Không phải bây giờ Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới mà "gán ghép" cho vua Quang Trung cũng "đổi mới" để hợp thời cuộc; mà ngay từ "Chiếu lên ngôi" ngày 22-12-1788 ở Phú Xuân trước khi lên đường ra bắc đánh quân Thanh, Quang Trung đã bộc lộ xu hướng "đổi mới" của mình: "Ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường… Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, Trẫm nay cùng dân đổi mới".
Trước hết, để thực hiện sự "đổi mới" đó, Quang Trung cho giảm một nửa thuế ruộng, thuế thân, thuế nhà (tô, dung, điệu). Nơi bị thiên tai địch họa thì tha miễn. Đại xá tất cả tội phạm, trừ tội "đại nghịch bất đạo". Các đền thờ "dâm thần" đều phá bỏ. Các quan lại cựu triều muốn ra làm quan đã được tùy tài sử dụng. Cách ăn mặc của nhân dân trong cả nước đều cho được tùy nghi, trừ mũ áo triều nghi là theo qui chế mới.
Tuy chỉ là một nông dân ở vùng núi xa xôi, chỉ được học văn và võ một vài ông thầy, Nguyễn Huệ cũng không đỗ đạt bằng cấp gì, nhưng vốn thông minh và có đầu óc đổi mới, ông không bảo thủ kiểu nông dân mà biết tôn trọng tri thức, mến mộ nhân tài, không thành kiến ghét bỏ những trí thức cũ của nhà Lê nên đã tập hợp được quanh mình những người có tài và tâm huyết, một lòng phục vụ đất nước như các nhà trí thức lớn Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp...
Quang Trung tôn trọng việc học, muốn có người thực tài ra giúp nước. Ông cho phép tất cả mọi người được bày tỏ tài năng của mình bằng cách nhờ tiến cử hoặc tự mình tiến cử. Qua xem xét, sẽ tùy tài bổ dụng. Có lỡ "ba hoa khoác lác" cũng không bắt tội "vu khoát" (nói láo).
Năm 1786, khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long "phò Lê diệt Trịnh", ông đã không bắt nô lệ, gái đẹp, thu của cải như thông lệ vẫn xảy ra mà cho tìm các nhân tài đưa về Phú Xuân sử dụng, nhằm xây dựng một nền văn trị bền vững.
Sau chiến thắng Đống đa xuân Kỷ Dậu 1789, Quang Trung cho tổ chức ngay kỳ thi Hương ở Nghệ An để chọn người tài. Còn ở các trường học, những nho sinh hạng ưu thì tuyển, hạng kém đuổi về. Những "sinh đồ ba quan", tức những trí thức mua bằng cấp thì bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch.
Ông cho lập ngay Viện Sùng Chính, cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng để nghiên cứu việc học, dịch sách, biên soạn sách giáo khoa từ chữ Nho ra chữ Nôm cho việc thực hiện "cải cách giáo dục". Dùng chữ Nôm thay dần chữ Hán trong các chiếu, biểu, công văn, thư tịch. Trong một khoa thi, có thí sinh làm thơ vịnh "Con cóc" bằng chữ Nôm nên đã bị giám khảo đánh rớt. Quang Trung phúc khảo, khen bài thơ hay và lấy đậu (1). Ông đã ban bố "Chiếu lập học" để nâng nền văn hóa. Bản thân Quang Trung cũng thường xuyên học "bổ túc văn hóa" về văn chương, lịch sử Việt Nam, do một quan bí thư riêng "mỗi tháng sáu lần giảng giải kinh sách" cho vua. Ông không hề dấu dốt, luôn luôn cầu tiến.
Về luật pháp, Quang Trung nhận thấy không thể cai trị đất nước một cách tùy tiện và khắc nghiệt theo chế độ quân chính như hồi đầu. Năm 1788, trong một sắc lệnh của mình, Quang Trung đã ghi: "Từ trước đến nay, các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hòa bình nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra bộ luật để dân chúng sống trên đất ta nghiêm ngặt tuân theo".
Chỉ sau một hai tháng, bộ Luật mới đã được soạn thảo và ban hành. Trong quá trình thực hiện, nó luôn được bổ sung, sửa chữa và đến năm 1792, bộ Luật hoàn chỉnh nhất được hoàn tất. Một bộ Luật Hình do Thượng thư Bộ Hình Lê Công Miễn soạn thảo, nhưng tác giả của nó sớm qua đời năm 1800 nên không kịp ban bố.
Song song với việc khai khẩn đất hoang, bãi giảm thuế khóa, khuyến khích nông dân sản xuất, mở rộng nền công thương trong nước, Quang Trung kiên quyết xóa bỏ sự "bế quan tỏa cảng" đã làm cho đất nước trì trệ. Ông thiết lập quan hệ thương mại ngay với nhà Thanh, chủ động viết thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An đề nghị mở cửa ải, thông chợ búa, để nhân dân biên giới hai nước tự do qua lại buôn bán. Quang Trung còn mạnh dạn buôn bán với các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… để nước ta có dịp tiếp cận với nền văn minh thế giới.
Đây là những đổi mới quan trọng của vua Quang Trung. Còn nhiều việc ông đang dự định đổi mới, như việc dời đô ra Nghệ An xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, tổ chức hành chính có phủ, huyện, tổng, xã, thôn; đòi lại Lưỡng Quảng và cưới công chúa nhà Thanh... Chỉ tiếc Quang Trung đột ngột mất sớm, nên bao hoài bão "đổi mới" của ông còn dang dở.
Tuy nhiên, những bài học về "đổi mới" của Quang Trung đến nay vẫn còn rất thời sự.
. NGUYỄN VĂN CHƯƠNG
(1) Theo "Nhà Tây Sơn" của Quách Tấn - Quách Giao (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988), thì bài thơ đó như sau:
Da thời ghẻ chốc mọc tàm ngoam
Vóc dạc u nu giống trái tràm
Nòng nọc đứt đuôi ra khỏi nước
Phá tan tổ mối miệng chàm bàm.
Quang Trung khen là ý mới, lời tao, lấy đậu hạng ưu và cho vào Quốc học, quở trách ban giám khảo và cấm không được đi chấm thi nữa. |