Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân: đôi vợ chồng chung thủy, trung nghĩa với nhà Tây Sơn
16:54', 28/10/ 2003 (GMT+7)

Trong các vị tướng tài thuộc hàng rường cột của nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những người sớm tham gia cuộc khởi nghĩa, họ đã gắn bó thủy chung trong tình riêng và trung nghĩa với sự nghiệp chung.

Nói về mối tình của Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân cũng là mối tình hiếm có. Trước hết, họ gặp nhau trong hoàn cảnh ngẫu nhiên mà như tiền định. Đó là một lần Bùi Thị Xuân cùng vài cô học trò đi săn ở vùng núi Thuận Ninh gặp một tráng sĩ đang đánh nhau với một mãnh hổ. Cả hai bên đã quần thảo nhau rất lâu, con hổ mình đầy thương tích nhưng còn rất hăng, còn tráng sĩ cũng máu me đầy mình, sức sắp đuối. Để cứu tráng sĩ, Bùi Thị Xuân hét lên một tiếng rút song kiếm nhảy vào giao đấu với hổ. Mặc dù con hổ nhanh lẹ tránh những đường kiếm và vồ chụp tới tấp, nhưng cuối cùng cũng bị một nhát kiếm nơi vai và gầm lên một tiếng rung chuyển núi rừng rồi bỏ chạy. Lúc này Bùi Thị Xuân mới lo băng bó cho tráng sĩ và hỏi tên, thì được đáp: Trần Quang Diệu.

Thoát chết, Trần yêu cầu đưa mình về Kiên Mỹ, nhà Nguyễn Nhạc. Thực ra, lúc này cả ba người: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và Nguyễn Nhạc mới gặp mặt nhau, chứ trước đây họ chỉ nghe tên. Từ đó, cả ba người càng trở nên thân thiết, Nguyễn Nhạc đã đứng ra làm chủ hôn, hợp thành đôi lứa cho Diệu và Xuân, để từ đây đôi vợ chồng này gắn bó suốt đời với sự nghiệp nhà Tây Sơn.

Trước khi đưa quân đánh chiếm thành Quy Nhơn mở đầu cho khởi nghĩa Tây Sơn, Trần Quang Diệu được phong làm Đô đốc, Bùi Thị Xuân được phong Đại Tổng lý, cả hai đều là quan võ. Riêng Bùi Thị Xuân còn có nhiệm vụ rèn luyện voi chiến và điều hành đội nữ binh trên hai ngàn người. Sau chiếm được thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc xưng đế, mở rộng phong trào ra Bắc, vào Nam, Trần Quang Diệu được phong Thiếu phó và Bùi Thị Xuân là Đô đốc. Trong suốt cuộc hành trình theo nhà Tây Sơn, cặp vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân có lúc phải cách xa nhau, cũng có lúc cùng nhận một trọng trách, như trận Rạch Gầm-Xoài Mút, cả hai đều thống lĩnh, điều khiển lực lượng bộ binh. Trong trận này, Bùi nữ tướng đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn. Tương truyền rằng viên tướng Xiêm thấy Bùi nữ tướng đường kiếm tuyệt vời, sắc đẹp tuyệt mỹ, trong giây phút sững sờ bị nữ tướng vung kiếm chém không đỡ kịp.

Trong suốt thời gian theo phò nhà Tây Sơn, cặp vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân luôn đem tận lực phục vụ. Riêng nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân trong ba triều: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh lo việc bảo vệ hoàng thành và nội cung với 5.000 nữ binh cùng 200 thớt voi chiến do bà tập luyện. Thỉnh thoảng bà lại cùng chồng ra trận làm nên nhiều chiến công vang dội, Nguyễn Phúc Ánh rất sợ uy vợ chồng Diệu - Xuân. Trận đánh ghi dấu chiến công anh hùng của nữ đô đốc là trận lũy Trấn Ninh và Đâu Mâu (Quảng Bình). Đây là thành lũy được xây dựng kiên cố và được quân Nguyễn Phúc Ánh phòng vệ nghiêm túc, quân Tây Sơn đã mấy lần tiến công mà không lấy được lũy lại bị thiệt hại nhiều. Bùi nữ tướng không chịu thối lui và sau khi quan sát thấy mỗi lần súng từ trong lũy bắn xuống có đợt, bèn đốc thúc ba quân lợi dụng khoảng thời gian giữa hai đợt bắn đưa đoàn nữ binh áp sát vào chân thành rồi chuyền lên vai nhau trèo lên. Hai bên đánh giáp lá cà từ sáng đến chiều. Máu chảy đầu rơi, Bùi Thị Xuân mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Trong khi thành sắp hạ thì lại có tin thủy quân Tây Sơn ở sông Nhật Lệ bị quân Nguyễn đánh tan, Bùi nữ tướng phải dừng công thành mở đường máu rút lui. Một trận đánh thư hùng của đoàn nữ binh Tây Sơn mà sau này trong bài "Phu nhân ca" của cụ Vân Sơn (Nguyễn Trọng Trì) có đoạn viết:

Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao

Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào

Hoàng hôn thành đốc bi già động

Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều

Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc

Mộc Lan tòng Quân Hoàng Hà khúc

Thùy ngôn cân quắc bất như nhân

Dĩ cổ phương kim tam đỉnh túc

Nghĩa là:

Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra,

Gió xuân thổi máu bay thấm đầm tấm chinh bào

Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn

Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung.

Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân,

Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà

Ai bảo khăn yếm không bằng người?

Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân vạc.

Đây là tác giả tả Bùi nữ tướng lúc đánh thành Đâu Mâu.

Còn Trần Quang Diệu từ khi về với nhà Tây Sơn đã toàn tâm với Tây triều, không kể thân mình trong thì lo trấn áp bọn gian thần, ngoài thì lo chống Nguyễn Phúc Ánh. Đáng chú ý là khi nghe tin quân tướng nhà Nguyễn chiếm thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu tức tốc kéo quân từ Quảng Nam vây thành Quy Nhơn. Thành bị vây khốn nhiều tháng, cuối cùng hai tướng nhà Nguyễn giữ thành là Võ Tánh và Ngô Tòng Châu phải tự vẫn. Trần Quang Diệu lấy lại thành và trấn giữ cho đến khi nghe tin Thuận Hóa thất thủ mới bỏ thành Quy Nhơn kéo đại binh ra bắc, đó là năm Nhâm Tuất (1802). Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã đem 3.000 quân và 80 thớt voi theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An.

Khi Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đến Nghệ An thì quân lính hao hụt rất nhiều, đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt, riêng Diệu bị bệnh đi đứng khó khăn. Trong lúc khó khăn, tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định kéo quân đến đánh bất ngờ. Quân Tây Sơn trở tay không kịp, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng cùng các bộ tướng bị bắt. Lúc này, nữ tướng Bùi Thị Xuân ở Diễn Châu nghe tin liền đem quân giải cứu. Đoàn nữ binh của nữ tướng liều chết xông vào quân nhà Nguyễn và cứu thoát được Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng. Nhưng sau đó, quân Nguyễn quá đông nên đã vây bắt được cả Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng đóng cũi giải về Nghệ An cho Nguyễn Phúc Ánh. Trên đường đi Võ Văn Dũng phá cũi thoát thân, Bùi Thị Xuân không nỡ bỏ chồng đành ở lại cùng chết với Trần Quang Diệu.

Lấy xong Nghệ An, Nguyễn Phúc Ánh kéo quân ra đánh Thanh Hóa Bắc thành, bắt vua Bảo Hưng cùng cung quyến giải về Thăng Long, chấm dứt nhà Tây Sơn.

Như vậy, từ khi đến với nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa cho đến khi triều Tây Sơn bị sụp đổ, Trần Quang Diệu-Bùi Thị Xuân không chỉ là đôi vợ chồng chung thủy, cùng nhau dốc lòng vì nghĩa lớn, mà còn trung nghĩa đối với Tây Sơn vương từ lúc đầu đến cuối cùng. Sau này, trong sự trả thù của Nguyễn Phúc Ánh, Trần Quang Diệu bị lột da, Bùi Thị Xuân bị thiêu sống và những người con của họ bị voi xé xác. Dù Nguyễn Phúc Ánh trả thù tàn khốc đến thế nào đi nữa, đã là danh tướng có lòng trung nghĩa thì không bao giờ mất trong lòng nhân dân, cũng như lời đối thoại sau đây giữa Nữ kiệt và Nguyễn Phúc Ánh được ghi trong sách "Nhà Tây Sơn" của Quách Tấn-Quách Giao:

Nguyễn Phúc Ánh hỏi:

- Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn?

Bùi Thị Xuân ung dung đáp:

- Nói về tài ba thì Tiên Đế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dụng nên cơ đồ. Còn người bị đánh phải trốn chui trốn lủi, phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì Tiên Đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Đức, tôi nhà ngươi. Còn nhà ngươi lại dùng tâm quả của kẻ tiểu nhân mà đối với những bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chăng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém đã rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên Đế ta đừng thừa long sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.

. HỮU VINH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện đô đốc Tuyết  (26/10/2003)
Chàng Lía với hát bội  (20/10/2003)
Khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa - điểm tham quan độc đáo  (19/10/2003)
225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương  (12/10/2003)
Đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn   (10/10/2003)
Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung   (06/10/2003)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (06/10/2003)
Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn   (01/10/2003)
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng   (29/09/2003)
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)
Nguyễn Bá Huân (1853 – 1915)   (09/09/2003)