Nhiều người sống xa quê hương thường nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình với những kỷ niệm thân thiết nhất, đã trở thành những ấn tượng khó phai mờ trong tâm tưởng. Có khi đó lại là những nỗi nhớ tưởng như rất bình thường: nhớ chén mắm cua đồng chấm rau lang luộc trong ngày mùa đông mưa dai dẳng; nhớ một tô cao lầu phố Hội nóng hôi hổi; nhớ một bến sông quê; một nụ cười, một ánh nhìn thoáng gặp lại trong ký ức... Riêng với tôi, tiếng trống chầu thùng thình của những đêm hát bội ở quê nhà cứ như vang vọng suốt chiều dài thời gian hơn nửa đời xa xứ.
Hồi ấy, người nông dân quê tôi rất quen thuộc với những cái tên: Ngũ Mỹ Quảng Nam, Tứ danh ca Bình Định... Mỗi khi có đoàn hát bội về biểu diễn là cả làng nô nức hẳn lên, nhất là đám trẻ con chúng tôi. Thường thì vào ngày mùa, đến chín giờ tối đoàn mới mở màn đêm hát, mà lũ chúng tôi thì đã có mặt ở sân bãi ngay từ lúc hai, ba giờ chiều, mục đích là để giành giật nhau đánh trống cổ động đêm diễn. Chiếc trống chầu lớn tướng đặt ở giữa sân và đoàn hát cho chúng tôi đánh thoải mái, đánh mệt nghỉ, vì tiếng trống chầu vang xa cả cây số là cách thông báo đơn giản nhất, mà cũng hiểu quả nhất để bà con biết rằng có đoàn hát về. Tiếng trống chầu dài theo những con đường làng, lướt thướt trên bụi cỏ, ngọn cây, vào đến từng nhà rồi lan rộng trên cánh đồng tít tắp như náo nức, như thúc giục...
Trước giờ mở màn, chiếc trống chầu đã được khiêng vào đặt ở một nơi trang trọng nhất ngay phía trước sân khấu; chiếc dùi trống cũng đã được phong bao giấy đỏ thật trang nghiêm. Lớn lên tôi mới biết rằng tiếng trống chầu có một vị trí quan trọng trong đêm hát bội. Tiếng trống đại diện cho khán giả, khen, chê những miếng nghề điêu luyện, những câu hát hay và ngược lại. Tiếng trống chầu động viên người nghệ sĩ ra sức trổ tài trên sân khấu, và giữ nhịp chủ đạo cho đêm biểu diễn. Với người miền Trung, hát bội mà thiếu tiếng trống chầu thì mất hẳn ý vị, như trong bữa cỗ đám, tiệc mà thiếu món bánh tráng vậy.
Người cầm chầu chẳng những là người có chức sắc, có uy tín trong làng mà còn phải rất sành điệu trong việc thưởng thức nghệ thuật hát bội, phải biết khen chê đúng chỗ, đúng lúc, khách quan và công bằng; lại phải là người hào phóng, biết khen thưởng cho diễn viên mỗi khi họ hát hay, diễn giỏi. Nếu đánh chầu sai nhịp (đánh lúc diễn viên đang hát) thì người ta bảo là dộng dùi trống vào miệng diễn viên. Nếu chỉ đánh chầu mà không thướng (thưởng), thì người ta cho là thùng rỗng... Tiếng trống chầu hấp dẫn lắm, như câu hát của người dân quê tôi:
Nghe tiếng trống chiến, không khiến cũng đi
Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy.
Tiếng trống chầu khơi gợi trong tôi về những đêm hội làng đông vui dưới trăng thanh, gió mát. Tiếng trống náo nức, giục giã làm sáng bừng một vùng quê. Tiếng trống chầu theo suốt những thế hệ người dân quê tôi, ông bà, cha mẹ tôi và cứ vang vọng trong tâm tưởng những người xa quê như tôi. Tiếng trống đậm đà tình đất, tình người như cứ giục gọi tôi về. Và tôi chợt nhận ra tiếng trống chầu thắp sáng một vùng tâm linh, là tâm điểm của một tình cảm quê hương nồng thắm trong tôi. Tôi biết rằng tôi rất hạnh phúc khi còn có một nơi chốn để nhớ về.
THÚY VI |