Thế kỷ XVIII được coi là thế kỷ phong trào nông dân khởi nghĩa, trong đó có cuộc nổi dậy của chàng Lía.
Lía quê ở Bình Định, con một gia đình nông dân nghèo khổ, sớm mồ côi cha mẹ. Chàng bị bọn cường hào bóc lột tàn nhẫn. Căm thù, uất hận cao độ, người nông dân nghèo nhưng khảng khái, kiên cường đó đã nổi dậy, lấy Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ. Cuộc chiến đấu anh dũng của Lía chống lại quan quân triều đình, cũng như hình ảnh chàng Lía cướp của nhà giàu chia cho người nghèo, đã thực sự đi vào tâm thức của người dân Bình Định từ nhiều thế hệ nay, qua những bài vè, giai thoại về chàng.
Ai về Bình Định mà nghe
Nói thơ chàng Lía, nói vè Quảng Nam
Duy có một điều là không thấy truyện cổ nhắc đến, lại được kể lại khá trọn vẹn trong Vè chàng Lía: Lía rất ưa thích hát bội. Nói theo ngôn ngữ của bài vè là "Tánh ưa hát bội xiết bao".
Những ai đã từng mê hát bội, nhất là với người dân Bình Định, quê hương của hát bội, mới biết sự quyến rũ, mê hoặc của hát bội như thế nào:
Hát bội làm tội người ta
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con
Hoặc:
Nghe rao trống chiến không khiến cũng đi
Nghe giục trống chầu đâm đầu mà chạy
Nhưng để thưởng thức được hát bội phải là người thông thuộc được các tuồng tích xưa, "có tích mới dịch nên tuồng", am hiểu nghệ thuật cách điệu của tuồng, mới có thể say mê tuồng được. Nhất là khi người thưởng thức ấy ngồi trước trống chầu để chấm câu để khen chê.
Lía có cách thưởng thức hát bội theo cách riêng của Lía:
Hát sao cho thích dạ này
Giá một ta thưởng bằng nay gấp mười
Nhược bằng chú hát qua thôi
Ta chém cả lũ đầu rơi tức thì
Thủ lĩnh căn cứ Truông Mây có đầy đủ uy quyền để làm điều đó. Nhưng làm vừa lòng Lía không dễ. Lần lượt những ông bầu gánh hát được chàng mời hát, phải rơi đầu, vì những sai sót, những thủ pháp nghệ thuật chưa hoàn hảo này nọ. Chỉ vì "Lưu Bị đẹp đẽ, dáng hình hùng oai. Cớ sao dẹo cẳng thế này. Còn ai coi đặng, hỏi mày nói sao?", thế là: "Chặt đầu bầu Huật cho xong một đời". Năm sáu ông bầu nữa "đầu bị mất đầu, bởi hát chẳng nên". Một phần yêu cầu nghệ thuật của Lía khắt khe; một phần nữa do các gánh hát xem thường chàng Lía. Vì:
Tưởng chàng ở chốn lâm san
Không tường xem hát làm càn cho xong
Chẳng dè Lía rất thạo thông
Hát chẳng vừa lòng truyền lịnh chém ngay
Trong bài vè có một lần duy nhất, một gánh hát đã vừa lòng chàng Lía, chẳng những không có cảnh đầu rơi máu chảy mà gánh hát đó còn được trọng thưởng. Bầu Lễ khi được lệnh lên núi hát cho Lía xem đã cầm chắc cái chết đến mười phần. Ông đã "đi khắp xóm làng từ giã bà con":
Ôm lòng từ biệt ra đi
Ngậm ngùi trong dạ ai bi vô cùng
Bầu Lễ thưa với Lía cảnh nhà túng bần, nỗi đàn con thơ dại, phận mình già cả, xin toàn tính mạng. Lía chỉ cười phân qua:
Miễn tuồng hát thiệt hay đi
Sắm tuồng cho đúng việc chi lo nào?
Rõ ràng yêu cầu của Lía là phải biết tích tuồng cho phù hợp, hay nhân nghĩa, trung nịnh rõ ràng và đào kép phải sắm tuồng cho đúng. Đúng là người say mê, am hiểu hát bội. Phải đâu Lía chỉ là dân võ biền không thôi!
Và đây:
Đến giờ khai diễn rõ ràng
Diễn tích "Triệu Tử thướng san đi tuần"
Hát thời hay vẹn mười phần
Lía xem chầu bội thỏa tâm vô hồi
Ba chầu vừa hát đã rồi
Lía ta đẹp dạ vui cười truyền ra
Lía đã thưởng bầu Lễ rất hậu vì tuồng hát đó:
Cho bầu Lễ cái rạp này
Lụa là gấm nhiễu có vài trăm cây
Những gì chưng cất nơi đây
Ta cũng cho hết thương tài cầm ca
Hai trăm lạng bạc đưa ra
Cho làm sở phí đó là thưởng riêng
Bầu Lễ mừng rỡ lắm lạy tạ:
Đem về hàng xóm vô cùng hân hoan
Nhất mừng tính mạng vẹn toàn
Lại mừng được gấm nhiễu hàng quí sao!
Chuyện khen, chê khi thưởng thức nghệ thuật như Lía, có lẽ trong nghệ thuật, quả cũng là hiếm. Người dân Bình Định đã khéo léo tài tình xây dựng một con người ngang tàng, đảm lược như Lía, lại phú cho chàng một niềm say mê nghệ thuật - cụ thể là nghệ thuật hát bội - như chính lòng say mê của họ vậy. Hình ảnh chàng Lía là khát vọng của người dân Bình Định bao đời nay.
Vậy nên, phong trào do chàng Lía cầm đầu thất bại, mà Lía vẫn còn đọng mãi trong tâm thức dân gian:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành.
. Trần Xuân Toàn |