Phía bắc Tây Sơn hạ có hòn Trưng ở Phú Lạc (Bình Thành - Tây Sơn), quê gốc của nhà Tây Sơn, là hòn núi cao nhất vùng. Hòn Trưng chỉ cao 422m, nhưng trông gần thì mập mạp sung sức nên người địa phương gọi là hòn Sung; ở xa thì trông giống như ngọn bút, cùng với hòn Nghiêng ở Bình Tường bên kia sông làm "bạn văn chương". Lưng núi thì nổi từng vồng u như bị đánh sưng, nên nhiều người gọi là hòn Sưng. Theo người địa phương thì núi có tất cả chín cục u, gọi là "Cửu diệu tinh", tức là chín ngôi sao sáng. Tương truyền mỗi ngôi sao chiếu mạng một nhân kiệt sinh trưởng quanh vùng. Những nhân kiệt ấy gồm 4 hổ tướng, 3 phụng thư và 2 kỳ sĩ. Bốn hổ tướng là Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú (ở Phú Phong), Lê Văn Hưng (ở An Dõng), Đặng Xuân Phong (ở Kỳ Đáo, Dõng Hòa). Ba phụng thư là Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn (ở Xuân Hòa) và Trần Thị Lan (ở Trường Định, vợ đô đốc Tuyết). Hai kỳ sĩ là Nguyễn Thung (ở Thuận Nghĩa) và Võ Xuân Hoài (ở Phú Phong). 9 nhân kiệt này đã giúp nhà Tây Sơn làm nên cơ nghiệp đánh Nam dẹp Bắc, thống nhất đất nước.
Phú Lạc chỉ cách quốc lộ 19 và Phú Phong không đầy 2 cây số đường chim bay nên trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây luôn là mục tiêu đánh phá của lính Mỹ, Nam Triều Tiên và quân ngụy. Song nhân dân Phú lạc luôn biết khắc phục mọi khó khăn, tập trung nhiều công sức và cả máu xương để quyết tâm phục vụ cho cách mạng với khẩu hiệu "Tiền tuyến không tiếc máu xương - Hậu phương không tiếc công sức". Ở phía tây hòn Sưng, cách mạng đã bố trí một đường dây dẫn đường cho bộ đội và cán bộ từ chân hòn Sưng vượt sông Kôn, nống qua phía nam huyện. Phía đông và phía bắc chân núi hòn Sưng đều là cơ sở chở che cán bộ chiến sĩ chiến đấu và hoạt động cách mạng. Đặc biệt từ ngày 3-7-1973 đến ngày 6-6-1974, tỉnh và huyện đã mở "cửa khẩu" tại chân núi hòn Sưng để vận động đồng bào giúp đỡ, thu mua nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho các chiến dịch. Lúc đầu tỉnh giao mỗi ngày thu mua được khoảng 1 tấn lương thực là tốt. Nhưng qua phát động phong trào ủng hộ bán lương thực cho cách mạng, đồng bào Phú Lạc đã hăng hái nghe theo lời của Đảng, vừa sản xuất vừa tiết kiệm để phục vụ cho chiến khu với quyết tâm "Bám đất bám làng sẵn sàng cộng tác". Nhờ vậy từ ngày đầu chỉ mua được khoảng 1 tấn lương thực, dần dần đồng bào nơi đây đã bán cho cách mạng mỗi ngày từ 6-7 tấn gạo. Và chỉ trong vài tháng, cửa khẩu Phú lạc đã mua được 720 tấn gạo, 450 tấn muối, 400 thùng dầu lửa, 200 thùng nước mắm, 100 thùng dầu phụng, 10 con heo, 2 con bò và các loại nhu yếu phẩm quan trọng như vải, giấy, thuốc chữa bệnh... để phục vụ cho đợt trao trả tù binh 1973 và chiến dịch mùa xuân 1975; tuy chưa nhiều nhưng cũng đã nói lên tấm lòng chung thủy sắt son của nhân dân Phú Lạc đối với Đảng và cách mạng vì sự nghiệp đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam.
. Hoàng Chi
|