Làng tuồng Cát Tường
9:14', 16/5/ 2003 (GMT+7)

NSƯT Minh Ngọc - trưởng thành từ đoàn tuồng Đồng Ấu Phù Cát

Xã Cát Tường nằm ở phía đông nam huyện Phù Cát, là một vùng đất có truyền thống về nghệ thuật tuồng. Phong trào tuồng ở đây tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân An, cụ thể hơn là ở xóm Xuân Đông, thường gọi là xóm Suối Tre. Bởi vậy khi nói đến làng tuồng Cát Tường người ta còn gọi là tuồng Suối Tre.

Ngay từ đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, gánh hát của ông bầu Đắc là một gánh thuộc loại lớn ở Phù Cát, qui tụ nhiều nghệ sĩ Cát Tường như bầu Thủ, kép Tá, kép Bá Lạc Đài, Cửu Phấn, Nhưng Chiện, Nhưng Hoạch, Đào Nha, Đào Chinh… Lớp nghệ sĩ tiếp theo như bầu Lang, kép Tảo, kép Nhàn, đào Lan, đào Đàn… cũng là người Cát Tường, đã kế tục xứng đáng lớp đàn anh, đàn chị. Các vở diễn của gánh hát Bầu Đắc có: Cố thành, Hoa Dung lộ, Giang Đông phó hội, Tam chiến Lã Bố, Ngũ hổ bình Tây, Đường Thế Dân sa lầy, Tiết Giao đoạt ngọc, Châu Lý Ngọc… đã được khán giả Bình Định yêu thích.

Một thời gian sau, kép Cửu Phấn cũng lập đoàn hát. Cát Tường có tới 2 đoàn song song hoạt động cho đến năm 1945 thì giải thể vì nghệ thuật tuồng bị cấm. Sau năm 1954, làng tuồng Cát Tường hoạt động trở lại nhưng lực lượng nghệ sĩ không được dồi dào như trước.

Nếu như làng tuồng Nhơn Hòa của huyện An Nhơn cực thịnh trong thời gian trước năm 1975 thì làng tuồng Cát Tường lại phát triển từ sau năm 1975 cho đến tận bây giờ. Năm 1978, bầu Lang (Nguyễn Thanh Yên, sinh 1925) nghỉ hát, trở về Cát Tường mở trường hát tại nhà, đào tạo lớp trẻ. Cùng thời gian này, bầu Hương (Lê Công Bưng, 1915 - 1995), con trai ông bầu Đắc, từ Đắc Lắc trở về cũng mở lớp dạy hát. Từ hai lò tuồng này, năm 1980 đã hình thành 2 đoàn tuồng đồng ấu Cát Tường, gồm nhiều diễn viên tuổi từ 10 đến 14, chuyên biểu diễn một số tuồng truyền thống và lịch sử, được khán giả khen ngợi. Trong lớp đồng ấu Cát Tường bấy giờ nổi bật lên có Lê Công Lễ, 10 tuổi, biểu diễn rất xuất sắc, đã từng được đi biểu diễn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Lớp diễn viên đồng ấu Cát Tường đều đã trưởng thành và có khả năng nghệ thuật, hầu hết đều còn gắn bó với nghề. Hiện nay trên 30 diễn viên nam nữ được đào tạo từ 2 lò tuồng gia đình của bầu Lang và bầu Hương tập trung ở các đoàn tuồng không chuyên của huyện Phù Cát và đoàn Ánh Dương (thuộc huyện Tuy Phước nhưng phần lớn là diễn viên Cát Tường).

Các diễn viên xuất sắc ở Cát Tường như Lê Công Lễ, Thanh Phúc, Thanh Cường, Văn Thinh, Văn Ngữ, Điền Tử Loan, Thu Hường, Lương Thị Sen, Phùng Thị Thành… đang góp phần tô điểm cho phong trào nghệ thuật tuồng ở Bình Định thêm phần hương sắc.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngũ Phụng thư và đoàn nữ binh Tây Sơn  (14/05/2003)
Tây Sơn địa linh  (13/05/2003)
Lấy thành Quy Nhơn - trận công thành đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn  (12/05/2003)
Tháp Thủ Thiện  (11/05/2003)
Tháp Phú Lốc  (11/05/2003)
Thành Vijaya  (08/05/2003)
Hòn Sưng - Phú Lạc  (06/05/2003)
Các trung tâm gốm cổ trên đất Tây Sơn  (05/05/2003)
Hòn Long Cốt quê tôi  (04/05/2003)
Đảo yến Quy Nhơn  (02/05/2003)
Di tích Đài phát thanh  (01/05/2003)
Thác Đá Yàng  (30/04/2003)
Đậu hủ   (28/04/2003)
Sản vật Bình Định qua những câu ca xưa  (28/04/2003)
Cá chạch tre Bàu Sấu  (25/04/2003)