Thất hổ tướng của nhà Tây Sơn
19:20', 17/3/ 2003 (GMT+7)

Đội quân của nữ tướng Bùi Thị Xuân trên đường hành quân (ảnh chụp lại tranh vẽ tại Bảo tàng Quang Trung).

Nhà Tây Sơn với Hoàng Đế Quang Trung-Nguyễn Huệ tuy chỉ tồn tại trên 30 năm (khởi nghĩa năm 1771, kết thúc năm1802), nhưng là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử Việt Nam. Từ một cuộc khởi nghĩa nông dân cục bộ, đã mở rộng phong trào đánh Nam, dẹp Bắc, chinh phạt các tập đoàn phong kiến thối nát đương thời, đánh tan tành nhiều vạn quân Xiêm xâm lược phía Nam và trên 29 vạn quân nhà Thanh tràn qua phía Bắc. Trong quá trình dựng nghiệp, nhà Tây Sơn được nhiều anh hùng nghĩa sĩ đến giúp, đó là những người tài giỏi, nhưng xuất thân từ nhiều điều kiện khác nhau và họ đến dưới cờ Tây Sơn vì nghĩa lớn. Bên võ có thể kể đến: Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng...Bên văn có Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, Cao Tắc Tựu, La Xuân Kiều, Triệu Đình Tiệp...Theo sách sử truyền tụng, đây là "thất hổ tướng và lục kỳ sĩ" của nhà Tây Sơn.

Trước khi nói đến "thất hổ tướng", cũng nên đề cập một nhân vật có công lớn nhất bày mưu tính kế để ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa là thầy giáo Hiến ở An Thái (An Nhơn). Tên thật của ông là Trương Văn Hiến, giỏi cả văn và võ. Ông mở trường dạy học ở An Thái và thâu nhận học trò trong vùng, trong đó có Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Những người học trò của ông buộc phải học cả hai môn văn và võ. Vốn là một nhân tài chán cảnh thối nát của các tập đoàn phong kiến, dân tình bị quan lại hà hiếp khốn cùng...mà đi ẩn cư dạy học, nên Giáo Hiến luôn đặt niềm hy vọng sẽ có người ra giúp nước từ đám học trò của mình. Và ông đã chọn ba anh em nhà Tây Sơn. Chuyện kể rằng: một hôm Nguyễn Nhạc mua được thanh cổ kiếm đem đến dâng cho thầy học, Giáo hiến xem xét thanh kiếm và bảo: "lúc này là lúc kẻ anh hùng dựng nên nghiệp cả, trò không nên để lỡ thời cơ". Lời gợi ý đó của thầy đã nhen nhóm trong Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ mưu đồ khởi nghĩa. Và từ đó thầy giáo Hiến đã trở thành quân sư, hướng dẫn đường đi, nước bước cho ba anh em nhà Tây Sơn thu phục nhân tài, lòng dân, xây dựng quân lương, chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa.

Có quân sư giỏi là thầy dạy học của mình, anh em nhà Tây Sơn lại được nhiều anh hùng hào kiệt đến xin phò tá. Trong số này, không ít bậc kỳ tài, học sâu hiểu rộng, võ nghệ phi thường, mỗi người đều có môn sở trường, nhưng gặp buổi nhiễu nhương, họ ẩn thân chờ thời, có người là tướng cướp trấn giữ một vùng...Trong sách vở và dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về những con người tài giỏi này.

