9 nhân vật thời Tây Sơn được đúc tượng thờ tại Tây Sơn điện (tiếp theo và hết)
17:1', 25/12/ 2003 (GMT+7)

* Thiếu phó TRẦN QUANG DIỆU (? - Nhâm Tuất 1802)

Trần Quang Diệu là danh tướng nhà Tây Sơn, chồng nữ đô đốc Bùi Thị Xuân, quê xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Ngay từ tuổi thanh niên, ông là bạn tâm giao của Nguyễn Nhạc, sau vợ chồng ông là hai trong các nhân vật trụ cột của nhà Tây Sơn. Chiến công đuổi quân Thanh xâm lược đầu xuân Kỷ Dậu 1789 có sự đóng góp của vợ chồng ông rất nhiều. Năm 1790, ông làm đốc trấn Nghệ An và trông coi việc xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, ông giữ chức Thiếu phó, hết lòng giúp vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, nhưng Toản hay nghe lời gièm pha của nịnh thần, dầu vậy ông vẫn tận tình giúp nhà Tây Sơn. Những năm Nguyễn Ánh đem quân từ miền Nam ra chiếm thành Quy Nhơn, ông không quản gian khổ hy sinh, cầm quân bao vây thành Quy Nhơn cả năm ròng, quyết chiếm lại thành.

Trong hành xử vua tôi, bè bạn, ông là người trọng nghĩa, chí tình. Với sĩ tốt, ông là một vị chỉ huy gương mẫu, bao dung. Ông là một tướng quân đại trí, đại dũng, đại lượng. Khi hạ được thành Quy Nhơn (1801), cảm vì cái chết của Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, ông cho chôn cất tử tế và các tướng sĩ quy hàng được ông phóng thích ngay.

Năm 1802, nghe tin Tây Sơn thua ở Trấn Ninh, ông cùng Võ Văn Dũng bỏ thành Quy Nhơn kéo quân ra Nghệ An cứu viện. Nhưng đến huyện Hương Sơn thì hay Nghệ An đã mất. Vợ chồng ông định lên đường ra Bắc thì bị quân Nguyễn bắt tại Thanh Chương.

Nguyễn Ánh dụ ông nhiều lần nhưng không hàng. Cả gia quyến ông bị xử cực hình năm 1802: ông bị xử chém ngang lưng, vợ ông (nữ tướng Bùi Thị Xuân) và con gái (là Trần Thị Bích Xuân) bị voi dày.

Theo các giáo sĩ phương Tây chứng kiến buổi hành hình ghi lại, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và em vua Tây Sơn (có lẽ là Nguyễn Quang Bàn) là những người ra pháp trường cho đến khi chết vẫn không đổi sắc mặt.

* Đô đốc BÙI THỊ XUÂN (?- Nhâm Tuất 1802)

Bùi Thị Xuân là nữ kiệt triều Tây Sơn, quê làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Bà là vợ danh tướng Trần Quang Diệu, đã cùng chồng hết lòng phò tá triều Tây Sơn. Bà nổi danh với các trận đánh Xiêm, chinh phạt quân nhiễu loạn Ai Lao. Theo sách Nhà Tây Sơn, khi quân ta giáp trận với quân Xiêm, hai tướng giặc là Chiêu Tăng, Chiêu Sương thấy nữ tướng Bùi Thị Xuân sắc đẹp chim sa cá lặn, sững sờ đứng ngó, trở tay không kịp bị bà chém bay đầu.

Bà có tài luyện voi, chỉ huy đội tượng binh. Sau đó, đội tượng binh này được Nguyễn Huệ khép vào đạo trung quân do ông trực tiếp chỉ huy trong trận đánh giặc Thanh năm 1789, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi.

Bà cùng chồng giúp triều Tây Sơn rất đắc lực, chống nhau với Nguyễn Ánh hơn 10 năm, chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Chiến dịch cuối cùng được sử sách nhắc nhở nhiều là trận Trấn Ninh. Nguyên năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đã chiếm Phú Xuân, vua tôi Tây Sơn đã rút ra Thăng Long. Tháng mười một năm ấy, vua Cảnh Thịnh lại tiến quân vào nam, bà đem năm nghìn thủ hạ đi theo, cùng tiết chế Nguyễn Quang Thùy, tổng quản Siêu đánh lũy Trấn Ninh. Trận đánh diễn ra ác liệt, bởi vì hai bên đều biết đây là một cuộc quyết chiến chiến lược vô cùng quan trọng. Trong trận này bà tấn công địch quân quyết liệt, khiến quân của Nguyễn Ánh hết sức khiếp sợ. Quân Nguyễn đã dao động trước tinh thần xả thân của cánh quân Tây Sơn do bà chỉ huy. Nhưng lúc ấy nghe tin thủy binh đại bại, vua Cảnh Thịnh hoảng hốt rút chạy, quân Tây Sơn nao núng tan vỡ, bà phải mở đường máu để theo bảo vệ nhà vua.

Sang tháng 3 năm 1802, hai vợ chồng bà đều bị bắt tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, rồi bị đem hành hình.

