Rượu Bàu Đá - Mỹ tửu đất Bình Định
16:43', 4/11/ 2003 (GMT+7)

Trong như mắt mèo, mang hương thơm dìu dịu của gạo có nồng độ 45-500, nhưng uống vào lại ngọt êm, nên nhiều người cứ tưởng nhạt. Chỉ sau mấy lần nhấp môi là đã thấy đất trời chếnh choáng, lòng đầy hứng khởi. Nhiều người sành rượu đã tôn xưng rượu Bàu Đá là "mỹ tửu" của đất võ Bình Định.

Bàu Đá là một đầm nước ngọt thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Cư dân quanh vùng từ xa xưa đã có nghề nấu rượu từ gạo, từ nếp, rượu cũng đã ngon. Tương truyền, từ khi có một phụ nữ tên là Đấu từ đất Tây Sơn đến đây nấu rượu thì rượu của bà vượt hẳn các nhà khác. Vì sao bà Đấu nấu rượu ngon? Dân làng tìm hiểu và phát hiện ra là bà dùng nước ở Bàu Đá để nấu nên rượu có hương vị thơm ngon và nồng độ đặc biệt. Từ đấy, dân làng làm theo và rượu ngon hẳn lên. Khi bà Đấu qua đời, lại thấy đáy bàu cấu tạo bằng đá, nên để tưởng nhớ bà Đấu và khỏi thất kính, người ta đã nói lái "Bà Đấu" thành "Bàu Đá" cho thêm phần kỳ bí. Truyền thuyết rượu Bàu Đá là vậy. Chẳng biết sự thật được bao nhiêu phần trăm?

Khi nấu rượu, người ta lấy nước Bàu Đá cất với ngọn lửa riu riu. Giọt rượu chậm rãi đọng lại, được dẫn ra một chiếc hũ sành bịt kín bằng một vòng củ tre khô đục thông lỗ ở giữa, đẽo gọt công phu. Rượu cất qua một dây chuyền khép kín nên giữ trọn vẹn sự tinh khiết. Người làm nghề lâu năm chỉ cần nghe nhịp rơi của giọt rượu trong hũ sành cũng có thể biết được chất lượng sản phẩm của mình.

Ngày xưa người ta nấu ít nên rượu ngon đặc biệt. Sau này nhu cầu cao, nhiều người nấu, đun to lửa cho rượu chảy nhanh nên mức độ ngon đằm giảm sút. Tuy vậy, rượu Bàu Đá vẫn là… rượu Bàu Đá! Hồi năm 1991-1992 có một đoàn các nhà khảo cổ Nhật đến An Nhơn khai quật đồ sành sứ, sau khi được nếm chút rượu Bàu Đá do chủ nhà khoản đãi, cả đoàn khen ngon, thích đến ngẩn ngơ. Từ đó họ mê luôn, bữa ăn nào cũng phải có vài ly Bàu Đá mới thấy ngon miệng.

Cố nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao là bậc thầy về thưởng thức rượu cũng rất mê Bàu Đá. Ông khen: "Rượu làng Vân mỏng, rượu Bàu Đá dày". Và ông thường nhận được dăm ba lít Bàu Đá của anh em văn nghệ sĩ đất Bình Định yêu mến gửi tặng.

Rượu Bàu Đá Bình Định bây giờ có mặt khắp nơi. Không chỉ Nhơn  Lộc mà cả xã Nhơn Tân bên cạnh cũng nấu rượu và gọi là Bàu Đá. Riêng ở hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Lộc 2 chính gốc Bàu Đá có đến cả vài trăm hộ nấu rượu. Người ta nấu rượu để giữ nghề gia truyền, giữ cái tiếng, chứ lãi thì không bao nhiêu. 10 kg gạo chỉ lấy 7 lít rượu, lãi khoảng 20.000 đồng. Lãi chính là bã hèm để nuôi heo. Thường mỗi hộ lúc nào cũng có dăm mười con heo múp míp, da căng bóng trong chuồng. Nhiều nhà làm giàu nhờ nấu rượu và nuôi heo.

Bây giờ, khách du lịch đến Bình Định sẽ còn được thưởng thức rượu Bàu Đá chính hiệu đựng trong các be sành có thắt dải nơ đỏ, đựng trong hộp, trong làn mây. Khách muốn uống tại chỗ, xách theo xe đi tham quan hoặc làm quà tặng cho bè bạn đều rất tiện.

Rượu Bàu Đá được nhiều người hâm mộ. Nhưng để trở thành một thứ thương phẩm đặc sản có thể làm giàu, phục vụ khách bốn phương chắc còn nhiều việc phải làm nữa. 

 . NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vua Quang Trung và chính sách đối ngoại  (02/11/2003)
Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân: đôi vợ chồng chung thủy, trung nghĩa với nhà Tây Sơn  (28/10/2003)
Chuyện đô đốc Tuyết  (26/10/2003)
Chàng Lía với hát bội  (20/10/2003)
Khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa - điểm tham quan độc đáo  (19/10/2003)
225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương  (12/10/2003)
Đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn   (10/10/2003)
Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung   (06/10/2003)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (06/10/2003)
Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn   (01/10/2003)
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng   (29/09/2003)
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)