Triều đại Tây Sơn kể từ khi dựng cờ khởi nghĩa cho đến khi đế nghiệp bị dứt (1771-1802) chỉ tồn tại 30 năm. Tuy ngắn ngủi, nhưng sứ mệnh lịch sử mà triều đại này gánh vác vô cùng nặng nề và vẻ vang: xóa bỏ chế độ phong kiến cát cứ 200 năm, thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập. Đó là một thời kỳ hào hùng với chiến công đánh Nguyễn, diệt Trịnh, đuổi 5 vạn quân Xiêm, đánh tan 29 vạn giặc Thanh vang dội núi sông. Thời kỳ lịch sử oanh liệt ấy có sự đóng góp của nhân dân cả nước, với nhiều tên tuổi đáng được nghìn năm bia đá bảng vàng.
Để ghi ơn các bậc tiền hiền thời Tây Sơn, tỉnh Bình Định chủ trương đúc tượng thờ Tây Sơn tam kiệt và một số văn thần võ tướng tiêu biểu của triều đại này. Trong 9 pho tượng được nhập điện Tây Sơn năm nay, thì 3 pho là tượng Tây Sơn tam kiệt, 6 pho khác là tượng của Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đôi nét về 9 nhân vật trên.
* Thái Đức hoàng đế NGUYỄN NHẠC (... - Quí sửu 1793)
Là người khởi xướng và là thủ lĩnh phong trào nông dân Tây Sơn, quê ấp Tây Sơn Thượng, huyện An Khê, tỉnh Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn). Thân phụ là Hồ Phi Phúc (sau đổi sang họ Nguyễn) vốn người huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, di cư vào sống ở Bình Định. Không rõ năm sinh, nhưng theo phổ hệ anh em Tây Sơn, có thể ông sinh vào khoảng năm 1738-1740 vì ông là anh cả, lớn hơn Nguyễn Huệ 10-12 tuổi. Theo Quách Tấn, thì ông sinh năm 1743.
Năm Tân Mão 1771, lực lượng nghĩa quân do ông lãnh đạo dấy lên từ đất Tây Sơn, dần chiếm ra đến Quảng Nam và quét sạch quân chúa Nguyễn ở khu vực phía Nam Bình Định. Tiếng tăm ông vang dậy toàn quốc, nên chúa Trịnh phong cho ông làm Quảng Nam trấn thủ Tuyên ký đại sứ, Cung quận công. Tháng tư năm 1787 ông xưng Trung ương hoàng đế, lấy hiệu là Thái Đức. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông nảy sinh tư tưởng cầu an, giảm sút ý chí chiến đấu.
Trong thời gian ở ngôi hoàng đế, ông có quan hệ giao tiếp cởi mở với giới doanh nghiệp Tây phương để mở rộng thương mại và mậu dịch, canh tân đất nước.
Ông qua đời vào tháng 12-1793, thọ khoảng 56 tuổi.
Hiện nay ở An Khê vẫn còn nhiều di tích về phong trào Tây Sơn do ông phát động.
* Quang Trung hoàng đế NGUYỄN HUỆ (Quí Dậu 1753 - Nhâm Tý 1792)
Ông còn có tên là Hồ Thơm vì nguyên tổ tiên ông họ Hồ; lại có tên là Nguyễn Quang Bình. Thưở nhỏ, Nguyễn Huệ theo học với Giáo Hiến, được thầy đặc biệt yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng.
Từ giữa thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến của chúa Nguyễn Đàng trong đã đến hồi mục ruỗng, lại thêm quyền thần Trương Phúc Loan tác oai tác quái nên càng bộc lộ sự thối nát. Năm 1771, ba anh em ông lập đồn trại ở Tây Sơn thượng đạo, chiêu tập nghĩa quân chống lại bọn quan lại hà hiếp nhân dân. Nghĩa quân Tây Sơn thường lấy của nhà giàu phân phát cho dân nghèo. Lực lượng nghĩa quân ngày càng mạnh và có thực lực, chiếm phủ thành Quy Nhơn rồi tiến chiếm Quảng Ngãi.