Về cái chết của bà, theo Thiên Nam nhân vật chí và hầu hết các tư liệu khác đều dựa vào đấy mà cho là bà bị lăng trì, đốt cháy cả thi hài. Lại có thuyết, theo tư liệu của giáo sĩ De La Bissachère, bà và người con gái bị hành hình bằng cách cho voi tung xé xác, và bà đã tỏ ra can đảm phi thường trước sự trả thù tàn bạo và vô nhân đạo ấy của Nguyễn Ánh.

Hiện nay, dãy gò Xuân Hòa là nơi bà luyện tập đàn voi chiến, mặc dù đã bị phá vỡ thành ruộng, song vẫn còn di tích.

Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi oai danh và tiết tháo của bà. Người đời sau có thơ vịnh bà:

Vận nước đang xoay chuyển

Quần thoa cũng vẫy vùng

Liều thân lo cứu chúa,

Công trận quyết thay chồng

Khảng khái khi lâm nạn

Kiên trinh lúc khốn cùng

Ngàn thu gương nữ kiệt

Gương sáng hãy soi chung.

* Đại tư đồ VÕ VĂN DŨNG

Người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định). Có theo học võ tại trường Giáo Hiến ở An Thái. Sau theo Nguyễn Huệ, làm chức tư khấu, lập nhiều chiến công lớn, thăng đến đại đô đốc, tước Chiêu Vũ hầu. Có công dẹp các cuộc nổi loạn của đám cựu thần Lê - Trịnh trên đất Bắc.

Năm 1792, ông được phong chức đại tư đồ, tước Võ quốc công. Năm 1795, ông cầm đầu vụ nội biến trừng trị gian thần Bùi Đắc Tuyên, có giết nhầm Ngô Văn Sở nên Trần Quang Diệu đem quân về hỏi tội, vua Cảnh Thịnh phải đứng ra giảng hòa. Ông và Trần Quang Diệu kết nghĩa anh em. Cuối năm 1800, thành Quy Nhơn bị quân nhà Nguyễn chiếm, ông cùng Trần Quang Diệu thống lĩnh hai đạo quân thủy bộ vào lấy lại thành. Cánh quân thủy do ông chỉ huy gây cho quân Nguyễn nhiều tổn thất, sau Nguyễn Ánh tăng cường viện quân và thuyền chiến lớn kéo ra tấn công mạnh, đốt hết thuyền Tây Sơn. Ông thua, bèn dẫn thủy quân lên hợp với quân Trần Quang Diệu, lấy lại được thành Quy Nhơn (1801). Ông đồng ý với chủ trương của Trần Quang Diệu, phóng thích toàn bộ các tướng sĩ nhà Nguyễn quy hàng.

Cũng trong năm 1801, Phú Xuân thất thủ. Ông và Trần Quang Diệu vội dẫn quân theo đường rừng ra chiếm lại kinh đô. Giữa đường thì nghe tin vua Cảnh Thịnh đã ra Bắc. Hai ông đến Nghệ An thì Trần Quang Diệu và hầu hết quân sĩ bị Nguyễn Ánh bắt. Ông thoát được, ra đến Thanh Hóa thì sa vào tay giặc, rồi bị Nguyễn ánh xử cực hình ngày 02-11-1802.

Có tư liệu nói ông trốn thoát về Bình Khê, tìm được hai người con và cháu nội của Nguyễn Nhạc, đưa lên miền núi, định dựa vào đồng bào Ba Na khôi phục cơ nghiệp Tây Sơn nhưng không thành. Dưới thời Minh Mệnh, hai người con và cháu nội Nguyễn Nhạc bị bắt và bị xử chém. Ông buồn, bỏ lên tận núi Xanh. Sang thời Thiệu Trị, ông mới trở về quê nhà và mất ở đấy, thọ trên chín mươi tuổi.

Danh sĩ Bình Định thế kỷ XIX Nguyễn Trọng Trì ca ngợi ông bằng những vần thơ đầy ngưỡng mộ:

Tạo vật khốn hào kiệt

Ý tương sử hữu vi

Công danh vị túc ngôn

Hoặc tác xuất thế tư

Võ công dũng quán quân

Bách chiến khởi Tây thùy

Thiên phương yêu trung nguyên

Đãi phi nhất mộc chi

Thoát thân tứ thập niên     

Thế nhân thức công thùy

Đản kinh sơn thạch gian

Hữu thử hùng báo tư.

(Vịnh Võ đô đốc)

 

Dịch nghĩa:

Tạo hóa làm cùng khốn kẻ hào kiệt

Ý muốn cho họ làm một điều gì

Công danh không đủ nói

Hoặc giả bày cơ hội để họ thoát đời

Cái dũng của ông Võ thật hơn người

Trăm trận đánh nổi lên từ biên giới phía Tây

Nhưng trời muốn dứt nửa chừng

Thì một cây không chống nổi

Thoát mình khỏi nạn ngót bốn mươi năm

Người đời ai biết ông

Bấy lâu làm kinh động khoảng đá núi

Như con gấu, con beo.

