Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long khỏi ách chiếm đóng của quân xâm lược Mãn Thanh do chính Quang Trung trực tiếp chỉ huy (xuân Kỷ Dậu - 1789) mũi tiến công vu hồi từ hướng Tây bất ngờ đánh vào Đống Đa và cung Tây Luông của Tôn Sĩ Nghị, do hai vị đô đốc Đặng Văn Long - Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, làm quân địch hoàn toàn bối rối và bị tiêu diệt.
Tiến tới kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2004) xin giới thiệu một chút tiểu sử của đô đốc Tuyết theo dã sử.
Nguyễn Văn Tuyết đang nằm mơ màng trong khói thuốc phiện, bỗng có tên lâu la vào báo:
- Thưa đại ca! Ở ngoài chợ có kẻ đang mãi võ, xâm phạm vào đất làm ăn của ta mà không trình báo. Xin đại ca định liệu.
Tuyết nhổm dậy, mặt hầm hầm:
- Kẻ nào mà to gan lớn mật vậy, nó dám coi thường Tuyết này sao?
Tuyết khoát tay, cùng bọn lâu la kéo ngay ra chợ huyện.
Trên khoảng đất rộng, Tuyết thấy một ông già tuổi chừng bảy mươi, tóc mây, râu cước, mắt sáng, da hồng, dáng quắc thước đang múa một bài quyền lẹ như gió thổi. Xong, hai cô gái trẻ tiến ra. Cô nào cũng xinh đẹp, tuổi chừng mười ba - mười lăm, quần chẽn, tóc búi. Họ cúi chào khán giả, đứng đối nhau múa gươm. Chỉ nghe tiếng gió vù vù, khí lạnh rợn người.
Nguyễn Văn Tuyết đứng coi một lúc, lòng thầm cảm phục. Nhưng Tuyết vẫn tức, bèn gạt đám đông đứng xem, nhảy vào vòng trong quát lớn:
- Lão già kia ở đâu đến đây mãi võ, sao không đến xin phép ta?
Ông già khẽ liếc nhìn Tuyết rồi lại thản nhiên giục hai cô gái múa gươm, coi như không có Tuyết ở đấy. Tuyết cả giận, gầm lên:
- Ngươi có biết Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn không?
Ông già cất tiếng cười vang nhưng không đáp. Tuyết nhảy vào đánh. Ông vẫn đứng yên cho đánh. Tuyết ráng sức đấm, chỉ thấy tay đau ê ẩm, đành hậm hực trở về, nghĩ kế giết ông già.
Đêm, Tuyết lẻn vào nhà trọ, giơ dao chém liên tiếp vào người ông già. Ông vẫn ngáy pho pho, chỉ có dao Tuyết gãy. Sợ hãi, Tuyết toan bỏ chạy. Ông già nắm chặt cánh tay Tuyết, bảo:
- Đang đêm quấy giấc ngủ của ta. Sao ngươi bất nhã đến vậy?
Tuyết quỳ lạy, xin tha tội rồi bái lạy ông già làm sư phụ. Tuyết cắn tay lấy máu, thề, lại hai ba lần đập đầu xuống thềm xin hối cải, ông già mới nhận Tuyết làm đồ đệ.
Tuyết theo ông già lang bạt trong thiên hạ, học võ thêm dăm năm nữa, được ông gả cháu gái, là một trong hai cô gái múa gươm. Thấy Tuyết trở về, bọn lâu la mừng lắm, lại tụ tập tôn phò đầu lĩnh. Tuyết cho chúng một ít tiền và khuyên bảo nên hối cải. Chúng hỏi hối cải thế nào, Tuyết đáp:
- Ra sức làm việc nghĩa, diệt trừ bọn tham quan để giảm bớt nỗi khổ cho dân lành.
Bọn lâu la từ đó không cướp đường cướp chợ mà nhằm những nhà quan lại giàu có để cướp, lấy tài sản chia cho người nghèo.
Nghe tin Võ Vương đi tuần thú phương Nam, Nguyễn Văn Tuyết bảo vợ :
- Tôi phải đi giết nó.
Nhưng đến nơi chúa ngự, lính canh phòng cẩn mật quá khó bề vào được, đành vòng ra vườn sau. Thấy ngựa Xích Kỳ, con ngựa quý do vua Cao Miên tặng chúa buộc đó, Tuyết lấy cưỡi đi. Chúa mất ngựa quý, bắt tuần phủ Quy Nhơn và quan lại quanh vùng phải tìm bằng được. Nhưng hàng tháng trời không thấy ngựa, chỉ thấy trong dinh tuần phủ có dòng chữ: "Kẻ dùng ngựa của Võ Vương là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn".
Tuyết có ngựa quý, phóng một đêm ngàn dặm lên vùng Tây Sơn thượng đạo theo anh em Nguyễn Nhạc. Tuyết lại đưa nhiều lâu la đi theo. Nguyễn Huệ mến tính khẳng khái và sức khỏe của Tuyết, cho làm tướng, nhiều lần đánh Nguyễn dẹp Trịnh, được phong chức Đô đốc.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đóng ở Phú Xuân, mang Tuyết đi theo. Khi nghe quân Thanh sắp sang, Nguyễn Huệ liền cử Nguyễn Văn Tuyết cùng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm chỉ huy trấn giữ phía Bắc để chặn quân Thanh.
Giặc kéo vào Thăng Long, quân Tây Sơn phải lui về đèo Tam Điệp để bảo toàn lực lượng. Nhờ có ngựa Xích Kỳ, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ một ngày đêm đã phóng về tới Phú Xuân, vào ra mắt chủ tướng báo tin dữ.
Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi Hoàng Đế, đem binh mã ra giải phóng Thăng Long. Trong ba mũi tiến công thì Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng Đô đốc Đặng Văn Long chỉ huy hướng vu hồi từ Chương Mỹ, Hà Đông đánh vào phía tây cung Tây Luông làm đòn bất ngờ, khiến kẻ địch trở tay không kịp, bị chôn vùi hàng vạn xác ở gò Đống Đa và bị quét sạch khỏi đất nước ta trong mấy ngày xuân lịch sử.
. Nguyễn Văn Chương |