Năm 1776, ông cầm quân vào đánh Bình Thuận, tiêu diệt đạo quân của chúa Nguyễn ở đây, rồi cùng Nguyễn Lữ vào bình định đất Gia Định.
Năm 1782, ông và Nguyễn Nhạc vào nam đánh Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh bỏ thành Sài Gòn chạy ra đảo Phú Quốc. Tháng 6-1783, ông đem quân ra vây Phú Quốc, gia đình Nguyễn Ánh phải chạy ra Côn Đảo, rồi sang Xiêm cầu viện.
Cuối năm 1784, Nguyễn Ánh đưa đường cho 5 vạn quân Xiêm về đánh chiếm Sa Đéc. Tướng giữ thành Gia Định là Trương Văn Đa (con Trương Văn Hiến và là rể Nguyễn Nhạc) phái người về Quy Nhơn cấp báo, lập tức Nguyễn Huệ đem quân vào chống giặc. Khi vào đến Gia Định, ông bố trí cho quân Tây Sơn phục kích từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (Tiền Giang) rồi lùa quân Xiêm lọt vào trận địa, đánh một trận quyết liệt tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch. Đội quân xâm lược chỉ còn sống sót vài nghìn người theo đường thủy và đường bộ chạy về nước. Nguyễn Ánh và đồng bọn cũng sang Xiêm lánh nạn. Diệt giặc xong, Nguyễn Huệ để đô đốc Đặng Văn Trấn trông coi Gia Định, còn ông đem quân về Quy Nhơn.
Năm 1786, Nguyễn Nhạc cử ông làm tiết chế ra đánh Thuận Hóa. Ông nhanh chóng chiếm được cả khu vực từ Thuận Hóa ra đến sông Gianh rồi cùng Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc. Chỉ trong mấy ngày, nghĩa quân Tây Sơn đã bình định xong đất Bắc. Vào Thăng Long, ông nêu khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, được vua Lê Hiển Tông tiếp ở điện Vạn Thọ, phong làm Nguyên súy Uy quốc công, gả công chúa Ngọc Hân. Sau khi vua Lê Hiển Tông mất, Chiêu Thống lên ngôi, ông rút quân về Phú Xuân.
Năm 1787, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, phong ông làm phụ chính Bắc bình vương, cai quản từ Quảng Nam trở ra.
Năm 1788, vua Chiêu Thống dẫn quân Thanh về cướp nước ta, ông bèn lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Quang Trung rồi xuất quân ra Bắc dẹp giặc ngoại xâm. Đến Tam Điệp hội quân, ông hiểu dụ quân sĩ, cho quân ăn Tết trước và hẹn mồng 7 tháng giêng vào Thăng Long mở tiệc khao quân. Theo kế hoạch do ông chỉ huy, các cánh quân thần tốc ra Thăng Long, bất ngờ tấn công phá vỡ toàn bộ hệ thống đồn binh trọng yếu của giặc. Thái thú giặc là Sầm Nghi Đống ở đồn Đống Đa quá khiếp sợ thắt cổ chết. Tôn Sĩ Nghị hốt hoảng không kịp mặc áo giáp, bỏ chạy về nước. Quân Thanh đại bại.
Ngày mồng 5 Tết Kỷ dậu 1789, vua Quang Trung cưỡi voi vào thành Thăng Long, áo bào sạm đen thuốc súng, nhân dân đón tiếp tưng bừng.
Sau khi dẹp giặc và dàn xếp tốt đẹp mối quan hệ với nhà Thanh, Vua Quang Trung huy động toàn bộ trí lực của đội ngũ trí thức, lãnh đạo nhân dân bắt tay vào xây dựng đất nước, thực hiện những quyết sách mới trên mọi mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Và trong thực tế, triều đại Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của ông đã bắt đầu đạt được những thành tựu rực rỡ.
