Làng Vinh Thạnh nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về phía bắc. Đó chính là quê hương của Danh nhân văn hóa, Hậu tổ nghệ thuật Tuồng – Đào Tấn. Đình làng Vinh Thạnh là nơi cha con cụ Đào được dân làng thờ phụng như những thành hoàng.
Cả tỉnh Bình Định hiện nay hầu như chỉ còn sót lại một ngôi đình của người Việt, đó là đình Vinh Thạnh. Cũng đặc biệt như thế, Vinh Thạnh là làng duy nhất trong tỉnh đến nay vẫn giữ được cổng làng với bốn chữ hán “Vinh Thạnh lý môn” (cổng làng Vinh Thạnh). Di tích ngôi đình hiện còn đến ngày nay được xây dựng lại vào năm 1948; còn ngôi đình cũ, nghe dân gian kể lại, có quy mô lớn hơn, kiến trúc theo kiểu cổ lợp ngói âm dương thì đã bị phá hủy trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
Đình làng Vinh Thạnh được xây dựng trên bình đồ hình chữ nhật, phía trước trổ tam quan trông ra đường liên xã, các mặt khác tiếp giáp với nhà dân. Hai đầu nhà đều xây trụ hình vuông, trên đề đôi câu đối, hai trụ giữa bo tròn chạm nổi hình rồng quấn quanh, đầu chúc xuống đuôi vểnh lên, bên trên là một dãy lan can được thiết kế theo kiểu ô hộc. Chính giữa là hình cuốn thư đắp nổi đề ba chữ “Vinh Thạnh đình”. Đình được thiết kế hai lớp mái, bốn góc uốn cong, cuối góc mái là những lan can đằng (giả rồng), đỉnh mái bên trên thể hiện hình lưỡng long chầu nguyệt (các chi tiết này đã bị đập vỡ). Phía trong, hai bên cửa chính là phù điêu đắp nổi tượng ông Thiện, ông Ác, trong nhà sát tường là ba bục thờ. Đình dài 12m, rộng 4m.
Trong ba bục thờ thì bục giữa đề chữ “thần”, một bên đặt thần vị Đào Đức Ngạc – cha của Đào Tấn, một bên đặt thần vị Đào Tấn. Thần vị Đào Tấn là một tấm bia đá được lập năm Mậu Thân Duy Tân thứ hai (1908), một năm sau khi ông qua đời. Ngay sau khi mất, Đào Tấn đã được tôn vinh như một vị thần của cả làng, được cả làng thờ cúng. Trước kia ở Vinh Thạnh có ít nhất ba địa điểm thờ Đào Tấn. Ngoài đình làng, tại nhà ông con cháu cũng lập miếu thờ, dân làng cũng lập đền thờ riêng, trên đề bốn chữ “Đào Công bảo từ”. Hàng năm đến ngày giỗ ông, con cháu họ tộc, dân làng cử hành tế lễ rất long trọng. Tại đình làng thường tổ chức hát bội, diễn lại các vở tuồng của ông. Gần đây, sau một thời gian bị mai một vì nhiều lý do, những sinh hoạt văn hóa trên đang được phục hồi. Chỉ tiếc rằng miếu thờ, đền thờ ông đều đã bị phá hủy do chủ trương tiêu thổ kháng chiến ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nay vẫn chưa được dựng lại. Còn đình làng, nhiều đồ thờ cũng đã thất lạc. May thay tại từ đường họ Đào thôn Vinh Thạnh vẫn còn được giữ nguyên vẹn 18 sắc phong của Đào Tấn thời Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái nhà Nguyễn.
Chắc chắn rằng trong một thời gian không xa đình làng Vinh Thạnh sẽ được tu bổ, không chỉ vì đây là ngôi đình của người Việt độc nhất vô nhị ở Bình Định còn lại đến ngày nay, mà còn là một di tích gắn liền với danh nhân Đào Tấn. Ngôi đình đó, cùng với từ đường họ Đào, lăng mộ của ông, và rộng ra là cả mảnh đất làng Vinh Thạnh trở thành một quần thể di tích phần nào nói lên được cuộc đời sự nghiệp của một nhà văn hóa lớn, trở thành điểm hành hương của những người yêu thích nghệ thuật tuồng, những người tâm huyết với nền văn hóa dân tộc.
(Theo “Bình Định – Danh thắng và di tích”)
|