Các trung tâm gốm cổ trên đất Tây Sơn
17:13', 5/5/ 2003 (GMT+7)

Tại phía tây thôn Bình An Đông, xã Tây Vinh có một khu gò cao nằm ngay bờ bắc sông Kôn, rộng chừng 200m2 mang tên Gò Hời. Đã từ lâu dân làng sử dụng gò làm nghĩa trang và không ai nghĩ rằng dưới lòng đất đang ẩn dấu một di tích lịch sử quan trọng, một trung tâm sản xuất gốm thời kỳ vương quốc Champa.

Trong khi nhân dân địa phương tiến hành canh tác trên những thửa ruộng quanh gò đã làm xuất lộ nhiều vỉa gốm phế thải, chứng tích của một cơ sở sản xuất đồ gốm sứ. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy lớp gốm phế thải dày từ 0,4m đến 0,8m. Đặc biệt ở phía đông gò hiện còn dấu tích một lò nung khá nguyên vẹn. Tường lò nhô lên khỏi mặt đất 0,6m. Lò được xây trên mặt bằng hình chữ nhật nằm theo hướng đông - tây, chiều dài đo được 8m, chiều rộng 4m với cấu trúc giống như lò gốm đã phát hiện được ở Gò Sành (Nhơn Hòa - An Nhơn).

Tường lò được xây bằng bao thơi, đáy quay vào phía trong, miệng nhồi đất sét quay ra phía ngoài. Do chịu nhiệt lâu ngày, đất sét nhồi trong bao thơi cũng đã đỏ cứng như gạch. Sản phẩm được chế tạo tại Gò Hời khá phong phú về kiểu dáng và kích cỡ. Có thể tìm thấy trong các lớp mảnh gốm các loại bình, chậu, bát, đĩa, lọ hoa... Xương gốm dày được nung ở nhiệt độ cao nên khá cứng. Màu men thường là ghi xám, dày và bóng. Cũng có những hiện vật có phủ men màu vàng nhạt, nâu đen. Hoa văn trang trí hầu như không có vì phần lớn những sản phẩm đều có kích thước nhỏ. Niên đại của trung tâm sản xuất gốm sứ Gò Hời được các chuyên gia khảo cổ học xếp vào khoảng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV.

Cách Gò Hời chừng 500m, cũng thuộc địa phận thôn Bình An Đông, có dấu tích một trung tâm sản xuất gốm sứ khác. Di tích nằm trên một gò đất cao, rộng chừng 300m ở về phía tây bắc thôn, mang tên Gò Cây Ké. Gò nằm sát bàu Già - dấu vết còn sót lại của một nhánh sông Kôn đã bị lấp. Trên gò hiện còn ba lò nung gốm hình chữ nhật xây cạnh nhau. Tường lò đắp bằng đất được nện kỹ. Trải qua một thời gian dài chịu nhiệt, tường lò đỏ sẫm như gạch và rất cứng. Quanh khu lò, sản phẩm phế thải xếp dài tới 0,6m. Ngoài những sản phẩm giống như ở Gò Hời, còn thấy các đồ sứ màu men vàng chanh, nâu nhạt và màu đen. Một số hiện vật được trang trí sóng nước, hoa lá cách điệu phóng khoáng bằng cách khắc chìm lên xương gốm rồi phủ men lên trên. Sản phẩm ở Gò Cây Ké được sản xuất với kỹ thuật khá hoàn thiện, có độ nung cao, men dày, bóng và bám chắc. Căn cứ vào kiểu dáng và kỹ thuật chế tạo sản phẩm, có thể thấy trung tâm Gò Cây Ké xuất hiện muộn hơn Gò Hời, vào khoảng thế kỷ XIV - XV.

(Theo Bình Định - danh thắng và di tích)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hòn Long Cốt quê tôi  (04/05/2003)
Đảo yến Quy Nhơn  (02/05/2003)
Di tích Đài phát thanh  (01/05/2003)
Thác Đá Yàng  (30/04/2003)
Đậu hủ   (28/04/2003)
Sản vật Bình Định qua những câu ca xưa  (28/04/2003)
Cá chạch tre Bàu Sấu  (25/04/2003)
Từ đường Võ Văn Dũng  (23/04/2003)
Bánh ít lá gai  (22/04/2003)
Phần 4: Nguyễn Nhạc được ấn trời và sự tích núi ông Bình, ông Nhạc  (21/04/2003)
Mắm cua  (20/04/2003)
Theo dấu cổ thành  (18/04/2003)
Thành Chánh Mẫn  (17/04/2003)
Phần 3: Nguyễn Nhạc lên núi Trưng Sơn nghe chiếu trời phong vương  (16/04/2003)
Ông Tú Nhơn Ân - Nguyễn Diêu  (15/04/2003)