Chợ nón đêm Tiên Hậu
16:29', 18/11/ 2003 (GMT+7)

Chợ nón đêm (ảnh: Đào Tiến Đạt).

Không biết từ bao giờ chợ nón đêm ở thôn Tiên Hậu, xã Nhơn Thành (An Nhơn) đã hình thành, mỗi đêm là một phiên chợ chỉ bán một thứ duy nhất là chiếc nón lá. Chợ bắt đầu họp từ 3 giờ sáng cho đến 5 giờ sáng thì tan. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (63 tuổi, thôn Phú Thành, xã Nhơn Thành) thì chợ có từ khi mẹ bà còn nhỏ, nay người mẹ của bà đã bước sang tuổi 84. Cũng theo nhiều người cao tuổi khác, chợ nón đêm đã hình thành từ khá lâu, khoảng 70- 80 năm nay.

Chúng tôi có mặt lúc chưa tới 3 giờ sáng, vậy mà mọi người đã đến chợ từ trước, đa số là phụ nữ. Chợ nón đêm Tiên Hậu (cách UBND xã Nhơn Thành chưa tới trăm mét) là đầu mối tập trung thu mua nón cho các xã lân cận như: Nhơn Thành, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn An và thị trấn Đập Đá... Cho tới 3 giờ 30 phút sáng thì chợ trở nên khá nhộn nhịp vì số người đem nón tới chợ mỗi lúc mỗi đông, người ở gần thì đội nón trên đầu đem đến chợ, người ở xa thì chở xe đạp. Bà Phạm Thị Lân ở gần nhà bà Tuyết cho biết, chợ họp vào khi trời chưa sáng cũng thuận tiện cho bà con, vì sau khi bán nón xong có tiền đi chợ mua bó rau, mớ cá rồi về cho kịp ra đồng làm việc. Đa số những người làm nón, công việc làm nông là chính, còn đan nón là nghề phụ, lúc nào rảnh rỗi thì đan để kiếm thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Chiếc nón Gò Găng một thời nổi tiếng khắp nơi, đó là một nghề truyền thống của người dân ở An Nhơn. Nhưng, đến nay nghề làm nón đã mai một, nhiều người làm nón đã bỏ nghề đi tìm việc khác vì thu nhập của nghề làm nón chẳng thấm vào đâu. Chị Đào Thị Thu Nguyệt (Nhơn Hậu) tâm sự: "Với một chiếc nón làm ra trừ chi phí vật liệu chỉ lời có 1.000 đồng, mỗi ngày nếu đan giỏi chỉ được 5 chiếc là cao, thì làm sao ai mà dám theo nghề". Ngày trước nhà nhà làm nón, người người làm nón, thì hôm nay ở Gò Găng cũng chỉ còn lác đác vài hộ làm nón, đa số là những người lớn tuổi không thể đi làm việc khác. 30 chiếc nón của chị Nguyệt với 4 người đan sau 5 ngày trời, được những người mua nón trả giá 66.000 đồng (tính ra hơn 2.000 đồng/chiếc), chị Nguyệt cho biết thêm: "Vậy là giá cao rồi đó, vì nón đẹp, chứ nón mà xấu thì không tới giá đó đâu. Lúc trước do số người đan nón nhiều, nên giá chỉ có 1.300- 1.400 đồng/chiếc,  nay giá như vậy cũng được lắm rồi".

Cho đến 4 giờ sáng thì phiên chợ càng đông, mỗi chủ buôn nón đều chuẩn bị một chiếc đèn dầu khi những người đem nón đến, họ chỉ cần thắp đèn lên xem qua một lần biết được nón tốt, nón xấu và ra giá, cảnh mua bán diễn ra rất nhanh. Hết lượt người này, đến lượt người khác đem nón đến nếu được giá là bán ngay, còn chưa thỏa thuận được giá thì đem tới các chủ buôn nón bên cạnh chừng nào cảm thấy được giá thì bán. Một điều hay là các chủ buôn nón ở đây không hề tranh giành khách lẫn nhau. Cảnh mua bán diễn ra trong một không khí nhộn nhịp, nhưng không có một tiếng cãi cọ hay to tiếng như các phiên chợ khác. Bà Phạm Thị Sương (Tiên Hậu, Nhơn Thành), một người buôn nón lâu năm cho biết: "Tôi làm nghề buôn nón này cũng gần 10 năm rồi, chưa bao giờ có chuyện tranh giành lẫn nhau, nếu ai mua được giá thì cứ bán, vả lại những người làm nón là bạn hàng quen biết lâu năm nên tôi không ép giá họ. Chứ họ làm ra được một chiếc nón này cũng cực khổ lắm, mà tiền công có nhiều là bao". Cụ Trần Thị Lâm (72 tuổi, ở Bả Canh, Đập Đá) cho hay: "Những chiếc nón lá này chủ yếu do người già chúng tôi đan chứ bọn trẻ bỏ lên Tây Nguyên hái cà phê thuê có tiền nhiều hơn".

Chợ nón đêm Tiên Hậu không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là nơi giữ được nghề truyền thống - nghề đan nón, để từ đây, những chiếc nón Gò Găng Bình Định tỏa đi khắp mọi miền đất nước.

. NGUYỄN PHÚC

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Từ đồng cô Hầu đến vườn cam Tây Sơn  (17/11/2003)
Di tích Chăm ở Bình Định  (14/11/2003)
Lăng "Ông" và lễ hội ở vùng cửa biển Đề Gi  (09/11/2003)
Những "đổi mới" của vua Quang Trung  (07/11/2003)
Rượu Bàu Đá - Mỹ tửu đất Bình Định  (04/11/2003)
Vua Quang Trung và chính sách đối ngoại  (02/11/2003)
Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân: đôi vợ chồng chung thủy, trung nghĩa với nhà Tây Sơn  (28/10/2003)
Chuyện đô đốc Tuyết  (26/10/2003)
Chàng Lía với hát bội  (20/10/2003)
Khu điều trị phong và da liễu Quy Hòa - điểm tham quan độc đáo  (19/10/2003)
225 năm trước, Nguyễn Nhạc đã từng "mở cửa" thông thương  (12/10/2003)
Đêm ngủ trên bãi biển Quy Nhơn   (10/10/2003)
Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung   (06/10/2003)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (06/10/2003)
Từ đình làng Kiên Mỹ đến... Điện thờ Tây Sơn   (01/10/2003)