Thành Cha
18:48', 30/3/ 2003 (GMT+7)

Án ngữ phía nam kinh thành Vijaya là một tòa thành có kích thước nhỏ hơn nhưng giữ vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, nằm trên địa phận thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Sách Đại Nam nhất thống chí khi nói về tòa thành này chép rằng: “Thành cũ An Thành gọi là thành Cha ở thôn An Thành, phía Đông huyện Tuy Viễn, do người Chiêm Thành xây dựng, nay đã đổ nát, dấu cũ vẫn còn”. Ngoài tên gọi được chép trong thư tịch cổ, tòa thành còn có nhiều trên gọi khác trong dân gian như thành Hời, thành Hồ Xứ, thành Bắc, thành Cừ... nhưng tên gọi thông dụng nhất là thành Cha. Tòa thành được xây dựng trên một dải đất cao nằm trên bờ nam sông Kôn, cách thành Chà Bàn chừng 5km về phía Bắc. Đi về phía tây nam khoảng 3km là phế tích thành Chà Rây. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, thành Cha có thể đã được xây dựng từ trước thế kỷ XI, nghĩa là xuất hiện sớm hơn thành Đồ Bàn. Thành có cấu trúc khá đặc biệt; nhìn trên bình đồ, hệ thống thành giống như được liên kết bởi hai tòa thành hình chữ nhật, một lớn, một nhỏ.

Tòa thành lớn nằm về phía đông, tường thành mặt bắc chạy theo hướng tây-đông, dài 947m, mặt rộng 3m-5m, chiều cao hiện còn khoảng 1m, ở vị trí chính giữa tường thành nổi lên một gò đất cao 8m, thoải dần về hai phía mặt thành, có tên gọi là gò Cột Cờ. Bức tường phía nam có chiều dài tương tự, nhưng đã bị bào mòn, chỉ còn cao hơn mặt đất một chút. Phần di tích còn rõ nhất là hai bức tường phía đông và phía tây. Tường phía đông chạy theo hướng bắc – nam, dài 345m với chiều cao trung bình 4m, mặt thành rộng tới trên 30m. Bức tường phía tây có độ dài và chiều cao tương tự, nhưng bề mặt hẹp hơn, khoảng 7m-10m. Góc tây bắc của tòa thành lớn được vây kín vởi hai đoạn tường thành, một chạy từ gò Cột Cờ xuống phía nam dài 240m và một đoạn vuông góc với nó chạy sang phía tây, nối với bức tường phía Tây của thành lớn tạo thành một khuôn viên hình chữ nhật. Chính giữa khuôn viên này có một gò gạch lớn, dấu tích còn lại của một công trình kiến trúc đã bị sập đổ.

Thành hình chữ nhật nhỏ hơn nằm kề phía tây bắc thành lớn có chiều dài 440m, chiều rộng 134m. Tường phía đông của tòa thành này trùng với một phần bức tường phía tây của thành lớn. Hai tòa thành được liên kết với nhau thành một hệ thống mà chức năng của chúng cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Vết tích hệ thống hào xung quanh thành Cha còn khá rõ. Đường hào phía nam còn tương đối nguyên vẹn, rộng tới 35-40m. Ở mặt đông và bắc hào gần như đã bị lấp nhưng còn để lại một loạt các bàu, đĩa, rộc và vùng trũng sâu liên tiếp nhau, chạy dọc theo tường thành.

Trong lòng thành có khá nhiều gò đống như gò Gạch, gò Cây Me, gò Hời... Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây không ít ngói vỡ, mảnh phù điêu trang trí bằng đất nung thể hiện tu sĩ Bàlamôn, hình phụ nữ... vỡ ra từ các công trình kiến trúc Champa trước đây.

Trong lịch sử Champa, thành Cha đã từng giữ vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với thời kỳ vương quốc Champa tồn tại mà cả trong các giai đoạn sau đó. Sau kinh đô Chà Bàn và các vùng phụ cận, vùng đất phía đông nam, về đại thể tương ứng với địa phận huyện Tuy Phước hiện nay, có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là vùng tiền duyên, có các cửa cảng, án ngữ cửa ngõ phía đông kinh thành. Với vị trí trọng yếu như vậy, vương quốc Champa đã xây dựng nên ở đây nhiều cứ điểm phòng thủ kiên cố. Một trong số đó còn để lại di tích là thành Thị Nại.

(Theo “Bình Định danh thắng và di tích”)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trận đánh khách sạn Việt Cường  (30/03/2003)
Vài kỷ niệm về đậu hủ  (28/03/2003)
Đình làng Vinh Thạnh  (28/03/2003)
Dốc Bà Bơi - Nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng  (20/03/2003)
Thất hổ tướng của nhà Tây Sơn   (17/03/2003)
Đào Duy Từ – một tài năng kiệt xuất  (14/03/2003)
Tháp Cánh Tiên  (13/03/2003)
Ngô Thì Nhậm – Rường cột trọng yếu của nhà Tây Sơn  (10/03/2003)
Bánh tro  (04/03/2003)
Bánh bảy lửa  (21/02/2003)
Bánh táp lô   (21/02/2003)
Hội Đổ giàn  (21/02/2003)
Danh nhân văn hóa Đào Tấn - niềm tự hào của nhân dân Bình Định  (28/02/2003)
Tản mạn núi Bà  (28/02/2003)
Hải Đăng Cù Lao Xanh - "Người đẹp trăm tuổi”  (28/02/2003)