Bút ký:
Ai về An Thái...
21:0', 1/4/ 2003 (GMT+7)

 

Ký ức làng quê (ảnh Đào Tiến Đạt)

Nằm trên đường Bình Định-Lai Nghi, nối đôi bờ sông Côn, kề đập Bẩy Yển, cầu Phụ Ngọc được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trải bao biến cố lịch sử, cây cầu bị chiến tranh hư sập xây dựng lại mấy lần. Đến nay, nếu ai để ý sẽ thấy phần chân cầu có cả “đấu ấn” xây dựng của thời Pháp, thời Mỹ và thời Cách mạng. Đi từ Thị trấn Bình Định lên, khỏi xã Nhơn Khánh, qua cầu Phụ Ngọc là đến An Thái thuộc xã Nhơn Phúc - một vùng quê như bao vùng quê khác của đất kinh thành xưa An Nhơn. Nhưng ai đã một lần đến, một lần đi đều không khỏi lưu luyến vì cảnh sắc, vì lòng người ở đây, mà nhiều khi khó nói được...

Có lẽ cũng như vậy, cách đây gần sáu mươi năm, các nhà thơ Yến Lan, Chế Lan Viên, Quách Tấn... trong nhóm "Bàn thành tứ hữu" có lần qua cầu Phụ Ngọc để lên An Thái, về thăm quê của nhà thơ Quách Tấn ở Tây Sơn, khi đến thôn Mỹ Thạnh đã không khỏi chạnh lòng về một thời Phủ An Nhơn được xây dựng ở đây trước khi dời xuống thành Bình Định. Theo hồi ký BÓNG NGÀY QUA của nhà thơ Quách Tấn: "Phủ An Nhơn trước khi dời xuống thành Bình Định thì đóng cơ quan tại Mỹ Thạnh gần sông Côn... Khi ông cụ thân sinh Chế Lan Viên vào làm Lại Mục An Nhơn (khoảng 1924-1925) thì thuê nhà ở cạnh Phủ Cũ. Mãi đến khi về hưu ông cụ mới xin cất nhà ở Bình Định (Cửa Đông)". Bên cạnh "Phủ An Nhơn" còn có khu Văn Chỉ được xây dựng bề thế thờ Khổng Tử-nơi gặp gỡ của các môn đồ Nho học. Từ khu phủ này đi về hướng tây chừng năm bảy trăm mét có gò Âm Hồn, tập trung quanh vùng có nhiều làng nghề thủ công: nghề làm bún gạo, bún Song Thằn, làm chiêng, dệt vải, làm giấy... Tuyền rằng, đây là nơi cư ngụ của thầy Giáo Hiến (tên thật Trương Văn Hiến), người thầy dạy cả văn và võ cho ba anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp. Theo sách sử, ông là người xứ Đàng ngoài vào cư ngụ ở An Thái mở trường dạy học. Người Nhơn Phúc xưa nay luôn trọng văn-võ, nhân nghĩa... Có một tài liệu viết rằng, vào thời Tự Đức ở thôn Thuận Nghĩa, nay là Thái Thuận (Nhơn Phúc) có ông Ngô Tòng Nho đậu Tiến Sĩ, làm quan Tri phủ. Sau khi ông mất được tặng Thị giảng Học sĩ. Thế nhưng, cho đến nay trong các vị Tiến Sĩ của đất Bình Định chưa thấy tên ông này (?).

Theo các cụ già kể lại, từ thời các Chúa Nguyễn ở An Thái đã có người Hoa đến sinh sống lập nên Minh Hương An Thái phố. Về sau số người Hoa đến đây lập nghiệp ngày càng đông, mở mang ngành nghề, buôn bán. Theo tín ngưỡng, họ xây dựng các chùa chiền  như chùa Ông, chùa Bà, Hội Quán... Trong số người Hoa ấy có ông Tàu Sáu, một thầy dạy võ đã đưa võ Thiếu Lâm Tự từ bên Tàu du nhập vào địa phương. Nhiều người học võ ông đã kết hợp hai phái võ Tàu và võ Ta, sáng tạo thêm các quyền thế đưa võ An Thái nổi tiếng: "roi Thuận Truyền, quyền An Thái".

Ngày nay, người xưa đã mất, cảnh cũ phai mờ nhưng ai đó qua cầu Phụ Ngọc, về thăm An Thái-Nhơn Phúc dạo quanh quán chợ không thể không trầm tư về một vùng đất "một thời vang bóng". Tôi đi dọc bờ sông Côn, đây xóm bún, chòm chiêng, kia gò âm hồn, bến đò An Thái, đâu bãi sông hằng năm mở hội Đổ Giàn, tập hợp hàng trăm võ sĩ An Thái, An Vinh tranh tài võ nghệ... .

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Về Hoài Ân   (31/03/2003)
Thành Cha  (30/03/2003)
Trận đánh khách sạn Việt Cường  (30/03/2003)
Vài kỷ niệm về đậu hủ  (28/03/2003)
Đình làng Vinh Thạnh  (28/03/2003)
Dốc Bà Bơi - Nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng  (20/03/2003)
Thất hổ tướng của nhà Tây Sơn   (17/03/2003)
Đào Duy Từ – một tài năng kiệt xuất  (14/03/2003)
Tháp Cánh Tiên  (13/03/2003)
Ngô Thì Nhậm – Rường cột trọng yếu của nhà Tây Sơn  (10/03/2003)
Bánh tro  (04/03/2003)
Bánh bảy lửa  (21/02/2003)
Bánh táp lô   (21/02/2003)
Hội Đổ giàn  (21/02/2003)
Danh nhân văn hóa Đào Tấn - niềm tự hào của nhân dân Bình Định  (28/02/2003)