Phật giáo trong điêu khắc Chămpa Bình Định
15:50', 9/12/ 2003 (GMT+7)

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Chăm, bên cạnh Bà la môn giáo, Phật giáo đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống tâm linh. Do những biến động của lịch sử, xã hội và thời gian, nhiều di tích, di vật ngày nay đã bị mai một, mất đi hoặc thất tán. Đầu thế kỷ XX, khi tiến hành điều tra khảo sát các di tích Chămpa ở Bình Định, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số hiện vật điêu khắc văn hóa Chămpa liên quan đến Phật giáo được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đá, đất nung.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Phật giáo có mặt trong cộng đồng cư dân Chăm từ những năm trước Công nguyên. Tư liệu có liên quan đến Phật giáo được biết sớm nhất là bia Võ Cạnh (Nha Trang), khoảng thế kỷ II- III, nội dung bia cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đối với người Chăm lúc bấy giờ. Tại Bình Định – vùng đất Vijaya cổ, các tác phẩm Phật giáo Chămpa được biết đến khá nhiều. Hiện nay những tác phẩm này được bảo quản ở các bảo tàng trung ương, địa phương và một số còn lưu giữ ở các chùa.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh hiện giữ tượng Lokesvara (Bồ tát) bằng đồng (niên đại thế kỷ IX-X), đầu đội Usnisa hình chóp cao, đỉnh bằng, phía trước thể hiện đức Phật ngồi thiền định giữa trán có tuệ nhãn, tai dài đeo đồ trang sức chảy xuống vai, thân tượng thon để trần, có 4 tay, cao 0,64m. Tại Cổ viện Chàm Đà Nẵng có đầu tượng Phật Chămpa Bình Định bằng đá cao 0,29m, tượng này từ kiểu tóc đến sống mũi, khuôn mặt có ảnh hưởng phong cách tượng Phật Ấn Độ.

Trong những năm gần đây, một số tượng bồ tát, tượng Phật được phát hiện và bảo quản ở một số chùa thuộc huyện An Nhơn và TP Quy Nhơn. Chùa Giác Hoàng – An Nhơn hiện đang lưu giữ một bức phù điêu hình lá đề tạc hình bồ tát cao 0,8m, ngang 0,5m được thể hiện trong tư thế ngồi thiền định kiểu bán già, tay phải lần chuỗi hạt, lòng bàn tay trái đỡ dưới chuỗi hạt, thân để trần, bụng quấn thắt lưng 3 lớp, đầu đội mũ hình chóp cao có hình đức Phật tổ. Đây là dạng Quan âm bồ tát trong Phật giáo Chămpa – niên đại thuộc thế kỷ XII-XIV.

Thị trấn Tuy Phước có một cột đá hình rắn xòe tán che cho đức Phật. Hiện nay tượng này đang lưu giữ tại chùa Hàm Long. Cột đá có chiều cao 3,7m chia làm hai phần, phần dưới chân cao 0,9m, phần trên 2,8m với hình mình rắn tròn cong, từ cổ rắn xòe 7 chiếc đầu vươn ra tạo tán che gọn tượng hình đức Phật đang ngồi thiền định. Phần mặt tượng bị bào mòn hơi khó nhận biết. Niên đại thuộc thế kỷ XII.

Chùa Phước Sa, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn hiện đang lưu giữ 2 pho tượng Phật bằng đồng. Tượng thứ nhất cao 0,5m trong tư thế ngồi thiền. Tượng thứ 2 cao 0,91m tính cả đế, trong tư thế ngồi một chân co một chân duỗi, khuôn mặt gầy, mũi cao. Tượng có 8 tay, mỗi tay một tư thế và cầm các nghi vật như: quả bầu, tràng hạt, đầu rắn, quạt. Phía sau lưng tượng là một vòng hào quang hình tròn. Đây là tượng Avalokitesvara, một vị bồ tát của phái đại thừa. Niên đại thế kỷ IX-X.

Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hiện lưu giữ 6 tiêu bản điêu khắc Chămpa Bình Định: 1 tượng đất nung và 5 phù điêu sa thạch đều có kích thước nhỏ. Phù điêu lớn nhất cao 40cm. Đầu tượng bằng đất nung tìm thấy ở tháp Đôi – Quy Nhơn có trán rộng, 2 trái tai dài cao 19cm, rộng 13cm. Các phù điêu sa thạch được tạc ở tư thế ngồi trên đài sen, hai chân gập chụm lòng bàn chân vào nhau, hai tay cầm 2 búp sen hoặc hai chân xếp bằng kiểu kiết già, chân phải đặt trên chân trái, 2 bàn tay chồng ngửa lên nhau trước bụng, đầu đội vương miện, 2 tai đeo trang sức, mình mặc sampot, xung quanh trang trí hoa văn hình ngọn lửa.

Những tác phẩm Phật giáo Chămpa Bình Định cho thấy ngoài sự ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ còn có ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo Campuchia thuộc phong cách nghệ thuật tiền Angco- Angco. Mặt khác, những phát hiện điêu khắc Phật giáo Chămpa Bình Định góp phần chứng minh Phật giáo đã tồn tại và chiếm vai trò quan trọng theo suốt chiều dài lịch sử của cộng đồng cư dân Chăm.

NGUYỄN THANH QUANG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch biển Cù Mông  (09/12/2003)
Bún Song Thần  (07/12/2003)
Huyền thoại bàu Sấu  (02/12/2003)
Gié bò Tây Sơn   (30/11/2003)
Nem chua chợ Huyện  (28/11/2003)
Trường Quốc học Quy Nhơn và đội bóng đá lừng danh  (20/11/2003)
Chợ nón đêm Tiên Hậu  (18/11/2003)
Từ đồng cô Hầu đến vườn cam Tây Sơn  (17/11/2003)
Di tích Chăm ở Bình Định  (14/11/2003)
Lăng "Ông" và lễ hội ở vùng cửa biển Đề Gi  (09/11/2003)
Những "đổi mới" của vua Quang Trung  (07/11/2003)
Rượu Bàu Đá - Mỹ tửu đất Bình Định  (04/11/2003)
Vua Quang Trung và chính sách đối ngoại  (02/11/2003)
Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân: đôi vợ chồng chung thủy, trung nghĩa với nhà Tây Sơn  (28/10/2003)
Chuyện đô đốc Tuyết  (26/10/2003)