Tam Quan (Hoài Nhơn) của Bình Định nổi tiếng là xứ dừa thơ mộng, đồng thời cũng là nơi sản xuất loại mắm thu ngon nức tiếng.
Mỗi năm, vào khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, từng đàn cá thu ngoài xa khơi bắt đầu tìm vào bờ để kiếm ăn và sinh đẻ. Đây cũng là mùa đánh bắt cá thu. Một chuyến đi câu hay thả lưới có thể đem về vài ba trăm con là chuyện thường. Những con cá thu tươi roi rói, da óng ánh xanh, thon thon mà tròn lẳn, to bằng bắp chân người.
Ngoài ăn tươi, cá thu còn để làm mắm, một loài mắm được liệt vào hàng quý hiếm. Cá được cho vào thùng gỗ lớn, xếp sắp lớp với muối hạt. Để chừng vài tuần lễ là cá bắt đầu chín nục, thịt đỏ tươi, săn chắc, bốc mùi thơm phức. Lúc ấy mới đem cá ra ngoài để lấy thịt. Đầu cá và lớp da ngoài được lóc ra để riêng, dùng vào việc khác. Dùng một con dao thật bén nạo và xắt lớp nạc cá ra thành từng lát thật mỏng. Còn xương sống cá thì đem phơi khô rồi cột thành từng xâu đem treo trên gác bếp hun khói, dành khi mưa sa, biển động mới lấy xuống nướng chín rồi nhâm nhi với rượu, đậm đà không thua gì khô mực.
Mùa cá thu cũng là mùa dứa chín rộ. Mua cả xe dứa về gọt bỏ vỏ và mắt, rồi đem phơi nắng cho héo. Ớt to trái loại chín đỏ, đem cắt bỏ hết hạt và cũng phơi nắng cho héo như dứa. Dứa, ớt trộn chung với cá, bỏ vào cối đá quết cho thật nhuyễn. Bấy giờ thịt cá biến thành mắm thu đỏ tươi.
Mắm thu có đủ các vị béo, ngọt, chua, cay, mặn. "Ngũ vị" đã làm cho mắm càng nồng nàn, hấp dẫn. Mắm có thể đem dùng ngay hay bỏ vào thạp đất đậy kỹ để ăn dần, nhất là phòng các tháng mưa bão, thức ăn tươi khan hiếm lại đắt đỏ. Mắm thu có thể để lâu mà không sợ hư hay thay đổi mùi vị.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà có những cách ăn khác nhau. Có thể đem chưng cách thủy mắm với trứng vịt hay trứng gà. Mắm có thể ăn riêng với cà đĩa hoặc cà chua sống thái mỏng. Thông thường, người ta ăn mắm với rau sống đủ loại như xà lách, rau húng, ngò (mùi) tàu, khế, chuối chát non và thịt heo luộc... Cơm gạo trắng với mắm, thịt và rau sống, nhất là những ngày trời se lạnh, thì còn gì khoái khẩu bằng!
Mắm thu Tam Quan đã được đưa đi tiêu thụ khắp ba miền trong cả nước. Những chiếc hũ sành có gắn xi đàng hoàng còn được đưa lên tận các buôn làng Tây Nguyên mang hương vị của biển lên với núi rừng.