Võ Văn Dũng, người thôn Phú Phong, gần ấp Tây Sơn là con một nhà giàu, năm 20 tuổi theo người buôn ngựa vào Phú Yên, duyên may gặp lão trượng họ Lương dạy cho môn trường kiếm và đoản đao. Về nhà Dũng bí mật một mình luyện tập năm năm mới thành thục. Dũng dấu kín nghề riêng, khách võ lâm không mấy ai biết rằng Dũng thuộc hàng cao thủ. Võ Văn Dũng là một trong những anh tài hợp tác sớm với nhà Tây Sơn. Có lần ở phiên chợ Gò Chàm, một nhà sư người Tàu thường đến biểu dương võ nghệ. Ông ngồi ngay ngắn rồi sai bộ hạ dùng dao chém vào đầu mình, tay chân, chém mạnh mấy cũng không hề hấn gì. Tây Sơn Vương nghe tin sợ nhà sư này gây biến, bèn sai Võ Văn Dũng trừ khử. Dũng tìm đến Gò Chàm ra mắt nhà sư giả vờ lễ phép hỏi: "hòa thượng là người đã đạt đạo, không biết có khi nào bị lạc thú trần gian cám dỗ chăng". Nhà sư đáp: "lòng ta như tro lạnh không có gì có thể cám dỗ". Dũng bảo "chưa thể đáng tin" và xin được thử thách. Nhà sư bằng lòng, đã chuẩn bị sẵn, Dũng cho một số gái thanh lâu trải chiếu làm việc khiêu gợi nhục dục trước mặt nhà sư. Ban đầu nhà sư cười nói bình thường, nhưng dần dần nhắm mắt không nhìn nữa. Chỉ chờ có thế, Dũng rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư lìa khỏi cổ. Thực ra, nhà sư không có thuật gì lạ, chỉ rèn luyện khí công, tâm định thì thân thể cứng rắn, còn tâm động thì chẳng khác gì người thường. Khi nhà sư nhắm mắt, Dũng biết tâm đã động nên hành sự đúng lúc. Tây Sơn Vương rất hài lòng về cao kiến này của Dũng.

Nguyễn Nhạc tự giam mình để lừa quan phủ (ảnh chụp lại tranh vẽ tại Bảo tàng Quang Trung).

Nữ tướng Bùi Thị Xuân, nhà ở  thôn Xuân Hòa, phía đông thôn Phú Phong. Năm 12 tuổi gia đình cho học chữ, nhưng tính tình cứng cỏi, Xuân thích học võ hơn học văn. Tương truyền rằng đêm đêm có một bà lão già đến truyền thụ võ công cho Bùi Thị Xuân. Đêm nào cũng vậy, cứ đến gần sáng là bà già lui gót. Ba năm sau võ công của Xuân đã vào hàng điêu luyện. Một hôm bà lão nắm tay Xuân bảo: "ta có duyên cùng con chỉ bấy nhiêu, đêm nay ta đến từ biệt con". Bùi Thị Xuân nài nỉ bà lão cho biết tánh danh, quê quán, bà lão chỉ đáp: "ta ở gần đây, trong ba hôm nữa con sẽ biết tin tức". Bà lão nói xong vụt biến mất. Ba hôm sau ở thôn An Vinh gần đó có đám ma của một bà lão. Có lần Xuân lên chợ Phú Phong thấy hai thớt voi to, người xem đông đúc, Xuân xin được cỡi thử. Không ngờ voi co chân trước cho Bùi Thị Xuân leo lên lưng và cảm thấy điều khiển voi còn dễ hơn cỡi ngựa. Một hôm, Bùi Thị Xuân cùng vài cô học trò nữ đi săn ở vùng núi Thuận Ninh, xảy gặp một tráng sĩ đang đánh cùng mãnh hổ. Thấy tráng sĩ mình mẩy thương tích, sức sắp đuối mà hổ hung hăng chụp vồ, Xuân hét lên một tiếng rút song kiếm nhảy vào cứu tráng sĩ. Đánh nhau với hổ hồi lâu, Xuân lừa thế đâm một nhát kiếm nơi vai hổ, con hổ gầm lên một tiếng rồi bỏ chạy. Bùi Thị Xuân băn bó vết thương cho tráng sĩ và hỏi ra mới biết, đó là Trần Quang Diệu. Sau này, hai người nên duyên chồng vợ từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy.

