|
Ban Giám hiệu và học sinh trường Collège de QuiNhơn niên khóa 1933-1934. |
Tháng 9-1921, cách đây hơn 82 năm, trường Quốc học Quy Nhơn (Collège de Quy Nhơn) chính thức được thành lập. Cùng với các trường Quốc học Vinh, Quốc học Huế, Collège de Quy Nhơn là 1 trong 3 trường Quốc học của Xứ Trung Kỳ trước Cách mạng tháng Tám - 1945.
Thời Pháp thuộc, Collège de Quy Nhơn là trường Quốc học duy nhất ở miền Nam Trung bộ - Tây Nguyên xây dựng được 10 lớp, chia làm 3 cấp học toàn bằng tiếng Pháp, gồm: Sơ học, Yếu học, Tiểu học (bằng primaire), Cao đẳng Tiểu học (Primaire Supericure). Mỗi khóa, trường Collège de Quy Nhơn đào tạo khoảng 400 học sinh của các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Collège de Quy Nhơn không chỉ là ngôi trường có truyền thống "Hiếu học - Kính thầy - Mến bạn" mà còn nổi tiếng về truyền thống yêu nước, cách mạng. Hơn 80 năm hình thành và phát triển, từ ngôi trường này nhiều học sinh đã trở thành những bậc hiền tài của đất nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, những nghệ sĩ lớn của đất nước.
Riêng về lĩnh vực Thể dục - Thể thao (TD-TT), trước đây Collège de Quy Nhơn cũng là một trong những trung tâm mạnh của Bình Định và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN). Nhằm thực hiện ý đồ cai trị, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng tại Collège de Quy Nhơn một cơ sở khá bề thế, gồm đủ cả phòng học, phòng thí nghiệm, khu nội trú, khu sinh hoạt, tập luyện TD-TT. Trong trường có đủ cả sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, xà đơn, xà kép… Đáng "nể" là ngay trong trường có cả sân bóng đá quy mô, rộng lớn. Sân nằm ở gần nhà đốc Tây (thuộc khu vực phía Tây đường Trần Phú - Quy Nhơn hiện nay).
Vào khoảng năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Bình Dân (Pháp), bọn thực dân ở Đông Dương đã thực hiện chính sách mị dân, ru ngủ tầng lớp thanh niên, học sinh. Bên cạnh phong trào "Vui - Khỏe - Trẻ trung", chúng đề xướng phong trào "TD-TT Ducouroy". Ducouroy là tên của gã quan tư phụ trách tổ chức I.P.P - Thông tin - Báo chí - Tuyên truyền (Informatéon, Presse, Propagande). Song, mưu đồ của thực dân Pháp đã bị phá sản. Dựa vào các hoạt động TD-TT, các tổ chức Cộng sản ở Bình Định (trong đó có Chi bộ trường Collège de Quy Nhơn) đã truyền bá Chủ nghĩa Mác, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh các nhóm, hội: Tương Tế, Ái Hữu, Nhóm tập bơi, Hội Bóng đá, Nhóm Đọc sách…Bấy giờ, bên cạnh trường Collège de Quy Nhơn còn có một "tụ điểm" thu hút khá đông thanh niên, học sinh là Nhà Xẹt - Sercle détudes Quy Nhơn (nay là Công ty In Bình Định - 114 Tăng Bạt Hổ - Quy Nhơn). Tại đây, ngoài việc đọc sách, báo, nghe diễn thuyết, các thanh niên, học sinh Quy Nhơn - Bình Định và trường Collège de Quy Nhơn còn tham gia các môn thể thao, như: cờ tướng, bóng bàn, bơi lội…
Ngày nay, nhiều người ở khu vực MT-TN, nhất là Quy Nhơn - Bình Định vẫn chưa quên hình ảnh, tên tuổi của các "kình ngư" như Phạm Dư, Nguyễn Văn Cứ, Điền Văn Mai, Trần Ngọc Dũng; các cầu thủ: Phạm Hổ (nhà thơ), Nguyễn Tăng Điệu (cựu Thiếu tướng Công an). Môn điền kinh cũng có nhiều VĐV khá như Phan Doãn (nhảy sào), Nguyễn Thúc Đệ (chạy 800m), Bùi Bốn (nhảy xa), Phan văn Nhân (chạy 100m)… Những VĐV nói trên đã từng được cử ra Cố đô Huế dự giải toàn Xứ Trung Kỳ và sau đó còn được tuyển chọn vào Đội tuyển Xứ Trung Kỳ ra Hà Nội thi đấu với học sinh Xứ Bắc Kỳ. Nhiều học sinh của trường bấy giờ đã là những VĐV có tên tuổi, như Phạm Hổ, Trần Ngọc Dũng… Nhà thơ Phạm Hổ khi còn là học sinh trường Collège de Quy Nhơn đã nhiều năm là vô địch môn bóng bàn tỉnh Bình Định và ông Trần Ngọc Dũng từng là VĐV đoạt chức vô địch Giải bơi đường dài toàn Xứ trung Kỳ năm 1942.
