Vua Quang Trung và chính sách đối ngoại
16:47', 2/11/ 2003 (GMT+7)

Sau khi đánh thắng 29 vạn quân Thanh, nước ta không những không còn bị uy hiếp bởi nước lớn Trung Hoa, mà các nước nhỏ xung quanh phải chịu thần phục. Vua Quang Trung bắt tay vào công cuộc ổn định phát triển đất nước, đề ra các chính sách nội trị, ngoại giao. Có thể nói, việc ngoại giao của nước ta dưới triều Quang Trung là chính sách vừa nâng cao lòng tự hào dân tộc, vừa mềm dẻo để giữ vững nền độc lập của Việt Nam.

Với Trung Hoa là nước lớn, hàng năm vua nước ta phải triều cống và khi phong vương phải được sự chuẩn y của đương kim hoàng thượng Trung Hoa. Vì vậy, nên dù đã đánh đuổi 29 vạn quân nhà Thanh, vua Quang Trung không tự mãn, mà có chính sách vừa giữ thể diện đất nước, vừa mềm dẻo để giữ hòa hiếu cả hai bên. Vua Quang Trung cho rằng: "Mưu đồ của vua Càn Long ta đã biết trước rồi, nay bị thua chắc không chịu nhục, hai nước tiếp tục đánh nhau làm khổ dân. Nếu dùng lời nói khéo léo sẽ tránh được việc binh đao". Vì vậy, nên việc đầu tiên của vua Quang Trung là sai đại thần Ngô Thời Nhậm thảo một bức thư gởi cho vua Càn Long. Đại ý thư nói rằng: Nước Nam vốn không dám chống cự với đại quốc. Chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm nhỡ việc, nên đại quốc phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hòa. Vua Quang Trung sai sứ mang thư sang Tàu và truyền đem những quân nhà Thanh do quân Tây Sơn bắt được để ở một nơi, cấp lương thực đợi ngày cho về nước.

Đúng như dự đoán của vua Quang Trung, khi vua Càn Long hay tin Tôn Sĩ Nghị bại binh đã đùng đùng nổi giận và lập tức giáng chỉ sai quân nội các là Phúc Khang An đem quân chinh phạt Tây Sơn. Tuy nhiên, khi nhận được thư của vua Quang Trung và lời ngoại giao khéo léo của Ngô Thời Nhậm, vua Càn Long đã thuận cho giảng hòa, đồng thời sai sứ sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc vương. Ngoài ra, Càn Long còn tặng cho vua Quang Trung một chuỗi trân châu và truyền sang năm Canh Tuất (1790) sang chầu vua nhà Thanh. Đáp lại, vua Quang Trung làm biểu tạ ơn vua Càn Long. Năm 1790, Phúc Khang An giục vua Quang Trung sang chầu vua Càn Long, nhà vua bèn chọn người phảng phất giống mình là Phạm Văn Trị đóng giả sang gặp vua Càn Long. Khi đoàn sứ giả của nước Nam đến, Càn Long tưởng đó là Nguyễn Huệ thật, nhà vua vui nhận cống phẩm, tặng câu đối, tặng thơ, lại sắc phong cho Nguyễn Quang Thùy làm An Nam Quốc vương Thế tử. Đáng chú ý, là trong bài thơ này có nói đến chuyện "người vàng". Chuyện là trước đây trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi đã bắt giết tướng Minh là Liễu Thăng, nên vua Minh buộc vua Lê hàng năm phải cống người vàng để thường mạng. Các triều vua nước Nam như Lê, Mạc đều phải nộp người vàng hàng năm và sau đó bãi bỏ, song đến đời Quang Trung, Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An nhắc lại lệ này. Vua Quang Trung phản đối. Vì nể vua Quang Trung nên trong bài thơ vua Càn Long có nói đến chuyện người vàng, nhưng nói chứ không bắt phải nộp cống phẩm như xưa, tức là lệ này bãi bỏ. Càng tiếp xúc với vua Quang Trung (tuy là người khác đóng thế), vua Càn Long rất mến phục tài đức của vị vua trẻ nước Nam.

Hai nước hòa hiếu, năm 1792 (Nhâm tý) vua Quang Trung sai các quan sang nhà Thanh xin mở cửa ải Bình Thủy (Cao Bằng) và cửa Du Thôn (Lạng Sơn) để hai nước qua lại buôn bán với nhau được miễn thuế. Lại xin nhập Nha Hàng (cơ quan giới thiệu việc mua bán) ở Quảng Tây để người Nam qua đó sinh sống, vua Càn Long chấp nhận. Tuy hai nước quan hệ bình thường, nhưng có điều khiến vua Quang Trung không bằng lòng là trước kia có 6 châu và ba động thuộc Tuyên Quang nước Nam bị bọn thổ ty nhà Thanh xâm chiếm đem sáp nhập vào lãnh thổ Lưỡng Quảng. Nhà vua đã viết biểu nhờ Phúc Khang An chuyển lên Thanh triều thỉnh cầu phân định lại cương giới, nhưng Phúc Khang An viện cớ cương giới đã định rồi nên bác khước. Vua Quang Trung bất bình và lo dưỡng uy sức nhuệ, để có lúc sẽ đòi lại đất đai của tổ tiên.

Đối với Trung Hoa tạm ổn, còn đối với Xiêm La, Ai Lao và Miến Điện, vua Quang Trung có cách ứng xử khác. Với các nước này, nhà vua không xâm phạm đất đai, cương giới, nhưng các cuộc xâm lấn, hoặc âm mưu xâm lấn vào biên giới nước Nam đều bị nhà vua sai các tướng đem quân đánh dẹp trước. Mùa xuân năm Tân Hợi (1791) vua Ai Lao là Chiêu An không chịu triều cống, vua Quang Trung sai Trần Quang Diệu đem quân sang vấn tội, quân Ai Lao sợ hãi xin hàng và thần phục. Vua Miến Điện cũng sai sứ sang nước Nam thông hiếu. Như vậy, dưới triều Quang Trung bờ cõi phía tây cũng như phía bắc nước ta được yên ổn.

Nhờ chính sách đối ngoại đúng mực, uyển chuyển, vua Quang Trung đã không còn lo nạn ngoại xâm để tập trung cho nội trị, phát triển đất nước. Nhưng tiếc thay, lịch sử đã đi theo một hướng khác, nhà vua đột ngột băng hà ở tuổi còn khá trẻ, khiến sự nghiệp nhà Tây Sơn ngày càng yếu thế và sụp đổ.

. HỮU VINH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân: đôi vợ chồng chung thủy, trung nghĩa với nhà Tây Sơn  (28/10/2003)
Chuyện đô đốc Tuyết  (26/10/2003)
Chàng Lía với hát bội  (20/10/2003)
Khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa - điểm tham quan độc đáo  (19/10/2003)
225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương  (12/10/2003)
Đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn   (10/10/2003)
Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung   (06/10/2003)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (06/10/2003)
Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn   (01/10/2003)
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng   (29/09/2003)
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)