Trần Quang Diệu quê quán ở Ân Tín, huyện Hoài Ân. Nhà giàu nhưng mồ côi sớm, thân tự lập. Lúc nhỏ Diệu học văn, học võ nhiều thầy. Một lần đi săn trên dãy Kim Sơn, tình cờ thấy một ông lão nằm giỡn với một con cọp tàu cau to lớn. Thấy Diệu cọp nhảy ra vồ, nhưng ông lão gọi cọp lại, đoạn hỏi thăm Diệu quê quán, gia cảnh, sau đó thâu nhận  làm học trò. Lão nhân này là ai ? Đó là một người ở huyện Bình Khê, họ Diệp, giỏi võ nghệ, lúc tráng niên đã xuống tay giết chết tên tri huyện tham ô. Bị truy nã, ông đem theo vợ con ra núi Kim Sơn lánh nạn. Không chịu nổi sơn lam chướng khí vợ con ông lần lượt qua đời hết, chỉ còn lại một mình ông sống với hùm beo. Gặp được Trần Quang Diệu, ông lão đã đem hết võ công của mình để truyền lại, từ quyền thuật đến côn, kiếm, thương, đao..., nhưng Diệu chỉ chuyên tâm môn đại đao. Thấm thoát thời gian, thầy đã gần trăm tuổi, trò sức trẻ võ nghệ đã tinh thông. Một hôm, ông lão gọi Diệu lại bảo: "Bấy lâu thầy phải sống, vì đao pháp của thầy chưa có người kế tập, nay đã truyền thụ cho con rồi, thầy chết không luyến tiếc. Chỉ có điều sau khi chôn cất thầy xong, con nên mau xuống núi, đem sở học làm sở hành để khỏi phí cuộc đời anh tuấn...". Nói xong ông lão lấy tay đánh nhẹ lên đỉnh đầu và tắt nghỉ. Theo lời thầy dặn, Trần Quang Diệu xuống núi và tìm đến ra mắt Nguyễn Nhạc.

Cũng như Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết-người Nhơn Ân, huyện An Nhơn lại có duyên may gặp người tài để được truyền thụ võ nghệ bằng cách khác. Tuyết vốn là người có sức lực, lúc trai trẻ thường tụ tập kẻ vô lại ở chợ Gò Chàm chuyên trấn lột các gánh mãi võ đến chợ, được đàn em tôn làm đầu nậu. Một hôm, có một ông già tóc râu bạc trắng cùng hai cô gái mặt mày xinh đẹp đến chợ mãi võ. Ông không theo lệ cũ nộp tiền cho nhóm của Tuyết rồi mới được hành nghề. Nghe tin ông già qua mặt, Tuyết đùng đùng nổi giận kéo mười tên thuộc hạ đến vấn tội ông già. Tuyết hỏi, ông già không thèm trả lời, đánh ông không thèm đỡ, cứ đứng trơ trơ như pho tượng đá. Tuyết thất kinh bỏ về, nhưng hậm hực tìm cách trả thù. Biết ông già và cô gái trọ nơi miếu thổ địa sau chợ, nửa đêm Tuyết mang kiếm lẻn vào. Hai cô gái ngủ say, còn ông già ngáy như sấm, Tuyết rút kiếm đâm vào cổ ông già, kiếm gãy kêu "rắc". Tuyết hết hồn bỏ chạy, nhưng bị ông già níu lại, Tuyết run sợ quỳ xuống xin chịu tội. Ông già bảo: "nhà ngươi tư chất thông minh, lại có sức mạnh xuất chúng, sao không lo rèn võ luyện văn, chờ cơ hội ra giúp nước, mà lại đắm chìm trong vũng bùn nhơ...?". Tuyết lạy thề quyết tâm cải hối và van xin ông già được theo làm môn đồ. Ông già đó là Trần Kim Hùng, một võ sư võ nghệ tuyệt luân người thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn. Tuyết theo Trần lão năm năm sau mới trở về, bọn đồ đảng cũ đến mừng, Tuyết khuyên nên bỏ nghề cướp bóc. Đang lúc ôm mộng giúp đời, khi nghe Tây Sơn Vương chiêu mộ hào kiệt, Tuyết liền tìm lên sơn trại đầu quân.

Nguyễn Văn Lộc cũng là một tướng tài của Nguyễn Huệ. Lúc nhỏ Lộc nhà nghèo đi ở chăn trâu thuê cho một phú nông ở làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, học võ lúc nào và học ai không ai biết. Một hôm Lộc đi chơi về khuya, bị quân canh bắt trói vào cột đình làng, Lộc cắt dây trói trốn thoát, quân canh hơn mươi người đuổi theo đều bị Lộc đánh ngã. Trời tối, Lộc chạy ngang cánh đồng lúa chín, người giữ ruộng ngờ kẻ trộm hô hoán, dân làng mang gậy gộc chạy ra vây bắt. Lộc chỉ dùng quyền đánh ngã hết lớp này đến lớp khác, nhưng không thể thoát vây, Lộc bèn giựt một cây gậy đánh những đòn chí tử để thoát thân. Từ ấy, người địa phương mới biết Nguyễn Văn Lộc võ nghệ siêu phàm. Khi Lộc đến đầu quân Tây Sơn Vương được đón nhận trọng thị. Võ Đình Tú trước khi đến với Tây Sơn Vương là con một gia đình giàu ở Phú Phong, tính tình hào phóng và duyên may được một nhà sư dạy võ nghệ, binh pháp. Nhà sư này không biết từ đâu đến, thường ngồi trước ngõ nhà họ Võ, Võ Đình Tú thường mang cơm nước chăm sóc. Chuyện kể rằng có một hôm trời nổ mưa to gió lớn, khi tan mưa trong nhà không ai thấy Tú đâu cả. Mọi người ngờ rằng Tú bị nhà sư đưa đi. Mười năm sau Tú trở về, lúc này đã là một thanh niên vạm vỡ, nhưng tính tình chất phác. Khi được Võ Văn Dũng (bạn thân) giới thiệu cùng Tây Sơn Vương, Tú mới trổ tài, côn quyền xuất chúng, binh pháp tinh thông, cỡi ngựa, bắn cung nhuần nhuyễn. Tú thường sử dụng thiết côn, trăm người không địch nổi.

Từ một tay cướp nổi tiếng trở thành tướng tài nhà Tây Sơn, đó là Lê Văn Hưng. Hưng người Kiên Dõng huyện Tuy Viễn, có ngọn roi tuyệt diệu, một đòn đánh ngã trăm người. Dưới tay Hưng có vài chục thủ hạ hành nghề ăn cướp. Nhưng cũng như Chàng Lía, đảng cướp của Hưng chỉ cướp của nhà giàu. Thường mỗi vụ cướp Hưng cầm roi cản hậu, khi phải đánh người thì đánh ngã để thoát thân mà thôi. Nhưng có một lần, Hưng vào cướp một nhà giàu ở Phú Yên, chủ nhà cũng là một tay giỏi võ nghệ cùng với trai tráng trong nhà vây đánh. Hưng nhiều lần nương tay, nhưng đối phương cứ vây chặt, trong khi trời sắp sáng, buộc Hưng phải ra đòn tận lực, khổ chủ bị đánh hộc máu chết tươi. Các vụ cướng suông quan lại chẳng để ý, nhưng sau vụ cướp này, Hưng bị chính quyền vây ráp, phải bỏ nhà lánh vào rừng và gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, rồi từ cấp lính lên đến cấp tướng.

