Vua Quang Trung băng hà - một nghi án lịch sử?
17:53', 1/6/ 2003 (GMT+7)

Công việc xây dựng triều Tây Sơn đang tiến hành thì bất ngờ vua Quang Trung băng hà. Vua băng ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (15-9-1792) tại điện Trung Hòa (Phú Xuân). Một vị vua đang khỏe mạnh mới ở ngôi năm năm với nhiều hoài bão xây dựng nền tự chủ đất nước, chuẩn bị cất quân vào Gia Định đánh Nguyễn Phúc Ánh, lại thình lình chết ở tuổi còn quá trẻ (40 tuổi) đã để lại cho hậu thế một nghi án...

Nguyên nhân nào gây ra cái chết của vua Quang Trung, ngày nay không ít người còn thắc mắc. Ngay cả ngày vua băng hà cũng có nhiều cứ liệu khác nhau. Theo sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện thì đó là ngày 29-9 năm Nhâm Tý, nhưng trong sách La Sơn Phu Tử của học giả Hoàng Xuân Hãn thì Quang Trung chết trong khoảng thời gian từ 15-7 đến 15-8 năm Nhâm Tý. Cũng theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện ghi rằng: "Huệ trong lúc lấy kinh đô Phú Xuân có mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh. Một ngày kia đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc, áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm đến lăng tẩm. Nói vừa dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy bệnh càng ngày càng nặng, mới triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An".

Theo sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn-Quách Giao thì cho đó chỉ là lời của sử gia nhà Nguyễn Gia Miêu (tức Nguyễn Phúc Ánh) bịa ra để hạ thấp vai trò của vua Quang Trung, chứ sự thật thì không phải vậy. Lại có người bảo vua Quang Trung bị "thượng mã phong", hoặc có người độc miệng hơn cho rằng: nhà vua bị Ngọc Hân Công Chúa ám hại bằng cách bỏ thuốc độc vào rượu cho vua uống. Tất cả đều là những nguyên nhân không có thật.

Có nhiều nguyên nhân về cái chết của vua Quang Trung, theo chúng tôi giả thiết của sách Nhà Tây Sơn có phần đúng hơn. Sách này viết: "Vua Quang Trung chết chỉ vì bệnh huyết áp cao, làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều bị đứt mạch máu...". Căn cứ thời điểm vua Quang Trung mất cũng là lúc Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm được Gia Định và kéo quân ra đánh Quy Nhơn. Quang Trung đang sắp đặt chuẩn bị kéo đại binh vào Gia Định đánh một trận quyết không cho Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát. Mọi việc sắp đặt xong thì nhà vua ngã bệnh và bệnh mỗi ngày một nặng, bèn triệu trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu vào Phú Xuân bàn chuyện dời đô ra Nghệ An và cất quân đánh Nguyễn Phúc Ánh. Nhưng rồi biết mình không còn sống lâu được nữa, liền trối: "Ta mở mang bờ cõi, nay bệnh tình không thể khá được, mà Thái Tử thì còn nhỏ. Phía trong thì bọn quốc cừu hoành hành ở Gia Định. Còn anh ta thì tuổi già, cầu an, không lo hậu họa. Ta chết rồi, trong vòng một tháng phải lo việc tống táng cho xong. Các khanh phải đồng phò Thái Tử và sớm lo việc thiên đô để khấu chế thiên hạ. Nếu không vậy, binh Gia Định kéo đến, các khanh không có đất chôn thây." Nhà vua nói xong rồi băng.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Quang Toản nối ngôi. Vua Cảnh Thịnh bấy giờ mới 15 tuổi, mọi việc trong triều đình đều do Thái Sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột của vua) quyết đoán. Từ thói lộng hành của Tuyên, khiến kẻ gian thần bất tài nhưng được trọng vọng, người có tài đức bị đày ải, cô lập và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến suy yếu và sụp đổ của nhà Tây Sơn.

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Huệ với chiến lược con người  (30/05/2003)
Bán đảo Phương Mai  (29/05/2003)
Gỏi chình Châu Trúc  (28/05/2003)
Những cuộc đại chiến ở Quy Nhơn giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh  (27/05/2003)
Cơm lam  (26/05/2003)
Giai thoại về trường thi Bình Định  (25/05/2003)
Bánh tráng nước dừa Bình Định  (23/05/2003)
Đặc sản Bình Định   (22/05/2003)
Cháo hàu Bình Định  (21/05/2003)
Các Lễ hội ở Bình Định  (20/05/2003)
Thăm Bảo tàng Quang Trung  (19/05/2003)
Chùa Hang  (18/05/2003)
Chợ Quy Nhơn - vài nét lịch sử  (16/05/2003)
Làng tuồng Cát Tường  (16/05/2003)
Ngũ Phụng thư và đoàn nữ binh Tây Sơn  (14/05/2003)