Năm 1792, sau một cơn bệnh nặng, ông mất ở tuổi 39 (40 tuổi ta), bỏ dở sự nghiệp vĩ đại và mọi hoài bão lớn lao của một vị minh vương suốt đời chỉ mong "dắt dân vào đạo lớn".
* Đông định vương NGUYỄN LỮ
Một trong ba anh em nhà Tây Sơn, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn thế kỷ XVIII. Không rõ năm sinh, năm mất. Ông có công lớn trong việc vận động đồng bào thiểu số vùng Phú Yên liên kết cùng nghĩa quân Tây Sơn chống lại nhà Nguyễn. Ông theo Nguyễn Huệ từng trải chiến trận, vào Nam ra Bắc đánh Nguyễn, diệt Trịnh lập nhiều chiến công rạng rỡ.
Theo sách Nhà Tây Sơn, thì Nguyễn Lữ là người tinh thông võ nghệ. Chính ông đã nghiên cứu trò đá gà chế ra môn Hùng kê quyền luyện tập cho quân Tây Sơn.
Mùa xuân năm 1776, lần đầu tiên ông cầm quân vào Gia Định, so tài với nhóm quân Đông Sơn do Đỗ Thanh Nhơn cầm đầu. Chiến thắng, ông được phong làm thiếu phó.
Đầu năm Mậu tuất 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, phong ông làm tiết chế Đông định vương trông coi đất Gia Định và các tỉnh miền Nam.
Ông thể chất yếu đuối, lại thêm nhiều năm chinh chiến, hao tâm tổn trí trong việc đương đầu với Nguyễn Ánh ở mặt trận phía Nam, lâm bệnh nặng rồi mất sớm.
* Binh bộ thượng thư NGÔ THÌ NHẬM (Bính Dần 1746 - Quý Hợi 1803)
Sinh ngày 11-9 âm lịch (25-10-1746) tại làng Tả Thanh Oai, tục gọi làng Tó, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây), xuất thân từ một gia đình nổi danh về văn chương. Ông học giỏi, có chí lớn, lấy tự là Hy Doãn (ý muốn noi theo Y Doãn làm rường cột nước nhà).
Năm 1765, ông đỗ đầu thi hương, năm 1769 đỗ khoa sĩ vọng, được bổ làm hiến sát phó sứ Hải Dương. Đến năm 1775, ông đỗ tiến sĩ, được bổ làm hộ khoa cấp sự trung, rồi thăng giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, sau đổi làm đốc đồng trấn Kinh Bắc.
Năm Canh Tý 1780, Trịnh Tông, con chúa Trịnh Sâm âm mưu dấy binh để giành ngôi chúa với em là Trịnh Cán. Việc bại lộ. Ngô Thì Nhậm trước có biết chuyện, có ý can ngăn Tông, đến đây tình cờ được thăng hữu thị lang bộ Công nên bị phe Tông nghi ngờ là đã tố cáo. Ông lấy cớ xin về chịu tang cha để tránh sự gièm pha. Rồi Trịnh Sâm mất, kiêu binh nổi loạn (1782), lập Tông làm chúa. Ngô Thì Nhậm lánh về quê vợ ở ẩn náu ngót 6 năm.
Năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ 2. Ông nhờ Trần Văn Kỷ bảo cử và được Nguyễn Huệ trọng dụng, phong làm Tả thị lang bộ Lại, tước Tình phái hầu.
Dưới thời Quang Trung, tài năng ông phát huy cao độ. Ông chính là người đã đưa ra quyết sách táo bạo rút quân về Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, tạm thời cho giặc Thanh "ở trọ một đêm" để giặc kiêu căng, bấy giờ hãy đánh đuổi. Ông chính là người được vua Quang Trung đánh giá "khéo lời lẽ dẹp nổi binh đao", thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngoại giao với nhà Thanh. Khi vua Quang Trung mất, ông làm chánh sứ đi báo tang và cầu phong cho vua mới.
