Tôi còn nhớ, ngày tôi còn nhỏ ở thôn quê vào những buổi trưa mùa hè, sau khi ngủ trưa dậy, anh em tôi thường ra đầu hè ngồi hóng mát chờ bà đậu hủ rao để mẹ mua cho ăn xế (cũng có nơi gọi là đậu hũ do đậu được đựng trong hũ). Cái cảm giác mát rượi của những ngọn gió nồm, cái nóng hổi, thơm ngon, ngọt lịm của đậu hủ theo tôi mãi đến tận bây giờ. Lúc ấy, tôi còn nhỏ ăn hơi chậm so với các anh tôi. Có hôm chúng tôi tổ chức ăn đậu thi, vì muốn hết trước nên tôi húp đánh soạt làm bỏng cả miệng. Giờ nhớ lại tôi cảm thấy buồn cười.
Đậu hủ là món ăn dân dã, trẻ em nông thôn Bình Định thường được mẹ cho ăn vào lúc xế chiều. Đậu hủ làm từ đậu nành. Lấy đậu nành vo sạch, ngâm nước cho mềm, đem xay cho loãng rồi lọc qua túi vải. Muốn đậu được ngon, người ta pha thêm vào đậu một ít bột gạo, không có bột gạo thì đậu bở, nếu cho bột gạo nhiều thì đậu bị chai, mất ngon. Để cho đậu được nhuyễn mịn, khi bắc lên nấu, người ta phải dùng đũa dài khuấy đều liên tục. Để cho đậu được kết người ta cho vào ít thạch cao. Còn để cho đậu được thơm, người ta thêm vào lá dứa. Khi đậu tới, trút nồi nước đậu đang bốc khói vào vò đặt sẵn trong vỏ nan lót rơm và vải bao bố, đậy kỹ nắp vò, khằn vải lại. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau đậu kết, có thể quảy đi bán được.
Người đi bán đậu thường ở tuổi trung niên, ít có người trẻ tuổi đi bán đậu. Khi có người gọi mua, người bán đậu dừng lại để gánh xuống. Thao tác múc đậu của họ nhuần nhuyễn làm sao. Họ lấy chén ra rồi quay sang bên vò đậu dùng chiếc vá dẹt hình con sò sớt lia ngang mặt đậu, rồi nghiêng vào chén theo từng lớp đậu. Đậu không bao giờ múc đầy mà luôn cách miệng chén chừng nửa lóng tay để sau đó còn rưới nước đường thắng với gừng lên trên mặt. Chén đậu bốc khói nghi ngút, hòa quyện với nước đường gừng thơm ơi là thơm. Đậu hủ phải ăn nóng, vừa thổi vừa ăn mới ngon. Dùng muỗng hớt từng miếng nhỏ, rồi húp. Nếu dùng muỗng dằm nát ra, độ nóng của đậu bị giảm và độ dai của đậu cũng không còn, lúc đó đậu bị mất ngon.
Ngày nay có một số nơi để giảm đi độ nặng của cái vò đất gánh trên vai, họ đã “sáng kiến” bằng cách nấu đậu xong trút đậu vào xô nhựa, để nguội rồi gánh đi bán. Chén đậu này khi múc ra đã nguội tanh, không còn bốc hơi nghi ngút như đậu ủ ở vò, trông thế đã kém phần hấp dẫn. Một khi đậu đã nguội thì cái cảm giác nóng, thơm và dai của đậu cũng không còn, như thế sẽ mất đi cái hương vị đặc trưng của đậu hủ.
. Phước Lộc
|