Chuyện nhà Tây Sơn:
Lấy thành Quy Nhơn - trận công thành đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn
17:33', 12/5/ 2003 (GMT+7)

Nguyễn Nhạc tự giam mình vào cũi, đánh lừa quan phủ

Sau khi giải phóng huyện Tuy Viễn, Tây Sơn Vương tiếp tục tiến quân đánh thành Quy Nhơn. Thành này nằm trên địa giới giữa hai huyện Phù Ly và Tuy Viễn do tuần phủ Nguyễn Khắc Tiên trấn giữ. Thành Quy Nhơn được nhà Nguyễn xây dựng trên nền cũ thành Đồ Bàn của Chiêm Thành, tường xây bằng đá ong, xung quanh có hào sâu bao bọc, thế rất vững.

Sau ba ngày đêm quân Tây Sơn tấn công thành vẫn không lay chuyển, quân nhà Nguyễn trong thành đóng cửa cố thủ chờ viện binh. Biết được dùng sức khó lấy được thành, Nguyễn Nhạc bèn dùng mưu. Vương truyền lui binh, quân Tây Sơn đóng giữ xung quanh thành, sau đó sai người đóng một chiếc cũi thật kiên cố, có then đóng mở từ bên trong, rồi tự mình vào ngồi trong cũi và chọn tám người giỏi côn quyền ăn mặc thường dân khiêng cũi. Cùng đi có một toán lính cũng giả thường dân có mang vũ khí làm nhiệm vụ áp giải. Chuẩn bị đâu đó, Vương dặn dò lại lần cuối: "sau khi vào khỏi cửa thành khi Vương bất ngờ phá cũi xông ra, thì tất cả phải rút vũ khí đánh phủ đầu bọn lính giữ cửa thành và mở cửa thành cho quân bên ngoài xông vào chiếm thành...". Đây là mưu lấy thành táo bạo, nếu bất thành Nguyễn Nhạc sẽ lâm nguy. Song, vì Nguyễn Nhạc đã trù tính rất kỹ từ trước khi nghe Nguyễn Khắc Tuyên truyền lệnh cho dân: Ai bắt được Nguyễn Nhạc đem nộp, hoặc giết chết cắt đầu đem nộp sẽ được trọng thưởng. Vì vậy, khi Nguyễn Nhạc tự mình vào ngồi trong cũi cũng là "tương kế tựu kế".

Quả thật, khi đoàn người khiêng cũi đến cổng thành vừa đi vừa hô to: "Đã bắt được tướng giặc mời đồng bào ra coi...". Đồng bào hai bên đường kéo ra xem rất đông, Nguyễn Khắc Tuyên lên thành nhìn xuống thấy đúng là tướng giặc đã bị bắt, bèn sai quân xuống mở cửa thành. Nhưng Tuần phủ Tuyên không phải là người dễ tin ngay, ông ra lệnh chỉ cho hai người khiêng cũi vào. Song, do chuẩn bị trước, những người khiêng lấy cớ cũi quá nặng, xin cho tám người vào khỏi cửa thành xong sẽ ra ngay. Tuyên thấy như vậy cũng không hại gì, nên đồng ý cho vào. Biết không hành động nhanh sẽ bị lộ, nên khi cũi vừa qua khỏi cửa, cánh cửa thành chưa kịp đóng, Tây Sơn Vương liền mở cũi nhảy ra rút kiếm giấu sẵn trong người, chém chết viên đội trưởng giữ cửa. Tám nghĩa quân khiêng cũi rút ngay đòn khiêng làm côn, lớp côn lớp quyền đánh tan toán quân giữ cửa và phát lệnh cho quân bên ngoài xông vào. Trước hết là toán lính giả dân áp tải còn mang vũ khí đứng bên cửa thành xông vào trước. Sau đó, nghĩa quân do Nhưng Huy và Tư Linh chỉ huy nhanh chóng kéo ùa vào thành, vừa chạy vừa reo hò. Bị đánh bất ngờ quân Nguyễn Khắc Tuyên không trở tay kịp, Tuyên khiếp đảm dắt gia đình lẻn cửa sau chạy trốn. Quân lính, quan lại trong thành như rắn không đầu không chống cự nổi nghĩa quân đành phải qui hàng Tây Sơn Vương. Sau đó quân của Trần Quang Diệu và các tướng lần lượt kéo đến hỗ trợ, trấn giữ trong thành và đóng giữ bên ngoài phòng bất trắc.

Thành Quy Nhơn hạ xong, toàn bộ phủ Quy Nhơn đã thuộc nhà Tây Sơn, dân chúng thoát khỏi ách tham quan Nguyễn Khắc Tuyên đã hớn hở đón mừng, ủng hộ nhà Tây Sơn. Có đất, có dân, có thành, Tây Sơn Vương lo sắp xếp hành chính, ổn định đời sống nhân dân. Các quan binh cũ ai muốn tiếp tục làm việc được khôi phục chức vụ, ai muốn về cho về.

Như vậy, với mưu chước và hành động táo bạo Tây Sơn Vương đã lấy được thành Quy Nhơn - trận công thành đầu tiên của nghĩa quân không khó mấy. Và từ đây nhà Tây Sơn xây dựng nội lực tiếp tục đưa quân đánh nhà Nguyễn ở mặt bắc, mặt nam với nhiều chiến công bách chiến bách thắng.

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Thủ Thiện  (11/05/2003)
Tháp Phú Lốc  (11/05/2003)
Thành Vijaya  (08/05/2003)
Hòn Sưng - Phú Lạc  (06/05/2003)
Các trung tâm gốm cổ trên đất Tây Sơn  (05/05/2003)
Hòn Long Cốt quê tôi  (04/05/2003)
Đảo yến Quy Nhơn  (02/05/2003)
Di tích Đài phát thanh  (01/05/2003)
Thác Đá Yàng  (30/04/2003)
Đậu hủ   (28/04/2003)
Sản vật Bình Định qua những câu ca xưa  (28/04/2003)
Cá chạch tre Bàu Sấu  (25/04/2003)
Từ đường Võ Văn Dũng  (23/04/2003)
Bánh ít lá gai  (22/04/2003)
Phần 4: Nguyễn Nhạc được ấn trời và sự tích núi ông Bình, ông Nhạc  (21/04/2003)