Đảo yến Quy Nhơn
17:21', 2/5/ 2003 (GMT+7)

Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yến nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp, ngọn núi án ngữ phía nam mang tên hòn Yến. Cứ mỗi mùa xuân đến, tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông nghịt đến đây làm tổ. Chính vì vậy mà mũi đất tận cùng của bán đảo cũng được gọi là mũi yến. Thiên nhiên nơi đây vừa tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹo vừa ban tặng cho con người một kho báu là yến sào (tổ chim yến) với nhiều hang yến, tập trung ở hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý – Quy Nhơn.

Đảo yến có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có tuổi hàng vạn năm với những vòm đá có nơi cao tới cả trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nơi thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ. Trên đảo yến có tất cả 30 hang lớn nhỏ: hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn, hang Hẹp, hang Hầm Xe, hang Phanh, hang Cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài, hang Hích, hang Sức Khỏe, hang Nghìm, hang Luông, hang Khô, hang Vân, hang Cỏ...

Trên đảo yến Quy nhơn chủ yếu có hai loài: Yến cỏ và yến sào. Yến cỏ thân hình lớn hơn yến sào, làm tổ bằng cỏ, rác lấy từ các mỏm núi. Yến sào mới là loài chim quý. Mỗi ngày một ít, chim yến tự tiết ra nước dãi, kéo thành sợi, quây lại làm tổ. Sau một thời gian, tổ yến khô đi trông giống như những chiếc vành tai gắn chặt vào vách đá trong hang. Khi hoàn thành tổ vừa đủ để nằm lọt thân mình, yến bắt đầu sinh sản.

Theo các tài liệu lịch sử, nghề khai thác yến sào ở Bình Định có từ lâu đời. Trong mục nói về sản vật Bình Định, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Yến sào sản ở các đảo ngoài biển, có thuế, hàng năm mỗi người phải nộp 10 cân”. Tổ yến cũng có nhiều loại. Yến sào màu đỏ hoặc hồng rất quý và đắt giá nhất, yến quan tai to có màu trắng ngà, yến thiên tai mỏng  và nhỏ và yến bãi là loại chất lượng kém nhất.

Lấy tổ yến là một nghề nguy hiểm. Trước đây, ngoài lòng dũng cảm, nghề này cón có những bí quyết mang tính cha truyền con nối. Ngày nay nghề này đã được quản lý và để hạn chế tai nạn trong quá trình khai thác, người làm nghề được huấn luyện kỹ thuật cẩn thận. Tuy nhiên, muốn trở thành người khai thác giỏi, ngoài kiến thức và kinh nghiệm cần phải có tinh thần vững vàng, gan dạ và động tác khéo léo để có thể lấy tổ yến trên vách và trần hang. Trước kia, nghề khai thác yến hoàn toàn tự phát và người làm nghề phải đóng thuế cao nên khi vào vụ, người ta ra sức tận thu, nguồn lợi thiên nhiên này đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Ngày nay, do ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển nguồn lợi, công việc khai thác phải tuân thủ theo một lịch trình nghiêm ngặt.

Đến với đảo yến, du khách không những được chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục bên ngoài, nếu có dịp vào sâu trong hang, khách còn có dịp đắm mình khung cảnh hoành tráng, kỳ vĩ do thiên nhiên tạo nên. Trên các vách đá, xen lẫn những gịot nước tí tách rơi là những chấm trắng li ti tựa như một bầu trời đầy sao của những đêm hè, các tổ yến đan khít vào nhau thành chuỗi dài. Tiếng sóng, tiếng nước rơi, tiếng vỗ cách, tiếng chim yến kêu... tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một âm hưởng kỳ lạ và đầy hấp dẫn.

Đảo yến không chỉ có yến và phong cảnh đẹp, nơi đây còn có những di tích lịch sử văn hóa từ thời vương quốc Chăm Pa qua triều Tây Sơn đến nhà Nguyễn sau này. Đến đảo yến du khách sẽ có dịp được ghé thăm chùa Phật Lồi, nơi có pho tượng Chàm huyền bí, được chiêm ngưỡng núi Tam Tòa với những di tích liên quan đến Uy Minh vương Lý Nhật Quang thời Lý, di tích thời Tây Sơn ở thế kỷ XVIII, thấy tận mắt pháo đài Hổ Ky với những lỗ đặt súng thần công, dấu tích còn sót lại của những công trình phòng thủ bờ biển được các bậc tiền nhân dựng lên.

Như một bức tranh nghệ thuật hoàn mỹ với sự hài hòa của thiên nhiên, đảo yến là nơi du khách không thể bỏ qua nếu có dịp đến thăm thành phố Quy Nhơn.

. (Theo “Bình Định – danh thắng và di tích”)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Di tích Đài phát thanh  (01/05/2003)
Thác Đá Yàng  (30/04/2003)
Đậu hủ   (28/04/2003)
Sản vật Bình Định qua những câu ca xưa  (28/04/2003)
Cá chạch tre Bàu Sấu  (25/04/2003)
Từ đường Võ Văn Dũng  (23/04/2003)
Bánh ít lá gai  (22/04/2003)
Phần 4: Nguyễn Nhạc được ấn trời và sự tích núi ông Bình, ông Nhạc  (21/04/2003)
Mắm cua  (20/04/2003)
Theo dấu cổ thành  (18/04/2003)
Thành Chánh Mẫn  (17/04/2003)
Phần 3: Nguyễn Nhạc lên núi Trưng Sơn nghe chiếu trời phong vương  (16/04/2003)
Ông Tú Nhơn Ân - Nguyễn Diêu  (15/04/2003)
Huyền thoại Ghềnh Ráng  (15/04/2003)
Phần 2: Nguyễn Nhạc bắt ngựa thần thu phục người Xê Đăng  (14/04/2003)