Chuyện nhà Tây Sơn:
Phần 2: Nguyễn Nhạc bắt ngựa thần thu phục người Xê Đăng
16:47', 14/4/ 2003 (GMT+7)

Khoảng năm 1772, sau khi đã dựng cờ khởi nghĩa nhưng phạm vi hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn mới ở trong vùng Tây Sơn hạ đạo, để mở rộng địa bàn và phạm vi hoạt động, ba anh em Tây Sơn bàn cách thuyết phục các dân tộc vùng Tây Nguyên, chủ yếu là khu vực Tây Sơn thượng đạo. Với dân tộc Gia Rai Nguyễn Nhạc thu phục dễ dàng, mọi người coi ông như vua Trời, nhưng với dân tộc Xê Đăng thì phải làm cho họ thấy sự khác thường của người Trời.

Để chứng tỏ rằng mình khác thường, ông Nhạc dùng giỏ tre gánh nước đi ngang qua buôn người Xê Đăng mỗi sáng (thực ra ông dùng giấy trắng tốt nhúng dầu phộng rồi phơi khô, dán phía trong giỏ rồi đổ nước vào, bên ngoài nhìn vào thấy nước nhưng nước không chảy). Thế nhưng, với chúa làng Bok Kliơm thì ông không tin là khác thường, ông cho rằng đó chỉ là phù phép chứ không phải do trời chỉ dạy. Theo ông, Nguyễn Nhạc phải bắt được ngựa thần thì ông mới phục. Nguyên trên vùng núi An Khê có một bầy ngựa rừng, hễ thấy bóng người là chạy tránh. Trong đó, có con ngựa đầu đàn lông màu trắng, tiếng hí vang cả rừng núi, người Xê Đăng gọi là ngựa thần.

Để bắt được con ngựa đầu đàn này, Nguyễn Nhạc quay về Kiên Mỹ tìm mua một số ngựa cái nhà khỏe tốt đem về nhà dạy khôn, hễ nghe tiếng hú của chủ là chạy đến. Khi luyện đã thuần thục, ông Nhạc đưa ngựa "mồi" lên An Khê thả vào rừng cho sống chung với bầy ngựa rừng. Mỗi khi ông hú lên mấy tiếng, thì bầy ngựa nhà chạy về phía ông, một số ngựa rừng cũng chạy theo, nhưng không dám đến gần. Ông bỏ cỏ cho ngựa nhà ăn và vuốt ve, rồi trở về. Ông kiên trì làm nhiều lần như vậy, bầy ngựa rừng đứng từ xa nhìn vào thấy con người này không có ý gì hại chúng. Dần dần bầy ngựa rừng mon men đến gần và cùng với ngựa nhà ăn cỏ, uống nước. Chờ ngựa rừng dạn dần, ông Nhạc lần đến vuốt ve từng con. Con ngựa đầu đàn ban đầu còn chưa vào, sau đó cũng vào gần và ông Nhạc đến vuốt ve, cho ăn cỏ non, nước uống. Cứ thế, sau một thời gian ông Nhạc đã thuần phục bầy ngựa rừng, trong đó con ngựa bạch đầu đàn trở nên quen thuộc và mến ông, thậm chí nó còn cho ông cỡi.

Khi bầy ngựa rừng đã quen ông Nhạc như ngựa nhà, ông đến gặp Bok Kliơm hẹn đến nơi xem ông bắt ngựa thần. Ông Nhạc dặn mọi người khi đến xem phải núp sau cây rừng, vì nếu thấy người thường ngựa thần sẽ không đến. Khi đến cánh rừng có bầy ngựa rừng, Nguyễn Nhạc hú lên mấy tiếng, cả ngựa nhà và ngựa rừng đều chạy về phía ông. Trong đó, con ngựa bạch đầu đàn mà người Xê Đăng tôn là ngựa thần đến bên ông Nhạc cúi đầu cho ông vuốt ve, tỏ vẻ thần phục trước con người này.

Tận mắt chứng Nguyễn Nhạc bắt ngựa thần, Bok Klơm và dân làng tin Nguyễn Nhạc là "người Trời". Từ đó, cũng như người Gia Rai, người Xê Đăng và người Ba Na từ An Khê đến Quảng Ngãi hết lòng thần phục và gọi ông Nhạc là Vua Trời. Không những thế, viên đầu mục người Ba Na còn gả con gái mình cho Vua Trời để thắt chặt tình người miền ngược và miền xuôi. Sau khi thu phục được các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, nhà Tây Sơn không những có thêm lực lượng quả cảm sung quân lính, mà còn được hậu phương vững vàng, tích lũy lương thảo, để mở rộng cuộc khởi nghĩa đánh nam dẹp bắc.

(còn tiếp: Phần 3: Nguyễn Nhạc lên núi Trưng Sơn nghe chiếu trời phong vương)

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bánh đúc  (13/04/2003)
Chuyện nhà Tây Sơn  (11/04/2003)
Từ đường Bùi Thị Xuân  (10/04/2003)
Nhà thờ Tăng Bạt Hổ  (10/04/2003)
Nguyễn Trọng Trì  (08/04/2003)
Khu tháp Dương Long  (07/04/2003)
Di tích chùa Thập Tháp  (07/04/2003)
Di tích huyện đường Bình Khê  (11/04/2003)
Canh rau tập tàng  (03/04/2003)
Sự tích sông Hà Thanh  (03/04/2003)
Thương nhớ Gò Bồi  (02/04/2003)
Ai về An Thái...  (01/04/2003)
Về Hoài Ân   (31/03/2003)
Thành Cha  (30/03/2003)
Trận đánh khách sạn Việt Cường  (30/03/2003)