Tình hình chính trị rối ren của những năm cuối triều đại Tây Sơn khiến ông đau xót, rút lui về quê (1796), tìm lối thoát trong triết học, lập thiền viện tại phường Bích Câu. Trong niềm đau khổ âm thầm vẫn giữ bền khí tiết.
Năm 1802, triều Tây Sơn mất. Khi Gia Long ra Bắc, ông và các bề tôi cũ triều Tây Sơn bị gọi đến nơi hành tại của Gia Long để dò xét ý kiến rồi bị hạ ngục. Sau đó không lâu ông và Phan Huy Ích bị đem ra kể tội và đánh đòn ở Văn miếu. Ông chết trong trận đòn tàn khốc ngày 9-3-1803 (16-2 âm lịch năm Quý Hợi), hưởng dương 57 tuổi.
Trên nhiều lĩnh vực - chính trị, quân sự, ngoại giao - lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn khó phai mờ, không chỉ trong lịch sử mà cả trong các tác phẩm của ông trong kho tàng văn học cổ nước ta: Nhị thập nhất sử toát yếu, Bút hải tùng đàm, Ủng vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cẩm đường nhàn hoài, Hoàng hoa đồ phả hay Hoa trình, Hàn các anh hoa, Kim mã hành dư, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
* Trung thư lệnh TRẦN VĂN KỶ (? - 1801)
Ông tên thật là Trần Chánh Kỷ, sau được vua Quang Trung tứ danh thành Trần Văn Kỷ; người làng Vân Trình, tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (Huế) nay thuộc làng Vân Trình, xã Phương Bình, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông lúc còn bé đã nổi tiếng thông minh, năm 1777 đỗ đầu kỳ thi hương ở Phú Xuân (đang thời quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa), năm sau ra Thăng Long thi hội, gặp gỡ nhiều danh sĩ Bắc hà.
Năm 1786, Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, chiêu tập kẻ sĩ, Trần Văn Kỷ ứng nghĩa, được tin dùng ngay. Ông đem hết tâm huyết phục vụ triều đại Tây Sơn, giúp Nguyễn Huệ thu dụng các nhân tài của Bắc hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn, Trần Bá Lãm, tổ chức bộ máy chính quyền. Quang Trung phong cho ông chức Trung thư lệnh, giữ các việc cơ mật. Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, trước khi mất, vua gọi ông với Trần Quang Diệu đến bên giường ân cần dặn dò gửi gắm cơ nghiệp Tây Sơn.
Dưới triều Cảnh Thịnh, thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền. Tuyên rất ngại và ghét Trần Văn Kỷ, bèn kiếm cớ tước chức ông, đày ra làm lính coi trạm Hoàng Giang. Võ Văn Dũng nghe theo ông triệt hạ phe phái của Tuyên, ông lại được trở về phục chức phụ chính và giữ viện Trung thư, tước Kỷ thiện hầu (1794).
Cuối năm 1800, quân Nguyễn chiếm thành Quy Nhơn, ông theo Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vào đánh giặc, chiếm lại thành. Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân. Ông ở trong đạo quân 3.000 người do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy, theo đường rừng ra cứu kinh đô, nhưng Phú Xuân đã lọt vào tay Nguyễn Ánh. Các tướng lĩnh chạy tiếp ra Nghệ An rồi lần lượt sa cơ. Trần Văn Kỷ thoát được, lánh về quê, ngầm liên lạc với vua Cảnh Thịnh ở Bắc hà. Việc bại lộ, ông bị bắt đưa tới trước Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh mời ông ra hợp tác. Ông xin về thu xếp việc nhà rồi sẽ ra. Nguyễn Ánh bằng lòng thả ông về. Hôm ấy là ngày 19 tháng 11 năm Tân Dậu (24-12-1801), ông về bằng thuyền trên sông Hương, đến ngả ba Sình thì cho neo thuyền lại, nhảy xuống sông tử tiết.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
(còn tiếp) |