Dòng sông quê tôi mỗi năm hai mùa nước. Mỗi mùa mang mỗi sắc thái. Cuối tháng ba, dòng sông trở nên êm đềm, nước trong dần. Đó là mùa nước lợ. Mùa này là mùa chài lưới. Tất cả mọi người đều ra sông, tùy theo sức và phương tiện mà làm các công việc khác nhau:
Chồng chài, vợ lưới, con câu.
Chàng rể đi trủ, cô dâu đi mò.
Tôi thích nhất vẫn là những buổi chiều, trong người nóng nực, chúng tôi lại ùm ra con sông để xem hoặc tham gia vào cái hoạt động ấy. Trong các cách bắt cá, có lẽ trủ ngao là phương cách mà tôi cho là hay nhất thích nhất.
Trủ ngao không cần nhiều người, chỉ hai là đủ. Phương tiện là chiếc sõng con, một tấm lưới dày, độ năm sải tay, cao chừng vài mét. Quan trọng nhất vẫn là dây ngao, càng dài càng tốt, có khi đến mười lăm đường dây dừa. Người ta đính vào những con ngao trắng bạch cách quãng chừng một gang tay. Nghề làm trủ ngao cần nhiều kinh nghiệm, họ biết vùng nào, thời gian nào có cá, nhất là cá móm, có lẽ cá móm là thứ cá bị trủ ngao lùng đuổi và dễ bắt nhất vì chúng rất nhát:
Cá móm mà gặp ngao như cào cào gặp sáo
Cá không lớn lắm, chỉ tầm tầm cỡ ba ngón tay, lớn nhất cũng chỉ bằng bàn tay xếp là cùng. Điều đặc biệt là cái miệng. Không biết vì sao mà dân gian lại đặt cho chúng cái tên riêng ấy. Cá móm hao hao như cá liệt. Thân ngời lên lớp vẩy bạc óng ánh. Miệng chúng có môi dài đến hai khớp. Nếu kéo ra thì nó chẳng móm chút nào. Chỉ khi sếp lại nó hơi cụt đi mà thôi. Theo ý tôi, gọi là "móm mém" mới chính xác. Hầu như cá móm không ăn câu, vì lẽ suốt cả tuổi thơ tôi, tôi chưa hề câu được một con móm nào! Ngược lại thì trủ bắt nhiều nhất.
Thời gian hoạt động của trủ ngao là khi con nước vừa ròng hoặc vừa lên. Đôi vợ chồng trủ ngao tìm chỗ thích hợp dăng tấm lưới, thường là phía bên bồi. Nước chừng tới ngực. Hai đầu lưới căng bằng hai cọc. Tấm lưới nằm nghiêng ngập trong nước. Điều đáng lưu ý là chân lưới phải vùi sát đất. Nếu không cá sẽ chui hoặc thấy chớn dây là chúng phóng ra ngoài. Người chồng bắt đầu thả dây ngao từ đầu lưới, đánh một vòng tròn khá rộng, đường kính cỡ vài chục mét. Đường dây ngao từ từ thu nhỏ. Những con ngao là những trợ thủ đuổi cá đắc lực nhất. Cá thấy màu trắng của ngao là lui dần cho đến khi đường ngao áp sát lưới. Mẻ ngao nào nhiều cá là biết ngay. Những chú cá móm phóng tung lên, rớt xuống nước biến mất. Trong tích tắc, đôi vợ chồng, mỗi người một đầu bật mạnh tấm lưới. Từng đám cá bị dồn lại, cho vào dẹp. Cứ thế, hết mẻ này tiếp mẻ khác...
Đó là cách bắt nhà nghề, còn chúng tôi, một lũ trẻ nghịch ngợm suốt ngày ở dưới sông thì tổ chức cách khác - hiệu quả không kém. Chúng tôi chỉ cần một sợi dây ngao. Sợi ngao cũng đánh một vòng, kéo bằng tay. Dây ngao đuổi cá về phía bãi cát. Chúng tôi đứng hai bên dây kéo cho đến khi thấy những con ngao - nhờ nước trong mà chúng tôi có thể thấy từng đám cá chạy dạt vào bãi, những con cá móm thấy ngao đến kề bên là chúng tự vùi đầu xuống cát. Cứ thấy những dấu bùn đùn lên - chụp ngay là được. Thật là vui và hào hứng. Tội nghiệp cho lũ cá móm. Có lẽ cá móm là loại cá nhát và ngốc nghếch nhất như anh chàng đà điểu khi chạy cùng đường rồi thì cũng dấu đầu vào đám cây bụi cỏ cho khỏi thấy kẻ thù chăng?
Thịt cá móm thật ngon. Không cần phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần xẻ bỏ phần ruột, một ít hành ớt và muối ướp cá rồi cho vào trả kho hoặc nấu mẳn. Cá móm không cần đánh vảy, nấu xong chỉ cần lấy đũa gạt lớp vảy dạt sang một bên. Thịt cá mốm trắng phau thơm lừng và ngọt ơi là ngọt. Những ngày xa quê nhà mà được ăn một bữa cá móm ta nghe tất cả hương vị của quê nhà. Những ký ức quê hương về tuổi thơ như bừng dậy! Nhớ đến da diết! Có lẽ những buổi tiệc đầy ắp rượu thịt không băng! Phải chăng đó là phong vị quê hương.
. Sưu tầm |