Mắm cua còn gọi là mắm đam có vị cay, ngọt, ăn mãi không thấy chán. Vị ngọt của cá, vị mặn của mắm, mùi thơm của gừng và vị cay nồng của ớt ngấm xuống tận đáy cổ. Dù bụng đã no mà vẫn còn cảm thấy thèm thèm.
Vào mùa lúa xanh mởn và ruộng xăm xắp nước, cua bắt đầu sinh nở. Cua đồng sinh sản nhiều vào khoảng tháng chín, tháng mười âm lịch. Chỉ cần chịu khó đi ra bờ ruộng động đậy mặt nước là cua đồng lóp ngóp tranh nhau chạy vào hang ẩn trốn.
Cua đem về ngâm trong nước lã chừng vài hôm cho nhả hết bùn đất, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, thêm vào vài gáo nước lã rồi vớt ra lược lấy nước cua. Sau đó cho muối hạt vào, đun sôi thành mắm cua tươi. Muốn cho thơm ngon, thêm vào vài lát gừng hay vài lát măng tre, ớt chín.
Mắm cua tươi múc ra tô còn bốc hơi bay mùi thơm phức, ngả mầu, vàng ươm, nổi lên lớp gạch đặc quánh. Mắm này ăn với bún thì ngon tuyệt! Nếu thêm vào một ít rau thơm nữa thì mùi vị càng hấp dẫn.
Còn muốn có mắm cua chua để được lâu ngày thì lúc giã cua, lược lấy nước cua xong cho thêm thật nhiều muối hạt, khuấy đều. Xong cho vào hũ sành đậy kín. Khi nào ăn mới múc ra ngoài cho thêm phụ gia như ớt chín, lá hành hoặc vài lát gừng sống.
Mắm cua chua có thể để lâu cả tuần lễ, nhưng nếu chịu khó cứ vài hôm dùng chiếc đũa bếp khuấy đều và khuấy liên tục như thế, mắm cua có thể để nhiều tháng liền mà không sợ ngả mùi. Đây là bí quyết giữ mắm cua chua lâu ngày.
Mắm cua chua đem kho với cá đồng thì ngon hết ý! Cá lóc chặt khúc nướng sơ qua, cho vào chiếc trách đất, đổ mắm cua vào cho xăm xắp nước, thêm vài lát gừng sống, ớt chín, đưa lên bếp lò để lửa liu riu cho mắm ngấm dần vào cá.
Gặp trời sa mưa, thức ăn khan hiếm mà có cá đồng kho với mắm cua thì tuyệt! Ăn cơm gạo trắng với cá đồng, thêm đĩa rau luộc chấm với mắm cua thì khó mà diễn tả cho hết cái ngon mắm cua đồng của người dân Bình Định.
S.T |