Dưới chân núi Kỳ Đồng bao đời nay có một bàu nước rộng chừng ba mẫu. Truyền rằng thần trông coi bàu là tướng của Long thần sông Côn. Vào những trưa đứng bóng vắng người lại qua hay những đêm trăng thanh gió mát, thần Sấu thoát xác lên bờ, tuần du khắp vùng.
Một hôm, đang trưa có một anh nông dân đi lấy củi về, tới bàu định vốc nước rửa mặt thì thấy một con cá sấu lớn đang lim dim ngủ. Anh hoảng hốt bỏ gánh củi chạy thục mạng. Đêm ấy, một người áo xanh tướng mạo kỳ vĩ hiện ra trước mặt anh và nói: "Ta là thủy tướng, vâng mệnh Long thần trông coi vùng này. Cuộc gặp ban ngày là do ngươi có duyên với ta, không việc gì phải kinh sợ." Nói rồi người áo xanh biến mất. Sáng sớm anh nông dân thấy gánh củi mình bỏ bên bàu hôm qua ai đặt ngay ngắn bên thềm, trong dạ khôn xiết bàng hoàng, bèn đem chuyện thưa với một ông lão. Ông lão bàn với các cụ già trong làng thiết hương án cúng thần, đặt tên bàu là Ngạc Đàm, tức bàu Sấu.
Ngày tháng trôi qua, dân chúng một vùng quanh bàu sống rất yên ổn trong cảnh mưa thuận gió hòa, mùa màng phong túc. Anh nông dân kia hàng ngày vẫn chí thú làm ăn, không dám tưởng vọng tới chuyện phi thường. Thỉnh thoảng đi củi, kiếm được chút thịt rừng, anh kín đáo mang đặt lên vệ cỏ sạch bên bàu cùng một ve rượu nhỏ, khấn mời thần Sấu.
Một năm nọ, bỗng xảy chuyện bất thường. Ruộng lúa của dân chúng trong vùng bị tàn phá nặng nề. Trai làng thức đêm rình. Vào khoảng canh ba, có một con trâu trắng xuất hiện. Nó lầm lũi ăn lúa rồi chạy giỡn băng băng trên các thửa ruộng. Họ hò nhau đuổi bắt nhưng trâu chạy nhanh quá không sao đuổi kịp, chỉ thấy cái bóng trắng lao vụt về hướng bàu rồi biến mất. Hàng chục lần như vậy, trai làng uể oải, không ai muốn gác ruộng nữa.
Trong số trai làng đi bắt trâu có anh nông dân nọ, thấy trâu lao xuống bàu, tuy không nói ra nhưng lòng rất phân vân. Hôm sau, giữa trưa tròn bóng anh ra chân núi đăm đăm ngó xuống mặt bàu. Mặt nước phẳng lặng chợt cuộn sóng, một bóng áo xanh hiện ra trước mặt, anh vội chắp tay chào. Thần Sấu cười hỏi:
- Anh đến đây vì chuyện trâu trắng phá lúa phải không?
- Dạ phải.
- Đó là trâu quý ở long đình. Muốn bắt nó phải có phép. Ta sẽ giúp anh, nhưng anh phải đi một mình đúng đêm rằm mới bắt được nó và nhớ là chớ làm nó tổn thương, Long thần sẽ phạt tội đấy.
Thần đưa cho anh nông dân một cái móng cá sấu, dặn mài thành bột mịn hòa với nước, thoa khắp người để trâu trắng không nhìn thấy. Anh nông dân chưa kịp cảm ơn, thần đã biến mất, để lại một luồng sóng nổi thành ngấn bạc giữa hồ.
Đến rằm, anh nông dân nhất nhất làm theo lời dặn của thần Sấu, rồi giữa khuya một mình ra ruộng, tìm một mô đất ngồi đợi. Kìa con trâu trắng! Nó đi ăn lúc nào mà bụng căng tròn. Nó đang nghểnh cặp sừng đen tuyền say sưa uống trăng. Anh nông dân rón rén tới sát sau lưng nó vẫn không hay. Anh nín thở, nắm lấy đuôi trâu. Con trâu giật mình lao vút đi. Anh cố hết sức ghì chặt đuôi trâu, nghe gió ù ù như đang cơn lốc dữ. Anh vội nhắm mắt khi con trâu trắng phóng xuống bàu. Nó lôi anh đến đâu, nước rẽ ra đến đó. Một lúc sau, nghe tiếng hò reo, anh mở mắt nhìn thì thấy xung quanh mình một đoàn vua quan quân lính đang xôn xao mừng đón trâu trắng trở về. Thấy anh vẫn không chịu buông đuôi trâu, hai tên lính xông tới gỡ ra. Long thần gọi anh đến bên ôn tồn hỏi chuyện. Anh thực tình phân rõ đầu đuôi. Long thần nghe xong, nói:
- Trâu trắng lâu nay sổng chuồng đi lạc, nhờ có ngươi đưa về. Bây giờ ngươi muốn ta đền ơn ngươi như thế nào?