* Đại tư mã NGÔ VĂN SỞ (? - Ất Mão 1795)

Là danh tướng Nhà Tây Sơn, lừng danh trong trận đánh đuổi quân Thanh trong năm Kỷ Dậu 1789. Ngô Văn Sở gốc ở làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, Nghệ An. Ông nội là Ngô Mãnh, làm đô thống ở Phú Xuân, bị Trương Phúc Loan chèn ép, ám hại, đem cháu trốn vào vùng Tây Sơn, được Bùi Đắc Chí (cha nữ tướng Bùi Thị Xuân) cưu mang. Để đền ơn, Ngô Mãnh truyền dạy võ nghệ cho Bùi Thị Xuân. Sau Nguyễn Huệ nghe tiếng, sai Trần Quang Diệu và Đặng Đình Minh đến mời Ngô Văn Sở và Bùi Thị Xuân ứng nghĩa Tây Sơn.

Năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh Nam đại tướng quân, cùng Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Năm 1786, ông được thăng đô đốc; tháng 1-1787, làm đại tư mã, tước Ích quốc công, theo Võ văn Nhậm, Phan Văn Lân ra Thăng Long trừng trị Nguyễn Hữu Chỉnh. Sau khi Nguyễn Huệ giết Võ Văn Nhậm, giao cho ông trấn thủ Bắc hà cùng Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết. Ông có công dẹp loạn Trần Quang Châu và dư đảng nhà Lê. Năm 1787, ông được cử làm tham tán quân vụ, cùng Võ Văn Nhậm trấn thủ Thăng Long. Vũ Văn Nhậm bị giết vì tội lộng quyền, ông được cử làm đại tư mã, lãnh trấn thủ Thăng Long.

Năm 1788, tháng 11 âm lịch, trước sức mạnh ồ ạt của 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy tràn sang xâm lược nước ta dưới chiêu bài cứu nguy cho Lê Chiêu Thống, ông nghe theo mưu của Ngô Thì Nhậm rút quân về đóng giữ ở núi Tam Điệp, rồi cáo cấp với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Khi lên kế hoạch đánh Thanh, vua Quang Trung đã cử ông và Phan Văn Lân làm tướng tiên phong chỉ huy đạo tiền quân. Ông cùng các tướng dưới quyền dũng cảm phá tan quân giặc, vang lừng chiến trận Hạ Hồi, Bình Vọng, Đống Đa. Sau đó ông cùng Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích được giao nhiệm vụ trấn giữ Bắc Hà.

Năm 1790, ông vâng mệnh vua cầm đầu phái đoàn hộ vệ giả vương Phạm Công Trị sang Trung Quốc theo lời mời của vua Càn Long. Trở về, ông được phong làm thủy sư đô đốc.

Thời Cảnh Thịnh, ông được tiến phong chức vụ đại đổng lý, tước Quận công, coi sóc việc quân dân nơi Thăng Long. Sau đó, thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, giết hại công thần, nội chính rối loạn. Ông bị Võ Văn Dũng hiểu lầm cùng phe đảng với Tuyên, giả chiếu thư triệu về Phú Xuân, rồi bắt giam và dìm chết dưới sông Hương (*).

TRẦN THỊ HUYỀN TRANG

 

(*) Theo sách Tư liệu điền dã vùng Huế về thời kỳ Tây Sơn (Bảo tàng Văn hóa dân gian Huế) thì thời Tây Sơn còn một Ngô Văn Sở nữa. Ông này người huyện Đăng Xương, phủ Thừa Thiên (nay thuộc Quảng Trị), ngụ tại Gia Định, theo Tây Sơn từ đầu, làm đến chức đô úy, nhưng sau ra hàng quân Nguyễn, được thăng đến vệ úy vệ Hùng nhuệ. Năm 1799, ông này cùng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu giữ thành Quy Nhơn; thành mất, vẫn trốn theo quân Nguyễn, sau được Gia Long phong chức khâm sai chưởng cơ, tổng quản đạo Thanh Hóa, có tội bị cách chức rồi chết, đến năm 1822 mới được khôi phục. Con gái đầu của ông là Ngô Thị Chính (1792-1843), hiền phi của vua Minh Mạng.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
9 nhân vật thời Tây Sơn được đúc tượng thờ tại Tây Sơn điện  (24/12/2003)
Cá kho, chả cá Bình Định  (23/12/2003)
Nỗi nhớ trống chầu  (16/12/2003)
Nước mắm Gò Bồi  (15/12/2003)
Mắm cua đồng Bình Định  (14/12/2003)
Miếng ngon Bình Định  (11/12/2003)
Hương vị Bình Định  (10/12/2003)
Phật giáo trong điêu khắc Chămpa Bình Định  (09/12/2003)
Du lịch biển Cù Mông  (09/12/2003)
Bún Song Thần  (07/12/2003)
Huyền thoại bàu Sấu  (02/12/2003)
Gié bò Tây Sơn   (30/11/2003)
Nem chua chợ Huyện  (28/11/2003)
Trường Quốc học Quy Nhơn và đội bóng đá lừng danh  (20/11/2003)
Chợ nón đêm Tiên Hậu  (18/11/2003)