Sau khi tụ nghĩa, nhiều anh hùng hào kiệt đã đến dưới cờ, song Tây Sơn Vương muốn lòng dân tin tưởng mới là điều quyết định cho sự thành công của nghiệp lớn. Và điều mong muốn ấy đã đến. Ở vùng Tây Sơn Hạ núi non không liền dãy, trong đó có hòn Trưng Sơn tuy không cao lắm nhưng rất khôi hùng. Một hôm người thôn Phú Lạc nghe trên hòn Trưng Sơn có tiếng chiêng trống và thấp thoáng ánh lửa, mọi người kinh hãi. Hiện tượng này được người dân trong vùng đồn đại khắp nơi hư hư, thực thực... Có người bảo đó là hồn của Chàng Lía hiện về (vì trên núi có mả Chàng Lía) rất linh thiêng và nhiều cọp. Các thầy tướng số đoán rằng: đó là tú khí của non sông xuất hiện, điềm trời báo hiệu trong vùng sẽ có chân chúa ra đời.
Một hôm nhà Nguyễn Nhạc có kỵ giỗ, khách khứa rất đông cỗ bàn đến khuya. Bỗng nhiên trên hòn Trưng Sơn lại xuất hiện tiếng chiêng trống rền vang, ánh lửa bập bùng, lúc chợt tối, lúc bừng sáng khiến người trong nhà không khỏi hoảng sợ. Vừa lúc tiệc tùng xong, Nguyễn Nhạc bảo mọi người thử lên núi xem "quỉ thần" làm trò gì. Có người sợ quá không dám đi, nhưng phần đông tò mò muốn lên xem thử, Nhạc bèn chọn mươi trai tráng giỏi võ nghệ, nai nịt gọn gàng, mang trường kiến, đoản côn... cùng mọi người lên núi. Vì hòn Trưng Sơn cũng gần nhà, nên đoàn người đi chưa tàn cây đuốc đã gần đến đỉnh. Lúc này tiếng chiêng trống im dần, cảnh sắc yên tĩnh, chỉ có tiếng gió rì rào... khiến có người không khỏi rợn da gà.
Khi lên tới thì trong ánh sáng chập chờn bỗng hiện ra một lão trượng mặc triều phục, râu tóc bạc phơ tiên phong đạo cốt. Không ai dám đến gần, lão trượng phất tay áo, cất tiếng lanh lảnh hỏi: "Trong các người có ai là Nguyễn Nhạc chăng, nếu có thì hãy đến gần đây nghe lệnh, còn các người khác đứng yên...". Nghe hỏi tên, Nguyễn Nhạc dù ngoài mặt không đổi, nhưng trong lòng có phần run sợ, song cũng phải bước đến quì trước mặt lão trượng. Lão tượng lấy trong tay áo ra tờ chiếu rồi đọc lên: "Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc Vương", sau đó đưa tờ chiếu cho Nguyễn Nhạc và quay bước vào bóng tối.
Chuyện trên hòn Trưng Sơn đêm ấy có nhiều người chứng kiến, ai nấy đều tin rằng Nguyễn Nhạc được trời ban cho làm vua. Như vậy, đã bao nhiêu năm dưới ách chuyên chế của vua chúa nhà Nguyễn, lòng dân muốn có một sự đổi thay, một vị vua mới hiền minh nay đã có. Sau khi có chiếu trời ban, Nguyễn Nhạc được người dân nhất nhất tin theo và lời đồn đại lan truyền đi khắp nơi. Có chuyện kể rằng: sau đó có lần Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ từ An Khê về đến Hoành Sơn thì ngựa ông lồng lên chạy về hướng nam. Nguyễn Nhạc ghìm cương thế nào cũng không dừng, khi đến chân núi Gò Sặt cương bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào xuống ngựa, trặc chân không đứng dậy được. Khi mọi người xoa bóp đỡ đau, ông đứng lên thì thấy nơi nách đá trên sườn núi ló ra một chuôi kiếm. Nhạc sai người lên xem, thì ra đó là một thanh kiếm cổ, lưỡi sáng như nước, ai nấy đều mừng thầm của trời ban. Núi này về sau mọi người tôn kính gọi là hòn Kiếm Sơn.
(Còn tiếp: Phần 4: Nguyễn Nhạc được ấn trời và sự tích núi ông Bình, ông Nhạc).
. Hữu Vinh
|