|
Tháp Cánh Tiên |
Gần sát quốc lộ 1, cách thành phố Quy Nhơn chừng 27km về phía tây bắc, trên địa phận huyện An Nhơn còn phế tích của một tòa thành cổ mà nền móng của nó chính là kinh thành Vijaya. Theo địa giới hành chính hiện nay, thành nằm trên địa phận hai thôn Nam Tân, Bắc Thuận (xã Nhơn Hậu) và thôn Bả Canh thị trấn Đập Đá.
Trong các tài liệu lịch sử và địa lý của Việt Nam, tên thành này được phiên âm thành Chà Bàn, Trà Bàn, Xà Bàn hay Đồ Bàn còn dân gian thường gọi là thành Lồi. Tác giả một số công trình nghiên cứu, dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc, còn dùng các tên như Phật Thệ (Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn), Đại Châu (Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm) để chỉ kinh đô Vijaya. Sách Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, viết vào cuối thời Lê đã vẽ sơ đồ và mô tả như sau: "Xã Phú Đa xưa có thành gạch, gọi là thành Đồ Bàn. Thành hình vuông, mỗi bề dài một dặm. Có bốn cửa. Trong có điện, có tháp. Điện đã bị đổ, tháp còn 12 tòa, tục gọi là tháp Con Gái". Trong bộ Đại Nam nhất thống chí cũng có một đoạn ghi chép về tòa thành này, nhưng lại dùng tên Chà Bàn và số liệu về quy mô của thành cũng không giống với tài liệu đã dẫn: "Thành cũ Chà Bàn ở địa phận ba thôn Nam Định, Bắc Thuận và Bả Canh về phía đông bắc huyện Tuy Viễn, xưa là quốc đô của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá, đều của người Chiêm Thành". Nguyễn Văn Hiển trong tác phẩm Đồ Bàn thành ký, cho biết: "Thành Đồ Bàn hình vuông, xây bằng gạch, rào bằng gỗ, mở bốn cửa, chu vi hơn 10 dặm".
Như vậy, tư liệu trong các thư tịch cổ, tuy có chỗ sai khác, nhưng đều thống nhất mô tả Đồ Bàn là một tòa thành hình vuông, có bốn cửa, xây bằng gạch. Điểm khác biệt đáng kể giữa các nguồn tư liệu là về chu vi tòa thành. Theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, mỗi mặt thành dài 1 dặm, nghĩa là chu vi chỉ có 4 dặm. Trong khi đó Đại Nam nhất thống chí lại mô tả chu vi của thành tới 30 dặm. Không rõ sự sai khác này do đâu mà có, nhưng nếu căn cứ vào đơn vị đo lường thời Nguyễn thì những số liệu trên đây không phù hợp với tài liệu khảo sát thực địa. Tương đối sát với thực tế di tích là số liệu trong sách Đồ Bàn thành ký, theo đó thành có chu vi 10 dặm (gần 6km).
Ở vào thời hoàng kim, Vijaya là một tòa thành nguy nga, tráng lệ. Theo sách Việt sử lược, vào năm 1069, sau khi vua Lý Thánh Tông chiếm được thành Phật Thệ đã sai kiểm tất cả các nhà trong và ngoài thành, cả thảy có tới hơn 2.560 khu. Mặc dù cung điện, đền đài, tháp miếu trong thành đã nhiều phen bị phá hủy vì binh lửa chiến tranh, đến thế kỷ XVIII, khi viết Lịch triều hiến chương loại chí, trong mục Phủ Hoài Nhơn, Phan Huy Chú vẫn còn nhận xét: "Trong phủ có thành Đồ Bàn, là nơi xưa kia vua nước Chiêm ở đó, lộng lẫy kiên cố, nay dấu cũ hãy còn". Sách Hoàng Việt địa dư chí cũng cho biết trong thành có tới 35 tòa tháp. Bị phá đi dựng lại nhiều lần và với sự bào mòn của thời gian nhiều thế kỷ (thành Vijaya thực tế bị phế bỏ từ 1471), nay thành chỉ còn là một phế tích. Hơn thế, vào thế kỷ XVIII, tòa thành này một lần nữa được nghĩa quân Tây Sơn tu bổ, mở rộng, đắp thêm để xây dựng làm đại bản doanh của phong trào nên cấu trúc cũ của kinh thành Vijaya không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, những dấu tích Champa vẫn còn lại khá nhiều. Đến năm 1778 Nguyễn Nhạc đổi tên là thành Hoàng Đế. Theo sử cũ, thành Vijaya vốn là một khu vực có nhiều tháp, nhưng hiện còn tương đối nguyên vẹn chỉ có một ngôi tháp tên gọi Cánh Tiên.
. (Theo "Bình Định - Danh thắng và di tích")
|