Anh nông dân thưa:
- Dân làng thiệt hại mùa màng, đói kém nay mai là chuyện khó tránh khỏi, song người trần dám đâu trách cứ thánh thần. Tôi vì đuổi bắt trâu mà lạc đến đây, không có công lao gì với long đình. Cúi xin Long thần nhắc thuộc hạ từ nay giữ trâu cẩn thận cho người trần được nhờ.
Long thần gật gù khen:
- Việc ngươi đưa trâu về long đình đã đáng khen, nhưng việc ngươi vì lo cho dân thất bát mùa màng, can đảm bắt trâu trắng không sợ nguy đến tính mạng, càng đáng khen hơn. Có công mà không đòi ban thưởng, thật là một tấm lòng đôn hậu hiếm có! Mùa màng dương thế bị trâu trắng phá hoại là lỗi của long đình. Ta sẽ đền bù mùa sau vậy. Riêng ngươi, ta ban cho vật này, ngậm vào miệng thì đi dưới nước dễ dàng như đi trên cạn, có thể nhờ nó tìm kế sinh nhai.
Nói đoạn, Long thần tự tay rứt hai cái lông trâu trắng tặng cho anh nông dân. Ngài còn mời anh dự tiệc rồi đích thân tiễn ra tận cổng thành, sai hai tướng cua đưa anh về lại cõi trần. Anh bỏ hai sợi lông trâu vào miệng, đi giữa nước như đi trên đất bằng.
Trở về, anh đem lời hứa của Long thần kể với dân làng, ai cũng cho là sự lạ. Riêng chuyện hai cái lông trâu trắng là anh không hở với ai. Hàng ngày, anh lội xuống các sông hồ trong vùng bắt cá đem bán, lấy tiền mua thóc giúp dân qua nạn đói. Tháng mười năm ấy lụt lớn, phù sa đọng thành ngấn trên đồng đất An Nhơn. Năm sau, cả huyện được mùa, riêng vùng lân cận bàu Sấu lúa vàng che kín cả lối đi. Dân chúng mừng rỡ làm một lễ cúng tạ thủy thần rất linh đình.
Thấy dân làng đã no đủ, anh nông dân không bắt cá đi bán nữa. Chỉ khi nào trong làng có nhà giỗ chạp, anh mới kiếm vài con cá đem biếu. Rồi anh có vợ, có con, sống bình thường lương thiện giữa mọi người.
Ít lâu sau có giặc. Nghĩa quân Cần vương Mai Xuân Thưởng về lập căn cứ kháng chiến. Các lãnh tụ đến nhà dân vận động nhân tài vật lực. Thanh niên trai tráng rủ nhau tụ nghĩa. Lớp trung niên phụ lão trong vùng cũng dốc lòng ủng hộ Mai công dồn lương tích thảo. Cửa bàu, chỗ thông nước với sông Côn, ghe thuyền đổ về dập dềnh như lá trắng. Dưới chân núi, đoàn ngựa thồ luôn luôn đổi chuyến. Vùng quê ven chân núi Kỳ Đồng bên bờ bàu Sấu trở nên rộn rịp. Anh nông dân ngày nào bấy giờ đã thành một bác nông dân, tình nguyện giúp nghĩa quân, được Mai công giao cho việc cắt cỏ ngựa và giữ một mối dây liên lạc, thường xuyên túc trực ven hồ.
Cuộc kháng chiến của nghĩa quân cần vương Bình Định duy trì được hai năm thì thất bại. Bàu Sấu là nơi diễn ra trận quyết tử của nghĩa quân với quân Pháp và quân triều đình Huế. Trong trận này, Mai nguyên soái bị thương nặng, con ngựa ngài cưỡi chạy về đến bàu thì quỵ xuống. Bác nông dân chạy tới định đỡ chủ tướng, bên tai chợt vẳng lên giọng nói quen thuộc: "Người tránh ra nào, để ta đưa nguyên soái đi!". Cùng với tiếng nói, một sức mạnh vô hình hất văng bác vô bụi rậm. Vừa lúc ấy, một luồng sáng xanh biếc từ dưới bàu vọt thẳng vào đầu ngựa. Con ngựa đang kiệt sức bỗng hí vang, cất vó tung mình bay qua bàu nước rồi phóng vào rừng xanh mất dạng. Bọn giặc đuổi tới nơi sững sờ trước cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Lúc ấy, một con cá sấu dài ba trượng nhe răng dữ tợn trườn lên sát mép hồ. Chúng kinh hoảng bắn loạn xạ vào con sấu rồi xô nhau chạy. Khi tiếng súng lặng ắng, bác nông dân ra khỏi bụi rậm, tới cạnh con sấu thì nó đã chết, máu đọng thành vệt dài trên cỏ.
Sau khi cùng dân làng chôn cất những nghĩa quân hy sinh và cá sấu tử tế, bác nông dân không nguôi nhớ thương thần Sấu và Mai nguyên soái. Ngày được tin giặc chém Mai nguyên soái tại Gò Chàm, ông ngã bệnh, ít lâu sau qua đời. Hai cái lông trâu trắng và phép màu của nó được truyền cho con cháu, với lời trăn trối phải giữ lòng trong sạch, làm việc thiện cứu người. Truyền được vài đời thì mất.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG |