Đào Duy Từ – một tài năng kiệt xuất
17:28', 14/3/ 2003 (GMT+7)

Di tích nhà thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn

Đào Duy Từ (1572 – 1634) không phải là người Bình Định, ông vốn là người sinh ra và lớn lên tại làng Hòa Trai huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Thế nhưng quê hương Bình Định (làng Tùng Châu, Hoài Hảo, Hoài Nhơn – Bình Định ngày nay) lại là nơi ông gầy dựng sự nghiệp lẫy lừng của mình. Với những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn học, sân khấu ...  Đào Duy Từ đã trở thành một trong danh nhân kiệt xuất của dân tộc.

Đào Duy Từ sinh ra trong một gia đình làm nghề ca xướng cung đình. Cha ông là Đào Tá Hán là quản giáp coi đội nữ nhạc trong đại nội dưới triều Lê Anh Tông (1557 – 1573).  Từ là người thông minh, có chí khí, sức học lẫn kiến thức đều uyên thâm nhưng với xuất thân hèn kém (con nhà ca xướng) nên không thể đi theo con đường khoa bảng. Biết chính sách chiêu hiền đãi sĩ của các chúa Đàng Trong rộng rãi hơn, cơ hội tiến thân cũng nhiều hơn, Từ bèn tìm đường vào Nam.

Sau khi được Khám lý Trần Đức Hòa tiến cử, gần như ngay lập tức, Từ đã được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) tin dùng. Dù không khoa giáp, đỗ đạt hay đạt được bất cứ danh hiệu nào, Từ vẫn được tin dùng giao cho nhiều trọng trách như coi việc quân cơ, tham mưu chính sự, được phong tước hầu (Lộc Khê Hầu).

Đào Duy từ có thiên hướng và tài năng gần như bẩm sinh về nghệ thuật quân sự. Ông là tác giả của bộ sách nổi tiếng Hổ trướng khu cơ bàn về những phương pháp và chiến thuật quân sự, chế tạo các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự, xe thuyền để tác chiến cũng như để huấn luyện. Đặc biệt ông là một công trình sư tài năng về xây dựng các công trình phòng thủ ngăn chặn các cuộc tiến công của quân Trịnh. Thời đó, ngành bản đồ chưa phát triển, các phương tiện đo đạc chưa chuẩn xác như ngày nay. Chỉ với cách nhìn hình thế núi sông, Đào Duy từ đã hiến kế lên chúa Sãi xây dựng một hệ thống công trình chiến lũy phòng ngự bền vững làm cơ sở để đánh nhau với quân đội của chúa Trịnh non nửa thế kỷ cuối cùng đã dẫn tới kết cục phải lấy sông Gianh làm ranh giới phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài. Theo sự tham mưu của Đào Duy Từ, năm 1630 chúa Nguyễn bắt đầu xây lũy phòng thủ từ năm 1627. Tiếp theo dó chính ông đã hiến kế trả lại sắc phong của vua Lê với tấm thiếp đề một câu ẩn ngữ: Dư bất thụ sắc giấu trong chiếc mâm đồng lễ vật hai đáy (trong chiếc mâm này có một tấm thiếp đề câu: Mâu nhi vô địch, mịch phi kiến tích, ái lạc tầm thường, lực lai tường địch – đây là một kiểu viết chữ Hán thiếu một số nét để người đọc hiểu nghĩa thực là: ta không nhận sắc. Đây cũng chính là lời đọan tuyệt quan hệ giữa hai thế lực: Vua Lê chúa trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ đều do Đào Duy Từ đích thân thiết kế và chỉ huy thi công, hai chiến lũy này là đối tượng tranh giành quyền chiếm giữ của cả hai phe.

Lũy Trường Dục là là trường thành bằng đất, khởi đầu tại làng Trường Dục chạy tới phá Lạc Hải, dọc bờ sông Rào Đá đến giáp sông Nhật Lệ, lại ngược theo tả ngạn đến Quảng Xá. Tổng cộng lũy dài hơn 12 km, có nơi cao hơn 3m, chân lũy rộng từ 6-8m. Tác dụng cơ bản của công trình phòng thủ này là chặn ngang đường tiến quân của quân Trịnh. Để củng cố thêm, sau này Đào Duy Từ còn thiết kế thêm lũy Động Hải, tạo thế tương hỗ cho các công trình phòng thủ khu vực tranh chấp Trịnh Nguyễn. Năm 1648, quân Trịnh chiếm được Động Hải và dinh Quảng Bình nhưng không thể thắng được lũy Trường Dục. Tuy được đắp hai lần, nhưng trên thực tế hai công trình này nằm trong một hệ thống phòng thủ hoàn chỉnh. Lũy Động Hải còn có các tên: Trường Lũy, Nhật Lệ hoặc là Trấn Ninh nhưng để ghi ơn Đào Duy Từ, dân gian gọi đơn giản là lũy Thầy và có câu: Thứ nhất thì sợ lũy Thầy; thứ nhì thì sợ lầy Võ Xá. Hoặc: Có tài thì vượt sông Gianh; dẫu thêm hai cánh trường thành khó bay. Năm 1672, quân Trịnh đã đánh ròng rã mấy tháng trời liên tục ngay tại lũy Trấn Ninh nhưng không được đành chấp nhận ranh giới sông Gianh chia hai vùng: đất vua xứ chúa.

Không chỉ là một công trình sư xây dựng tài giỏi, Đào Duy từ còn sáng chế được nhiều vũ khí gây sát thương lớn như: hỏa cầu, diều lửa, hỏa thương dưới đất ... Trong lịch sử phong kiến trung đại Việt Nam, chưa công trình nào có tác dụng phòng thủ lâu dài như hệ thống thành lũy mà Đào Duy Từ đã xây dựng. Đào Duy Từ cống hiến tài năng trí tuệ của mình chủ yếu trong thời gian 8 năm dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhưng ông đã kịp bộc lộ toàn bộ khả năng của mình và trở thành một trong những bậc đại công thần, một chiến lược gia tài giỏi trong lịch sử Việt Nam.

Lăng mộ Đào Duy Từ nay thuộc thôn Phụng Du xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Năm Gia Long thứ 4 (1805), nhà Nguyễn xét công trạng và xếp ông vào hàng khai quốc công thần. Di tích Nhà thờ Đào Duy từ hiện nay thuộc thôn Ngọc Sơn xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn). Hàng năm vào ngày 17 tháng 10 âm lịch, con cháu họ Đào tổ chức cúng tế rất long trọng.

. Đông A

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Cánh Tiên  (13/03/2003)
Ngô Thì Nhậm – Rường cột trọng yếu của nhà Tây Sơn  (10/03/2003)
Bánh tro  (04/03/2003)
Bánh bảy lửa  (21/02/2003)
Bánh táp lô   (21/02/2003)
Hội Đổ giàn  (21/02/2003)
Danh nhân văn hóa Đào Tấn - niềm tự hào của nhân dân Bình Định  (28/02/2003)
Tản mạn núi Bà  (28/02/2003)
Hải Đăng Cù Lao Xanh - "Người đẹp trăm tuổi”  (28/02/2003)
Rượu bầu đá  (28/02/2003)
Núi Kỳ Đồng và Bàu Sấu  (28/02/2003)
Sự tích Ghềnh Ráng Tiên Sa   (28/02/2003)
Tháp Bình Lâm  (28/02/2003)