Không nằm trong thất hổ tướng, nhưng trong những người theo phò giúp Tây Sơn Vương có những nhân vật đáng chú ý, đó là các tướng Lý Văn Bưu, Phan Văn Lâm... Lý Văn Bưu, người làng Đại Khoan, huyện Phù Cát. Từ lúc nhỏ Bưu đã có tài cỡi ngựa múa đao, bắn cung bách phát bách trúng, người trong vùng còn gọi là Phi Vân Báo (con beo bay). Nhà gần rừng núi, gia đình ông chuyên nuôi ngựa và săn bắn, bản thân Bưu siêng năng luyện tập võ nghệ, nghiên cứu chiến trận. Nhờ quen biết bà Bùi Thị Xuân, nên khi Tây Sơn khởi nghĩa Lý Văn Bưu được bà Xuân giới thiệu với Nguyễn Huệ, ông được thu nhận vào chăm sóc đoàn chiến mã và rèn luyện nghĩa binh. Nhờ tài thao lược, sau đó ông được phong tới chức Đô Đốc. Còn Phan Văn Lâm võ nghệ cao cường thiên hạ vô địch, người miền ngoài lưu lạc đến đất An Thái và vào bái kiến thầy giáo Hiến xin được làm đệ tử, đồng môn với ba anh em nhà Tây Sơn. Tuy được Tây Sơn Vương trọng vọng mời vào ngay trong cung, nhưng Lâm chỉ xin được ở bên ngoài. Một hôm, có một nhà sư hình thù cổ quái nghe tiếng Lâm tìm đến xin gặp và xin đấu võ với Lâm. Lâm tìm cách lánh mặt từ chối, vì biết nhà sư này không phải bật ham mộ nghệ thuật, tìm bạn bốn phương, mà là một khách giang hồ bụng đầy ác ý. Lâm quyết định trừ khử để tránh hậu họa. Nhân lúc nhà sư đang ngồi uống rượu nơi tầng hai tử quán, Lâm thách nhà sư ra tay trước. Bị chạm lòng tự ái, nhưng nhà sư im lặng và bất ngờ tấn công Lâm bằng ngọn cước tối độc. Lâm chỉ nghiêng mình dùng tay hất nhà sư rơi xuống lầu vỡ sọ. Có lần theo yêu cầu của tướng sĩ được xem tài nghệ, Lâm bảo mọi người rinh ba tảng đá dày chồng lên nhau, rồi đưa sống bàn tay phải chém xuống. Ba tảng đá vỡ làm đôi, ai nấy đều thán phục.

Trên đây, chỉ là vài ba câu chuyện của các tướng lĩnh nhà Tây Sơn được ghi lại, truyền tụng. Điều đáng suy nghĩ là hầu hết họ đều xuất thân không phải từ tầng lớp quan lại "cha truyền con nối", mà dưới cờ Tây Sơn họ được tập hợp, được rèn luyện và nhờ nghệ thuật dùng người của Quang Trung-Nguyễn Huệ đã trở thành những vị tướng tài đánh nam, dẹp bắc, uy danh vang lừng lưu danh sử sách. Từ đó cũng cho thấy, Bình Định là mảnh đất địa linh nhân kiệt, lắm người tài trong thiên hạ.

. Hữu Vinh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đào Duy Từ – một tài năng kiệt xuất  (14/03/2003)
Tháp Cánh Tiên  (13/03/2003)
Ngô Thì Nhậm – Rường cột trọng yếu của nhà Tây Sơn  (10/03/2003)
Bánh tro  (04/03/2003)
Bánh bảy lửa  (21/02/2003)
Bánh táp lô   (21/02/2003)
Hội Đổ giàn  (21/02/2003)
Danh nhân văn hóa Đào Tấn - niềm tự hào của nhân dân Bình Định  (28/02/2003)
Tản mạn núi Bà  (28/02/2003)
Hải Đăng Cù Lao Xanh - "Người đẹp trăm tuổi”  (28/02/2003)
Rượu bầu đá  (28/02/2003)
Núi Kỳ Đồng và Bàu Sấu  (28/02/2003)
Sự tích Ghềnh Ráng Tiên Sa   (28/02/2003)
Tháp Bình Lâm  (28/02/2003)