờ ông Nam Hải thuộc phường Trần Phú được xây dựng từ nhiều năm nay để khói hương, thờ cúng thần biển. Ở cửa biển Đề Gi, xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) cũng có lăng thờ lớn, tập trung gần 100 bộ xương cá voi bày trang trọng trong các quách để thờ cúng.
Lễ hội cầu ngư thường được tiến hành theo hai phần là: Lễ nghinh (đưa linh), tức là rước hồn các "Đức ông" cùng những người chết sông chết biển về nơi yên nghỉ. Tiếp theo là phần khởi ca với nhiều hoạt động vui chơi như múa hát, đua thuyền, thi bơi... Các hoạt động ở phần này phản ánh những sinh hoạt, lao động của ngư dân trên trên sóng nước.
* Và bả trạo
Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là loại hình múa hát bả trạo. Bả trạo như một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh của một đoàn thuyền chuyên chở những linh hồn oan uổng đến cõi siêu linh.
Đội bả trạo thường từ 8 đến 16 người, có nơi 12 đến 18 người, trang phục theo lối nghi lễ cổ và 3 vị chỉ huy gồm: tổng mũi, tổng khoan (tổng trung) và tổng lái. Mở đầu lễ hội là một đoạn múa chèo thuyền. Sau khi được lệnh của tổng lái, các tay chèo cùng nhảy bước một, từ một hàng thành hai hàng, rồi chuyển thành 4 hàng dọc. Tiếp đó họ quỳ lạy 3 lạy và bắt đầu day mái chèo. Từ động tác này, ba vị chỉ huy hát theo các điệu tẩu mã, nói lối hoặc hát khách, hát nam. Các con trạo (bạn chèo) thỉnh thoảng phụ họa theo, hoặc lặp lại một đoạn của các vai tuồng. Đối với chèo đưa linh, lời hát thường là những câu cầu siêu, mang tính huyền ảo như "Hò hò đưa linh":
Đưa linh phản hồi
Ai đem chiếc thuyền loan qua bể Bắc
Không cho chim nhạn đậu chốn non đoài...
Hoặc như:
... Mau chỉnh tu bát nhã từ thuyền
Đưa âm linh chớ có nại phiền
Qua khổ ải đặng thoát vòng nghịch kiếp
Thông thường, nội dung các bài hát ở phần đưa linh mang nhiều tính nhân đạo, thể hiện sự cảm thông, thương xót đối với những người vì tai họa bất ngờ phải bỏ mình giữa biển.
Từ động tác bơi chải trong ngày hội đua thuyền đến động tác chèo đưa linh trong hát múa bả trạo, tuy vẫn còn giữ đạo cụ là mái chèo, nhưng đã được cách điệu và thay đổi cho phù hợp với nội dung điệu múa. Nếu trong bơi đua, động tác phải khỏe, nhanh nhẹn, thì trong đưa linh, nó cần chậm rãi, kính cẩn và nhẹ nhàng.
Ở phần khởi ca, vì mang tính chất là một hoạt cảnh, nên buổi múa hát bả trạo diễn ra đầy đủ một quá trình đi biển từ lúc dong thuyền ra khơi cho đến lúc trở về. Trong suốt quá trình đó, đoàn chèo có lúc phải đối chọi với bão tố, hoặc lúc biển lặng thì buông câu, kéo lưới... Những động tác này gợi cho người xem cảm giác thân thuộc và lòng yêu thương gắn bó với biển giã, với nghề nghiệp. Người xem hồi hộp theo nhịp điệu lao động căng thẳng:
Ủa lạ, trời giông nên mới chớp lòa
nhìn biển lặng phút đâu đà nổi sóng
bớ đà trưởng, giông! Giông! Bớ đà trưởng.
Từ cách nói lối phù hợp với nhịp điệu khẩn trương chuyển sang sự bình tĩnh khi đã làm chủ tay chèo lúc trời yên biển lặn với điệu vè:
Linh đinh sóng gió dập dồi
rày sông mai biển mấy hồi gian nan
gian nan nhiều đàn lao lực
thẳng tợ đờn chín khúc quặn đau...
Như vậy, nội dung của hát múa bả trạo không chỉ thuần túy cầu siêu, đưa linh mà còn là một bài ca nghề nghiệp. Đặc điểm này còn được thể hiện ở cách trang phục và múa hát theo kiểu hát tuồng của các vai tổng mũi, tổng lái và các tay chèo trong hát múa bả trạo.
* Đến ngày hội lớn của ngư dân
Với nội dung sinh động và nhiều làn điệu đa dạng (như hò, vè, nói lối, hát nam, hát khách), múa hát bả trạo của lễ hội cầu ngư tuy không có kịch bản mới, nhưng vẫn được ngư dân yêu thích. Như vậy, người ta đến với lễ hội cầu ngư không chỉ đơn thuần vì tính nghệ thuật mà còn do vì nó gắn liền với nghi lễ. Khán giả, diễn viên và cả những người tổ chức lễ hội khi vào cuộc đều mang theo một lời cầu nguyện sự bình yên, thịnh vượng cho gia đình, làng xã.
Ở Bình Định, phần lớn các làng xã ven biển đều có lăng thờ ông Nam Hải. Đặc biệt ở khu vực 1 phường Trần Phú TP Quy Nhơn và thôn Vĩnh Lợi xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) có lăng thờ ông Nam Hải lớn nhất. Các lăng này đã qui tập về hàng trăm bộ hài cốt cá voi, ngày ngày có người chăm lo hương khói và được tu tạo hàng năm. Và đến dịp mùa xuân, nhân dân vùng Cát Khánh (Phù Cát), Hoài Hương, Tam Quan (Hoài Nhơn), Phước Thuận (Tuy Phước)... hoặc một số xã biển ở Quy Nhơn lại tổ chức lễ hội cầu ngư và hát múa bả trạo.
Mấy năm gần đây, với tinh thần bảo tồn, chấn hưng văn hóa dân tộc, ngành văn hóa Bình Định đã đưa lễ hội cầu ngư vào "ngày hội văn hóa thể thao miền biển", biến tập tục của một vạn chài thành ngày hội chung của ngư dân cả tỉnh. Đi đôi với việc này, ngành văn hóa cũng đã tiến hành khôi phục nhiều nét đẹp mang tính nghệ thuật truyền thống, như cho tôn tạo, trùng tu lại một số lăng thờ ông Nam Hải, hoặc động viên khôi phục các đội chèo chạo trạo phục vụ lễ hội.
Có thể nói, đến nay, lễ hội cầu ngư cũng như loại hình hát múa bả trạo đã tìm được một vị trí xứng đáng trong nền văn hóa dân tộc. Bỡi trải bao thăng trầm của thời gian và thử thách, những gì còn lại thường là cái tinh túy, đáng được bảo dưỡng, trân trọng.
. Mai Thìn