Sự tích sông Hà Thanh
16:33', 3/4/ 2003 (GMT+7)

(Truyền thuyết của dân tộc Chăm H’roi)

Các già làng thường kể lại rằng, thuở mới khai thiên lập địa, Vân Canh là một trong những vùng rừng núi âm u, trùng điệp với những hòn Ông, hòn Bà, núi Đok, hòn Quy, hòn Kê, hòn Gió, Hoành Sơn, Sao Cô, hòn Trôi, núi San Sẻ… giăng ngang xếp dọc. Núi rừng bao la, suối khe cũng lắm nhưng đặc biệt nước chỉ chảy về hướng tây rồi đổ về các vùng xa xôi, nên xứ “Đất cày” (tên gọi cũ của vùng Vân Canh) luôn khô hạn, suối phơi lòng đá. Người Chăm đã làm lễ cúng Yàng bao lần, Yàng cũng không cho. Dân làng khắp nơi gọi nhau đi tìm nguồn nước khơi chảy về làng để có nước uống.

Rồi một ngày nắng hạn héo úa cả rừng, người già rên la, trẻ con kêu khóc vì khát nước, một chàng trai Chăm đã dũng cảm hăng hái lên đường quyết tìm nguồn nước cho chảy về  hướng đông để cứu dân làng. Tay cầm dao, vai mang gùi đựng con gà trống, anh rảo bước đi về phía rừng núi. Tới một cây sung bên đường nở đầy hoa, anh dừng lại chọn mấy bông hoa đẹp ngắt cuống dài, buộc thành bó bỏ vào gùi cùng con gà trống rồi tiếp tục lên đường và cất tiếng hát vang. Anh mơ ước sẽ tìm ra nguồn nước mát cho vợ con và dân làng qua cơn khát, có hoa đẹp về cho con chơi. Anh không ngờ con gà trống nằm trong gùi đã mổ ăn hết những bông hoa ấy. Anh dọc theo hòn Nhe- Kà Xiêm đi về phía Phú Yên thì bỗng gặp một đoàn người cưỡi ngựa cũng đi về phía ấy. Biết anh là người dũng cảm cũng đi tìm nguồn nước cứu dân như họ nên họ mời anh lên ngựa cùng đi. Trên đường, qua câu chuyện họ biết anh là người có mơ ước cao cả, có lý tưởng mong muốn cho người Chăm sống trong hạnh phúc lâu dài nên không ngớt lời thán phục và tỏ lòng quý mến anh.

Khi mọi người dừng chân bên một ngọn núi cao để nấu ăn, anh sực nhớ đến bó hoa thì nó không còn nữa. Anh vừa giận con gà vì đã ăn hết hoa của con anh, vừa muốn đãi những người đồng hành một bữa giữa rừng nên liền mổ thịt gà cho mọi người ăn và nêu lên nhiều kế hay trong việc tìm nguồn nước. Lạ thay, cái đầu gà luộc mãi mà không chín, mồng gà vẫn đỏ tươi. Trong bữa ăn, mọi người để riêng đầu gà ra, nhưng anh thì không sợ, cầm đầu gà nhai ngấu nghiến và khen ngon. Thấy điềm lạ, ăn xong mọi người liền tôn anh làm trưởng đoàn, và theo kế hoạch họ tiếp tục lên đường.

Anh cưỡi ngựa trắng đi đầu đoàn người. Đi mãi tới gần đất Phú Yên thì bỗng nhiên anh ngã ra chết đột ngột. Đoàn người muốn khiêng anh về chôn ở quê nhà, nhưng lạ thay không sao nhấc nổi cái đầu của anh - cái đầu khát khao tìm nguồn nước mát cứu dân làng. Không thể làm gì hơn, họ phải cắt đầu anh để lại, đưa thân mình cùng trái tim mang về mai táng. Nhưng lạ chưa, khi đầu anh vừa lìa khỏi cổ thì bỗng nước từ trong đầu cứ tuôn trào ra thành khe và chảy về các làng Chăm. Các già làng còn cho biết người xưa truyền lại rằng: nước càng chảy mạnh thì cái đầu anh càng to thêm lên, hóa thành một tảng đá đầu nguồn. Hòn đá khổng lồ ấy hiện là hòn đá đầu sông ở Canh Hòa.

Người Chăm đến đầu nguồn nước thấy có loài cây Kơ Chinh ra quả ăn ngon nên mới đặt tên cho dòng suối đầu nguồn này là Ja Ka Chinh. Nước chảy về xuôi hợp lưu từ nhiều suối, nhập lại thành sông Hà Thanh giúp người hạ nguồn sinh sống, cây cỏ, đồng ruộng tốt tươi.

Việc phá rừng, chặt cây bừa bãi để cho suối khô sông cạn là chẳng phải đời nay đã phụ lòng người xưa phải đổ máu mới có dòng sông đấy chăng?

. Lan Ngọc Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thương nhớ Gò Bồi  (02/04/2003)
Ai về An Thái...  (01/04/2003)
Về Hoài Ân   (31/03/2003)
Thành Cha  (30/03/2003)
Trận đánh khách sạn Việt Cường  (30/03/2003)
Vài kỷ niệm về đậu hủ  (28/03/2003)
Đình làng Vinh Thạnh  (28/03/2003)
Dốc Bà Bơi - Nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng  (20/03/2003)
Thất hổ tướng của nhà Tây Sơn   (17/03/2003)
Đào Duy Từ – một tài năng kiệt xuất  (14/03/2003)
Tháp Cánh Tiên  (13/03/2003)
Ngô Thì Nhậm – Rường cột trọng yếu của nhà Tây Sơn  (10/03/2003)
Bánh tro  (04/03/2003)
Bánh bảy lửa  (21/02/2003)
Bánh táp lô   (21/02/2003)