Khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa - điểm tham quan độc đáo
18:46', 19/10/ 2003 (GMT+7)

Khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn gần 3km về phía nam. Trước kia, nơi đây được xem như là thế giới của khổ đau, thế giới an bài của "những con hủi" bất hạnh, sống biệt lập với xã hội bên ngoài, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên:

Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời

Giờ đây Quy Hòa đã thực sự trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan. Đi sâu vào trung tâm của Quy Hòa, hẳn khách tham quan sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những công trình kiến trúc độc đáo hiếm nơi nào có được. Ngoài gần 100 ngôi nhà thiết kế theo lối truyền thống đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới được xây dựng từ trước, Bệnh viện Quy Hòa còn nổi bật với vườn tượng danh nhân và nhiều công trình kiến trúc, văn hóa khác. Đập vào mắt mọi người sau khi vào cổng là bức tượng khổng lồ cao gần 10m của A.Hansen, người có công phát hiện ra vi trùng bệnh phong. Cái nhìn nghiêm khắc và cương nghị của nhà bác học như thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng và nhớ ơn những người đã hy sinh suốt đời cho y học và khoa học.

Dọc theo hàng phi lao ven biển là một quần thể kiến trúc độc đáo với nét uyển chuyển, tinh tế của các tượng chúa Jêsu, chúa Hài Đồng hoặc đức mẹ Maria với cái nhìn như sinh ra được lòng nhân hậu và độ lượng. Bên cạnh đấy là sân quần vợt, sàn nhảy ngoài trời có sức chứa gần trăm người (được thiết kế bằng một tòa bê tông cốt thép mang dáng một cây đàn ghi ta nằm ngửa giữa trời), và có cả sân khấu biểu diễn văn nghệ với phông là một bức tường lớn. Tất cả đều nằm dưới những tán phi lao cổ thụ, suốt ngày vi vút đón nhận những ngọn gió mặn mòi của biển cả. Bãi biển Quy Hòa nông, phẳng và luôn sạch sẽ, tinh khiết đón nhận khách tham quan.

Điểm nổi bật nhất của quần thể kiến trúc này là vườn tượng danh nhân với gần 30 trụ tượng cao khoảng 2m nằm lọt thỏm trong rừng phi lao xanh ngắt. Trên mỗi trụ là tượng bán thân của một danh nhân. Bên dưới có bản khắc bằng đá về thân thế, sự nghiệp và công lao của từng bậc danh y, các nhà khoa học nổi tiếng từ cổ chí kim. Tham quan vườn tượng, chúng ta sẽ được làm quen với Hippocrate (460-377 trước CN) và lời thề nổi tiếng giới y học; hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; của E Jenner (1749-1823) người tìm ra phương pháp phòng bệnh của bệnh đậu mùa; hoặc của A. Yersin, L. Pasteur, Lant Steiner... những con người đã quên mình cho y học và nhân loại.

Ngoài vườn tượng danh nhân, rải rác đây đó còn có nhiều công trình văn hóa độc đáo như: Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử, nơi nhà thơ đã nằm điều trị cho đến lúc cuối đời. Ở đây có tượng bán thân của nhà thơ (do tác giả quá cố Âu Như Thuy tạc nên từ những tấm hình ít ỏi còn lại) và nhiều di vật, nhiều công trình nghiên cứu về Hàn Mặc Tử. Ở sườn núi phía bắc của Quy Hòa còn có tượng chúa Jêsu và đàn cừu đang thong thả leo dốc. Tất cả hòa với sóng biển rì rào tạo nên cảnh yên bình trầm mặc cho vùng đất của "khổ đau và bất hạnh".

Những công trình kiến trúc độc đáo này không phải chỉ để phục vụ cho ý đồ kinh doanh du lịch mà còn thể hiện mối quan tâm to lớn với những người mắc bệnh phong. Giám đốc bệnh viện Quy Hòa hồi đó, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, là người có công lớn trong việc xây dựng khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa trở thành điểm du lịch nổi tiếng của cả tỉnh và cả nước.

Mục đích của bác sĩ Trần Hữu Ngoạn là làm sao để đánh bạt đi những định kiến sai lầm về bệnh phong, làm sao để xích dần thế giới của người bệnh đến với xã hội cộng đồng. Đấy cũng là mục đích mà ông nguyện phấn đấu để đạt được trong suốt cả cuộc đời.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương  (12/10/2003)
Đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn   (10/10/2003)
Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung   (06/10/2003)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (06/10/2003)
Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn   (01/10/2003)
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng   (29/09/2003)
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)
Nguyễn Bá Huân (1853 – 1915)   (09/09/2003)
Tản mạn xung quanh thành Hoàng Đế   (07/09/2003)
Phong tục Tết Trung thu ở nước ta   (05/09/2003)
Những ngôi cổ tháp ở Bình Định   (03/09/2003)