Hòn Long Cốt quê tôi
18:24', 4/5/ 2003 (GMT+7)

Có lẽ do sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với sự tinh tế của tổ tiên xưa khi chọn đất an cư lạc nghiệp, để cho chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê (Nhơn Hậu - An Nhơn) vừa có đồng, vừa có sông lại vừa có núi với cảnh quan hài hòa, xinh đẹp.

Dãy Long Cốt nằm cạnh làng tôi, chạy theo hướng đông tây, các hòn về phía tây nhỏ dần. Qua thời gian, con người san ủi đi làm vườn tược, nhà cửa, giờ còn lại hai hòn lớn nhất nối nhau bằng một con đèo nhỏ.

Ba tôi kể rằng: ngày xưa có một vị thần san đất để tạo nên đồng ruộng. Khi gánh đến đây đột nhiên đòn gánh gãy, để lại hai sọt đất khổng lồ cho đến nay. Trong những lúc tung tăng đi tìm trái chim chim, dủ dẻ... bọn học trò chúng tôi lại tưởng tượng về vị thần với đôi gánh của ông to đến chừng nào và ước ao sức mạnh đó chợt  về trên những đôi vai gầy, nhỏ bé của chúng tôi.

Dưới chân hai ngọn núi này có một vòng tường đất bao quanh mà dân ở đây gọi là bờ đồn. Hiện nay, vẫn còn nhiều đoạn cao trên 1,5m. Tương truyền rằng đây là một binh đồn án ngữ phía nam thành Hoàng Đế của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Nếu leo lên đỉnh núi, ta sẽ bước chân lên vô vàn vụn vỡ gạch đá. Đó là phế tích của ba ngọn tháp Chàm có tự xa xưa. Chính nơi đây, người ta phát hiện hai tượng đá cao lớn bị chôn vùi đã rước về và lập nên Nhạn Sơn Tự. Về tên chùa có người cho rằng vì chùa nằm ở địa giới làng Vân Sơn và Nhạn Tháp mà gọi là Nhạn Sơn. Còn nhà sư trụ trì chùa thì kể: Một hôm, nhà sư sáng lập chùa thung dung lên núi trông về bốn phương. Nhìn về phía nam cánh đồng xanh mướt trải ra hình một con nhạn đang sải cánh. Từ đó ông đã ghép vị trí đứng và nhận ra hình chim nhạn mà đặt tên chùa là Nhạn Sơn.

Vào những chiều gió nồm rười rượi, leo lên núi một mình, đặt chân lên một hòn đá vỡ, trong tiếng gió lùa, lá reo dìu dặt, nhìn về phương tây với chập chùng núi hiện; nhìn về phương bắc, ẩn hiện tháp Cánh Tiên trầm mặc, cô liêu; phương đông dập dờn ruộng lúa và xa xa cát biển cồn lên phơi mình mộng mị; nhìn về phương nam, ngỡ như cánh nhạn bay về huyền miền cổ tích những xiêm nghê, cung vàng lộng lẫy, lại thấy lòng bâng khuâng trong niềm hoài cổ.

Giờ đây, những khu dân cư đã hình thành xung quanh núi. Môi trường không còn trong lành. Hòn Long Cốt ngày xưa vun đều, đẹp đẽ giờ chỉ còn lại hai phần ba, phần kia được máy xúc đi để đổ đường đổ móng. Cảnh quan thay đổi khá nhiều. Và tiếng chuông ngân nga ở Nhạn Sơn Tự không còn níu gọi cánh nhạn xưa về...

. Lê Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đảo yến Quy Nhơn  (02/05/2003)
Di tích Đài phát thanh  (01/05/2003)
Thác Đá Yàng  (30/04/2003)
Đậu hủ   (28/04/2003)
Sản vật Bình Định qua những câu ca xưa  (28/04/2003)
Cá chạch tre Bàu Sấu  (25/04/2003)
Từ đường Võ Văn Dũng  (23/04/2003)
Bánh ít lá gai  (22/04/2003)
Phần 4: Nguyễn Nhạc được ấn trời và sự tích núi ông Bình, ông Nhạc  (21/04/2003)
Mắm cua  (20/04/2003)
Theo dấu cổ thành  (18/04/2003)
Thành Chánh Mẫn  (17/04/2003)
Phần 3: Nguyễn Nhạc lên núi Trưng Sơn nghe chiếu trời phong vương  (16/04/2003)
Ông Tú Nhơn Ân - Nguyễn Diêu  (15/04/2003)
Huyền thoại Ghềnh Ráng  (15/04/2003)