225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương
17:26', 12/10/ 2003 (GMT+7)

Năm 1778, tại Quy Nhơn đã diễn ra cuộc tiếp kiến giữa Thái Đức Nguyễn Nhạc với một phái đoàn ngoại quốc. Đây là một trong những cuộc gặp gỡ quan trọng đầu tiên, đánh dấu công cuộc "mở cửa thông thương" của Nhà Tây Sơn.

Đoàn ngoại quốc được triều kiến Nguyễn Nhạc cách đây 225 năm là những người Anh, do sứ giả M. Chapman dẫn đầu. Sau này, qua hồi ký "Giao tiếp trong một lần đến Đàng Trong" (đăng trong Sổ Niên giám châu Á - năm 1801), M. Chapman đã ghi lại khá chi tiết về hành trình chuyến đi và cuộc tiếp kiến với Nguyễn Nhạc. Chapman cho biết: Ban đầu đoàn cho tàu ghé vào một làng chài ở Pullo Gambir (tức Cù Lao Xanh - Nhơn Châu). Người dân làng chài ở Cù Lao Xanh tiếp khá niềm nở, lịch sự. Đồng thời, một ngư dân của làng chài đã tình nguyện dẫn đường cho đoàn đi đến Quy Nhơn - nơi ở của Thái Đức Nguyễn Nhạc (họ gọi ông là Ignaak). Theo mô tả của Chapman thì bấy giờ Quy Nhơn đã là một trong những thương cảng khá sầm uất ở Đàng Trong, với khá nhiều thương thuyền, trong đó có cả thương thuyền của một số nước như Macao, Bồ Đào Nha… Chapman viết: "Quy Nhơn là bến cảng tuyệt hảo. Tại đây, tàu thuyền có thể hoàn toàn tránh mọi thứ gió bão… Cảng này tọa lạc tại 13,52 độ vĩ tuyến bắc… Trên bờ, thấy nhiều nơi trồng trọt trù phú, phong cảnh thật ngoạn mục, chỗ thấp cấy lúa, chỗ cao trồng hạt tiêu đến đỉnh đồi… Trong bến cảng có hai thương thuyền Bồ Đào Nha đậu."

Sau khi neo tàu tại vịnh Quy Nhơn, Chapman cử một viên thư ký đến chào viên quan đồn canh, cai quản cửa khẩu và thông báo rằng đây là đoàn tàu của chính phủ Anh, từ Bengale - Ấn Độ tới. Mục đích của đoàn là đến xứ Đàng Trong nhằm thiết lập mối quan hệ hữu nghị và nối việc giao thương giữa hai nước. "Thông điệp" của đoàn được hàng ngũ quan lại của Nhà Tây Sơn ghi nhận. Từ đồn canh cửa khẩu trở về, viên thư ký thông báo cho Chapman biết, việc cập bến của tàu được quan coi cảng báo lên nhà vua (Nguyễn Nhạc) ngay. Trong khi chờ đợi ý chỉ của nhà vua, đoàn được coi như khách quý, được tiếp tế nước ngọt, thực phẩm. Ngay sau đó, đích thân viên quan coi cảng đã đến thăm và tặng đoàn 1 con heo. Qua miêu tả của Chapman viên quan này là "người có phong cách tốt", tuổi vào khoảng 50. Theo đề nghị của viên quan coi cảng, Chapman cử viên thư ký theo ông ta tới nhà người em của nhà vua ở gần đó (không rõ là Nguyễn Huệ hay Nguyễn Lữ?). Khi đi, viên thư ký mang đến tặng người em của nhà vua 2 tấm vải hoa, vài chai rượu mạnh và 1 tấm nhung. Viên thư ký của đoàn được đón tiếp ân cần và được cho biết: Đoàn sẽ được nhà vua biệt đãi và trước tiên sẽ được quan Thượng thư đầu triều, cũng là em rể vua (không rõ danh tánh) đến thăm.

Được quan Thượng thư đồng ý, Chapman đã trực tiếp đến nhà của ông ta. Tại đây, sau khi trình bày mục đích của chuyến đi, Chapman đề nghị quan Thượng thư cho biết những điều kiện thương mại trong bến cảng. Thế rồi, chỉ độ 3 ngày sau Chapman nhận được lời mời chính thức và giấy thông hành của Thái Đức Nguyễn Nhạc. Chapman mô tả: "Sắc chỉ được nhiều viên quan kính cẩn rước lên tàu. Các ông yêu cầu tàu phải kéo cờ và tôi phải đứng thẳng nhận lĩnh sắc chỉ có lọng che rất trang trọng. Sau khi các lễ nghi uy nghiêm thực hiện, sắc chỉ được mở đọc và trao cho tôi…". Chapman cho biết, ông rất ngạc nhiên khi được nghe nội dung lời mời của nhà vua mà người ta phiên dịch. Đại để, qua lời mời, Nguyễn Nhạc muốn giải thích tại sao ngài phải lên làm vua. Cụ thể, lý do ngài lên làm vua là vì "Chúa Đàng Trong cùng hàng quan lại làm dân nghèo đói, nên mệnh trời đã dùng ngài làm phương tiện giải phóng và đưa ngài lên ngôi vua…".

Hồi ký của Chapman rất có giá trị. Qua hồi ký, người đọc có thể tìm thấy ở đó những tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử nhà Tây Sơn, về vương triều của Thái Đức Nguyễn Nhạc và nhiều lĩnh vực, như kinh tế, xã hội, ngoại giao, nghệ thuật… Riêng về cuộc triều kiến Nguyễn Nhạc, qua hồi ký, Chapman cũng ghi chép rất tường tận. Sau khi mô tả về quang cảnh kiến trúc thành quách, cung điện, Chapman giới thiệu chi tiết về cuộc tiếp kiến Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông viết: "…Phía sau là bức ngăn bằng cây và ngai vua cao hơn sàn nhà hai hay ba bậc thềm, trên là chiếc ghế bành sơn son trang trí đầu rồng, thếp vàng, nhà vua ngồi trên đó, trước mặt có cái bàn nhỏ với chiếc gối bằng lụa đỏ thêu hoa vàng để tựa tay. Hai bên ngai có đặt ghế dành cho em vua. Một ông em ngồi đó (Không rõ là Nguyễn Huệ hay Nguyễn Lữ?). Ghế bên kia để trống, vì người em nữa đang có việc ở Đồng Nai. Sau 2 ghế ấy đặt nhiều tràng kỷ dành cho các quan ngồi theo thứ bậc… Cảnh quan thực đẹp đẽ…tạo ấn tượng như ta ở trước mặt một vị quân vương hùng mạnh ngự giữa triều đình…". Tiếp đó, Chapman tường thuật lại cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa vua Nguyễn Nhạc với các thành viên trong đoàn: "Qua thông ngôn, đàm đạo với vua, tôi nói: "Tôi phục vụ chính phủ Anh tại Benganle, ở đây phái tôi đi thắt chặt tình thân hữu và giao thương với người Đàng Trong". Vua trả lời: "Vua đã biết chiến tích của người Anh trên khắp biển cả, số tàu bè của họ nhiều hơn số tàu bè các nước khác cộng lại, người Anh rất giỏi hàng hải, nhưng dùng tài năng đó vào những việc sai quấy như cướp bóc tàu thuyền khác không nương tay. Vua sẵn lòng cho phép người Anh tới buôn bán trong các bến cảng trong nước và để đền đáp lại thì không được xâm phạm đến chiến thuyền hay tàu bè khác.". Sau khi phân tích những thông tin không đúng mà Nguyễn Nhạc tiếp nhận, Chapman góp ý thẳng với nhà vua về chính sách thuế của triều đình. Theo ông, nhà vua nên cho quy định những thuế suất thích hợp và rõ ràng để tránh sự mâu thuẫn với các loại phí rắc rối hay đổi thay như phí khoản bỏ neo. Sau khi tham khảo các quan, Nguyễn Nhạc đồng ý yêu sách mà Chapman đưa ra. Nhà vua cho phép người Anh được buôn bán ở Đàng Trong suốt cả mùa với một thuế suất nhất định. Tuy vậy, ban đầu mức thuế mà Nguyễn Nhạc đưa ra có hơi cao nên Chapman phân tích và đề nghị nhà vua giảm xuống. Cuối cùng, Nguyễn Nhạc đồng ý định rằng: tàu 3 cột buồm phải trả 7.000 quan (bấy giờ 5 quan tương đương với 1 đôla Mễ Tây Cơ); tàu 2 cột buồm 4.000 quan và tàu nhỏ thì 2.000 quan.

Đáng lưu ý là cuộc nói chuyện riêng giữa Nguyễn Nhạc với Chapman tại tư dinh. Theo mô tả của Chapman, khi tiếp ông tại tư dinh, Nguyễn Nhạc cởi bỏ toàn bộ mão, áo lễ nghi và chỉ mặc 1 bộ áo ngắn, đầu chít khăn nhiễu đỏ. Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí tự nhiên, không gò bó và đầy thiện chí. Nhà vua cho Chapman biết: Vì giữ thể diện giữa triều chính nên ngài bảo phải đóng thuế khi vào buôn bán. Nay vì muốn chứng tỏ tình thân hữu với nước Anh nên nhà vua sẽ không đòi hỏi gì mà còn cho thêm mọi sự ưu đãi, dễ dàng. Tuy nhiên, qua Chapman, nhà vua cũng muốn nhờ nước Anh giúp đỡ triều đình một số vấn đề về quân sự. Cụ thể, trong bối cảnh tình hình thời cuộc loạn lạc, giặc dã nổi lên khắp nơi, Nguyễn Nhạc đề nghị chính phủ Anh gửi sang 1 người cố vấn thông thạo sự việc, giúp dạy cho dân các phép chiến trận…

Chapman viết: "… Do các cuộc loạn lạc gần đây, đất nước đang rơi vào tình trạng xáo trộn mà chính nhà vua phải mang hết sức mình dẹp cho yên, mà còn phải thôn tính các trấn phía bắc Đàng Trong nữa - hiện đang do người Đàng Ngoài nắm giữ. Muốn đạt tới kết quả ấy, nhà vua thật tha thiết, rất ước ao có sự trợ giúp của một số chiến thuyền Anh và nhà vua sẽ trả công bằng việc nhường một khoảng đất mà người Anh xét là cần thiết để lập thương điếm hay cứ địa. Vua kết luận là sẵn sàng mọi sự để làm hài lòng người Anh nếu họ muốn hỗ trợ vua và bảo đảm cho vua cùng gia đình làm chủ chính quyền Đàng Trong…".

Theo Chapman, cuộc triều kiến và trò chuyện của đoàn với Nguyễn Nhạc đã thu được những kết quả khả quan. Trước khi chia tay, Nguyễn Nhạc đã nhờ Chapman mang 3 phong thư về dâng lên Toàn quyền Bengale - Anh quốc. Trong hồi ký Chapman đã ghi chép khá chi tiết về 3 phong thư: "Bao thứ nhất có ấn triện lớn của vương quốc, chỉ dẫn những điều kiện cho tàu thuyền tới buôn bán trong nước và yêu cầu gởi đến mấy huấn luyện viên quân sự. Hai bao kia mang dấu ấn nhỏ hơn: một thư mô tả con ngựa mà Nguyễn Nhạc muốn người Anh gởi tặng và thư kia cho phép cập bến các cửa khẩu Đàng Trong".

Qua cuộc triều kiến Nguyễn Nhạc của đoàn sứ giả Anh quốc cách đây 225 năm, có thể thấy Nguyễn Nhạc không chỉ là người có công lớn trong việc xây dựng nền móng cho vương triều nhà Tây Sơn, mà ông còn là người có tầm nhìn xa, trông rộng. Tiếc rằng, do hoàn cảnh lịch sử, kết quả của chính sách "mở cửa" mà Nguyễn Nhạc theo đuổi đã không thực hiện được. Đáng tiếc thay!

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn   (10/10/2003)
Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung   (06/10/2003)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (06/10/2003)
Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn   (01/10/2003)
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng   (29/09/2003)
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)
Nguyễn Bá Huân (1853 – 1915)   (09/09/2003)
Tản mạn xung quanh thành Hoàng Đế   (07/09/2003)
Phong tục Tết Trung thu ở nước ta   (05/09/2003)
Những ngôi cổ tháp ở Bình Định   (03/09/2003)
Lên vùng cao uống rượu cần   (02/09/2003)