Thị trấn An Thái nho nhỏ, xinh xinh nằm bên bờ sông Kôn từng một thời nổi danh về bún Song Thần. Đặc sản bún Song Thần đã đi vào kho tàng văn học dân gian vùng đất võ với câu ca truyền tụng:
Nón ngựa Gò Găng
Bún song thần An Thái
Lụa đậu tư Nhơn Ngãi
Xoài tượng chín Hưng Long...
An Thái nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn chừng 30km về hướng tây bắc. Làng An Thái là một trong những làng nghề cổ truyền ở Bình Định chuyên sản xuất một loại bún đặc biệt đã tồn tại hàng trăm năm qua.
Những ai về thăm Bình Định mà không mua một ít bún đem về làm quà cho người thân là một điều thiếu sót vô cùng. Những tấm bún vuông vức hay cuộn lại thành hình số 8 bọc gói cẩn thận được bày bán lẫn lộn với loại bún thường làm bằng bột mì tại các phố chợ. Khách mua không khéo dễ bị nhầm lắm đấy!
Song Thần là tên gọi xuất phát từ "song thằng", có nghĩa là dây bún đôi thường kéo ra một lần hai sợi song song nhau, lâu ngày đọc trại thành "song thần". Riêng loại bún duỗi hình số 8 cũng là bún Song Thần nhưng đã biến thể chỉ còn một sợi thôi. Còn loại bún nguyên thủy có hai sợi gọi là bún tạ, sợi bún đôi kéo chạy theo hình vuông mỗi cạnh khoảng hơn hai tấc tây.
Bún Song Thần là đặc sản của người Minh Hương sinh sống tại An Thái. Theo khẩu truyền thì loại bún này có từ thế kỷ 18, nghĩa là lúc người Hoa đến đây sinh cơ lập nghiệp và phát triển nghề làm bột đậu xanh và bún Song Thần. Dưới thời phong kiến, các quan lại địa phương lai kinh đều mang theo bún Song Thần tiến lên vua nên gọi là bún tiến. Vì thuở xưa bún sản xuất có hạn và chỉ bán cho gia đình quyền quý cao sang nên rất quý hiếm. Dưới thời Pháp thuộc, làng bún An Thái phát triển lên đến hàng trăm hộ dân chuyên sống bằng nghề bún. Bún Song Thần trở thành món ăn bình dân. Trong thời kỳ chiến tranh, bún Song Thần có mai một đi một thời gian dài do những người trong làng nghề chuyển cư đến nơi khác làm ăn, một số tìm nghề khác làm ăn khấm khá hơn. Hiện nay, lớp hậu sinh tiếp nối nghề của cha ông trở về với nghề cũ. Làng bún đã và đang được khôi phục dần với gần 40 hộ sản xuất.
Bún Song Thần làm bằng bột đậu xanh, đậu đen hay đậu trắng, nhưng bột đậu xanh có giá trị hơn. Để làm ra bún, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn công phu và phức tạp. Đậu đem lựa cho thật đều, phơi nắng cho thật khô mới đem ngâm vào nước lạnh và thường xay đậu vào ban đêm trên các bãi sông. Nếu xay vào ban ngày giữa tiết trời nắng nóng bột sẽ bị hư ngay. Bột xay xong phải qua khâu gạn lọc và phân loại bột nhất, bột nhì. Tinh bột đem phơi nắng cho thật khô mới đem làm bún. Thông thường, cứ 1,2kg bột đậu sẽ làm được 1kg bún.
Bún Song Thần đem nấu canh với tôm, cua hay thịt nạc thì ngon tuyệt. Nước canh trong veo và ngọt lịm, vừa mát vừa bổ. Bún nấu canh nên dùng loại bún duỗi có dạng số 8 ngon hơn vì sợi nó rời và thẳng. Bún đem xào với thịt hay tôm, sợi bún vẫn dai và rời, chẳng hề dính cục như các loại bún khác.
Vừa qua, tại Hội chợ thương mại "Hàng chất lượng cao" ở thành phố Quy Nhơn, làng bún An Thái đã gửi hàng đến tham dự và thương hiệu bún Song Thần rất được khách sành ẩm thực chú ý. Hy vọng trong tương lai gần, làng bún An Thái sẽ được khôi phục và phát triển lớn mạnh.
. Theo VOV |