Đặc biệt, trường Collège de Quy Nhơn còn có một đội bóng đá từng "vang bóng một thời". Đó là
|
Đội bóng đá US - Collège de QuiNhơn, vô địch Giải bóng đá toàn tỉnh Bình Định năm 1942. |
đội bóng đá US. US nghĩa là 2 tên viết tắt đầu của Liên hiệp TDTT (Union Sportine). Thời Pháp thuộc, tại tỉnh Bình Định có khá nhiều đội bóng đá như: Tây đồn Gallíeni, Tam Quan, An Thái, Gò Bồi, Đề-Pô Diêu Trì, Bồng Sơn, Đường Sắt Chemineau… và US - Collège de Quy Nhơn. Trong số này US là đội bóng "nổi đình, nổi đám" và "đáng gờm" hơn cả. Bấy giờ, US là đội bóng hầu như không có đối thủ. Ngay như đội bóng đá Tây đồn Gallíeni toàn những cầu thủ "to con, lớn xác" cũng bị các cầu thủ đội US hạ 6-8 bàn/trận. Thậm chí, có những trận đội Tây đồn Gallíeni bị đội US hạ "đo ván" tới 10-14 bàn. Mỗi khi có các cầu thủ đội US ra sân thi đấu thì đông đảo người hâm mộ lại tới xem rất đông, ngay cả viên Công sứ Pháp là Gauthiercungx rất "mê" các cầu thủ US. Có lần, giữa giờ giải lao, đích thân viên Công sứ Pháp này đã vào sân làm "săn sóc viên", chữa chuột rút (bẻ vọp) cho một cầu thủ của đội US. Cùng với tên tuổi của HLV Stoube, thầy Giám hiệu Huỳnh Văn Gi, giới mộ điệu bóng đá Quy Nhơn - Bình Định không bao giờ quên hình ảnh của các cầu thủ như: Ân "mụn", Cửu Minh, Hồng Tỷ, Yến "đen" (trung phong); Hữu Vọng, Đức, Huấn (trung vệ); Nguyễn Cứ (hậu vệ); Đặng "mập" (thủ môn) và nhiều cầu thủ khác như: Phạm Hổ (nhà thơ), Bùi Bốn (cựu sĩ quan tình báo), Tăng Quảng (giáo sư), Phạm Thế Mỹ (nhạc sĩ)… Và cho đến giờ, người hâm mộ bóng đá khu vực MT-TN, nhất là Quy Nhơn - Bình Định vẫn không quên hình ảnh lừa bóng điệu nghệ của Cửu Minh; những cú đột phá sắc bén của Ân "mụn"; đường chuyền thông minh của chàng trai người dân tộc NayPhin; sự đeo bám "như đỉa đói" của Nguyễn Cứ và "bàn tay nhựa" của thủ môn Đặng "mập". Điều đáng nhớ hơn cả là năm 1942, US - Collège de Quy Nhơn là đội bóng từng đoạt chức vô địch Giải bóng đá toàn tỉnh Bình Định.
Hơn 82 năm đã qua. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với nhiều tên gọi khác nhau, giờ đây trường Collège de Quy Nhơn lại được mang tên Quốc Học Quy Nhơn. Phát huy truyền thống "Hiếu học - Kính thầy - Mến bạn", những năm qua, các thế hệ học sinh Collège de Quy Nhơn - Quốc Học Quy Nhơn đã và đang tiếp tục làm rạng danh quê hương, đất nước. Chắc rằng, cùng với người hâm mộ bóng đá, các thế hệ học sinh của trường sẽ không bao giờ quên US - Collège de Quy Nhơn - một đội bóng từng "Một thời vang bóng"!
VIẾT HIỀN |