Huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn) được thành lập từ năm Đồng Khánh thứ ba (1888), là một phần của huyện Tuy Viễn phủ An Nhơn (trước nữa là Quy Nhơn) bao gồm 4 tổng: Vinh Thạnh, Phú Phong, Thuận Truyền và Trường Định. Địa điểm chọn đặt huyện đường là thôn Đồng Phó, nay là thôn Thượng Giang xã Tây Giang huyện Tây Sơn. Huyện đường Bình Khê bấy giờ là một ngôi nhà nhỏ xây gạch, khung gỗ, mái tranh, nền đắp cao xung quanh kè đá, lát gạch thường. Nơi khuôn viên huyện đường xưa ngày nay là trụ sở UBND xã Tây Giang. Dấu vết của huyện đường hầu như không còn gì, ngoài phần nền nhà tương ứng với dãy nhà bên trái UBND xã bây giờ.
Huyện đường Bình Khê từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam, và sẽ mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam nhắc đến. Bởi lẽ, một thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhậm chức tri huyện ở đây và có lần người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên đường đi tìm đường cứu nước đã đến thăm cha. Thời gian cụ làm tri huyện Bình Khê không lâu, chỉ từ tháng 7/1906 đến tháng 1/1909 nhưng đã để lại trong lòng nhân dân Bình Khê những tình cảm hết sức đẹp đẽ về một vị quan thanh liêm chính trực, yêu nước thương dân, sống thanh bạch giản dị.
Với quyền hạn của quan Tri huyện, cụ thường đứng ra bênh vực dân nghèo. Cụ th người thiếu nợ địa chủ, tha dân nấu rượu lậu mà bọn Tây Đoan bắt giao đòi bỏ tù. Với bọn cường hào ác bá, bọn lưu manh trộm cắp, cụ nghiêm trị. Những vụ kiện lớn cụ xử công bằng, những vụ kiện nhỏ cụ khuyên giảng hòa. Tù oan thì cụ thả. Là quan đứng đầu một huyện nhưng cụ lại ngầm làm trái với yêu cầu của chính quyền. Cụ không thúc ép dân phu đài tạp dịch, có khi còn vận động nhân dân không nộp thuế, người Pháp hỏi thì cụ trả lời: “Dân chúng không nộp cho huyện, huyện lấy đâu tiền nộp cho Nhà nước ?”. Là người yêu nước hễ có điều kiện là cụ khích lệ tinh thần yêu nước thương dân. Là quan Tri huyện nhưng cụ ít có mặt ở công đường. Cụ thường dành nhiều thời giian thăm viếng dân chúng, nhất là những người nghèo.
Trên đường từ Huế qua các tỉnh miền Trung rồi vào Nam xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Bình Định, đến Bình Khê thăm cha và đã ở lại đây một thời gian ngắn. Ngồi huyện đường đơn sơ, căn nhà đơn sơ, nơi nghỉ ngơi của quan tri huyện, đất trời Bình Khê đã chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử này. Chính tại nơi đây bao trăn trở trước vận mệnh dân tộc, nỗi lòng đau đáu mong muốn tìm ra con đường cứu dân cứu nước của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành được người cha thân yêu chia sẻ, khích lệ, động viên và tiếp thêm nghị lực.
Đã chín thập kỷ trôi qua, người xưa tình cũ nay đều đã không còn nhưng hình ảnh một vị quan thanh liêm cùng người con trai có đôi mắt sáng tinh anh vẫn sống mãi trong ký ức người dân thôn Đồng Phó, Thượng Giang ngày nay. Huyện đường xưa nay không còn nữa, cũng chưa có bia đá, nhà lưu niệm nhưng người dân địa phương cũng như các cấp chính quyền địa phương vẫn có ý thức bảo vệ di tích lịch sử này, bằng việc không xây dựng công trình bền vững trên nền di tích. Đã có nhiều nhà nghiên cứu đến đây khảo sát, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh đề cập đến sự kiện này. Tên gọi Bình Khê đã rất đỗi thân quen với người Việt Nam. Di tích huyện đường Bình Khê cần phải được tôn tạo để trở thành một điểm trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào của nhân dân Bình Khê – Tây Sơn nói riêng, nhân dân Bình Định nói chung.
. (Theo “Bình Định – Danh thắng và di tích”)
|