Hương vị ngày xuân:
Bánh táp lô

Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến là tôi nhớ lại hồi còn bé. Tôi nhớ như in, trong ngày cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu, cha tôi mặc chiếc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, chắp tay khấn trước bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ, chuối được bới vào cổ bồng tới 4,5 nải, một bình bông vạn thọ toàn là những bông nở thật to, trong chiếc lư hương khói nhang nghi ngút tỏa hương. Lúc đó, tôi thích nhất là trên bàn thờ có hai đĩa bánh, mỗi đĩa xếp thành hai hàng, được chất cao nhiều lớp. Bánh được bao bọc bởi lớp giấy xanh, đỏ, tím, vàng trông rất bắt mắt, gọi là bánh táp lô.

Sau này, khi lớn lên tôi có hỏi ba tôi vì sao tên bánh lại ngộ nghĩnh như vậy. Ba tôi giải thích: “Bánh táp lô có từ bao giờ thì ba không biết, chỉ biết là bánh táp lô còn có tên gọi là bánh mứt. Là một loại bánh in làm bằng bột nếp, có hình thu như viên gạch táp lô thu nhỏ. Chỉ có người dân Bình Định là thường làm loại bánh này vào dịp Tết cổ truyền để cúng ông bà trong ba ngày Tết. Đặc biệt là huyện Hoài Nhơn, không nhà nào không làm loại bánh táp lô bới bàn thờ để cúng. Trước là để cúng ông bà, sau là khi hết Tết, lúc đi làm đồng mang theo vài cái bánh để anh em làm ruộng ăn với nhau, uống tô nước chè xanh thì tình cảm lắm con ạ!”.

Cách làm bánh táp lô kể ra cũng đơn giản, dễ làm. Dùng loại nếp ngon, gút sạch, rang cho chín vàng xay thành bột. Thắng nước đường cát cho tới, để nguội, rồi trộn đều vào bột. Chà bột cho mịn, rồi cho vào khuôn bánh (khuôn bánh thường là khuôn gỗ, hình chữ nhật), bỏ nhân vào chính giữa. Để cho bánh thơm, ngon, người ta thường làm nhân bánh bằng mè rang vàng, trộn lẫn với quế giã nhỏ, mứt gừng, mứt bí và thêm vào một ít đường cát. Rắc lớp bột nếp lên trên cho khỏi thấy nhân bánh, rồi dùng nắp khuôn dện cho thật mạnh tay. Bánh được dện xong không được nứt, bể, bỏ bánh ra nong đem phơi nắng chừng vài tiếng đồng hồ là được. Sau đó, dùng giấy ngũ sắc rọc nhỏ để phong bánh lại.

Thế đấy bạn ạ, người dân Bình Định quê tôi, mà đặc biệt là người Hoài Nhơn, có loại bánh táp lô độc đáo để cúng gia tiên trong ba ngày Tết. Bánh táp lô đã trở thành một thứ hương vị không thể thiếu đối với người Bình Định nói chung, Hoài Nhơn nói riêng mỗi dịp Tết đến xuân về.
 

Phước Lộc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội Đổ giàn  (21/02/2003)
Danh nhân văn hóa Đào Tấn - niềm tự hào của nhân dân Bình Định  (28/02/2003)
Tản mạn núi Bà  (28/02/2003)
Hải Đăng Cù Lao Xanh - "Người đẹp trăm tuổi”  (28/02/2003)
Rượu bầu đá  (28/02/2003)
Núi Kỳ Đồng và Bàu Sấu  (28/02/2003)
Sự tích Ghềnh Ráng Tiên Sa   (28/02/2003)
Tháp Bình Lâm  (28/02/2003)