Những ngày đầu tháng sáu 2003, người dân Bình Định đang gấp rút chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250 của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngoài tài cầm quân “bách chiến bách thắng” Nguyễn Huệ còn là người có một cuộc sống nội tâm rất phong phú và tình cảm.
Năm Ất Mùi (1655), quân Nguyễn chiếm được 7 huyện ở sông Lam tỉnh Nghệ An, bắt dân đưa vào Đàng trong khai hoang. Cụ tổ bốn đời của Nguyễn Huệ quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cũng bị bắt đưa vào Nam. Lúc đầu ở ấp Tây Sơn Nhất thuộc huyện Quy Ninh, phủ Quy Nhơn. Đến đời Hồ Phi Phúc rời đến ở ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, nay là thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định. Hồ Phi Phúc và bà vợ là Nguyễn Thị Đồng sinh ra 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Huệ sinh năm 1753 tại một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Côn, nơi có bến Trường Trầu, cùng với giếng nước, cây me xưa vẫn còn đến ngày nay. Thuở nhỏ, Nguyễn Huệ có tên là Hồ Thơm. Ba anh em Nguyễn Huệ đều theo học thầy giáo Hiến - một nhà nho bất đắc chí với chính sách tàn ác của Trương Phúc Loan nên trốn vào Quy Nhơn mở trường dạy học ở ấp An Thái (An Nhơn ngày nay). Biết tài năng khác thường của 3 anh em Tây Sơn, nên ông đã truyền cho họ hoài bão và ý chí của mình. Ông khích lệ, cổ vũ cho sự nghiệp lớn của họ bằng câu sấm : “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”, nghĩa là Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở đất Bắc, các con phải gắng sức.
Mùa xuân năm 1771, lúc Nguyễn Huệ 18 tuổi, cuộc khởi nghĩa bùng nổ, đất Tây Sơn sôi động. Lá cờ nghĩa bằng lụa đỏ dài 10m được dựng lên với khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo và lời hịch kể tội Trương Phúc Loan: “Giận phó quốc ra lòng bội thượng; Nên Tây Sơn xuống nghĩa cần vương”. Trong sách viết về nhà Tây Sơn được phổ biến dưới thời Nguyễn, con người và sự nghiệp Nguyễn Huệ đã bị xuyên tạc. Nhưng qua những tài liệu ấy, kết hợp với những tài liệu mới phát hiện gần đây, ta có thể thấy vài nét chân dung Nguyễn Huệ. Ông có mái tóc xoăn, da săn, mắt sáng, tiếng nói sang sảng như chuông, nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Ông “có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu” (Tây Sơn lược thuật). Thậm chí, một cung nhân của nhà Lê nói rằng: “Nguyễn Huệ trỏ tay, đưa mắt, ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét ...”. (Hoàng Lê nhất thống chí).
Tiếng nói của Nguyễn Huệ cũng rất đặc biệt, như tiếng chuông, lời nói ngắn gọn, giản dị, thấm vào lòng người, tạo nên sự gần gũi, đồng cảm sâu sắc. Một lần ở Thanh Hóa, Nguyễn Huệ ngồi trên mình voi nói lớn : “Chư quân, hãy vì ta giết sạch chó Ngô đi. Nếu ai không muốn chiến đấu thì hãy xem ta trong một trận giết hàng vài vạn mạng người, đấy không phải là chuyện lạ đâu”. Huệ vừa dứt lời, quân lính dạ ran như sấm, rung động núi rừng, trời đất biến đổi cả cảnh sắc, chiêng trống đồng thời vang lên (Lê Quý kỷ sự). Nguyễn Huệ được xem là một bậc anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. 5 lần vào Nam, 3 lần ra Bắc, đều ẩn hiện như quỷ thần. Mỗi lần xông trận, ông thường dẫn quân đi đầu. Ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu, trời còn chưa sáng, Nguyễn Huệ thân chinh đốc chiến, cho hơn trăm voi tiến lên trước, bộ binh theo sau, đánh nhau kịch liệt với quân Thanh. Giữa trưa, ông cùng với tướng sĩ, chiến bào nhuộm đen khói thuốc súng, tiến vào Thăng Long, kết thúc chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.
Tuy là võ tướng, nhưng Nguyễn Huệ rất am hiểu văn chương. Ông là hoàng đế đầu tiên mạnh dạn dùng chữ Nôm để viết các văn bản của triều đình và cho lập Viện “Sùng chính”, sắc phong La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng để lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm dùng vào việc dạy học cho nhân dân. Tương truyền trong một bức thư của vua Càn Long xin hai con voi đực đã huấn luyện thuần thục của nước ta, Hoàng đế Quang Trung đã phê dí dỏm, rằng: “Càn Long nó xin hai con voi; Xem con nào cụt vòi cho nó một con”. Hằng ngày, Nguyễn Huệ ứng đối, pha trò rất giỏi. Lần ra Bắc diệt họ Trịnh, khi Nguyễn Hữu Chỉnh ngỏ ý làm mối công chúa Lê Ngọc Hân cho ông, Huệ đã nói làm cho mọi người đều cười ầm: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về, bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam hà, chưa biết con gái Bắc hà, nay cũng thử xem có tốt không...”. Tuy vậy, Nguyễn Huệ rất nhân hậu, biết trọng nhân tài và giàu lòng thương người, với người tài và biết thời thế như Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp... thì ông tin dùng đối đãi rất hậu. Với kẻ có tài nhưng không chịu cộng tác, ông vẫn mở cho họ con đường sống: “Đáng lẽ trẫm phải ra oai sấm sét, khép các ngươi vào tội không chịu làm tôi, tịch thu gia sản và giết các ngươi để tỏ rõ phép thường. Nhưng các ngươi như người có bệnh nặng mà tối tăm nhầm lẫn... Trẫm một lòng yêu tiếc nhân tài, không thể chốc lát quên được. Nên đặc trách ban ơn tha tội cho các ngươi”.
Trong gia đình, Nguyễn Huệ sống với vợ con rất tình cảm. Ông có hai bà hoàng hậu. Bà chính cung quê ở Quy Nhơn, là anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Đắc Tuyên và Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật. Bà này sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Nguyễn Quang Toản là con cả, được lập làm Thái tử, về sau là vua Cảnh Thịnh. Bà họ Phạm là một phụ nữ thôn dã, nhưng có lẽ do gắn bó với Nguyễn Huệ từ rất sớm nên được ông quý trọng, thương yêu. Khi bà bị bệnh nặng, ông đã mời một thầy thuốc người Tây tên là Gi-ra vào chữa. Nhưng khi Gi-ra đến nơi thì bà đã mất. Trong một bức thư viết ngày 17-7-1791, giáo sĩ Sécrard đã kể: “Chánh hậu của Tiên vương (Quang Trung) mất vào khoảng tháng ba và ông đã khóc bà một cách sầu thảm. Ông đã cử hành tang lễ vô cùng linh đình trang trọng cho bà vào cuối tháng sáu. Dân Nam hà đồn khắp nơi rằng ông đã băng hà vì quá đau buồn”.
Bắc cung hoàng hậu là công chúa Lê Ngọc Hân, con gái thứ chín vua Lê Hiển Tông và bà nguyên phi Nguyễn Thị Huyền. Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng Tư năm Canh Dần (1770) tại quê ngoại, mất năm Kỷ Mùi (1799). Ngọc Hân đã sinh hạ cho Nguyễn Huệ một con trai là Nguyễn Văn Đức và một con gái là Nguyễn Thị Ngọc, sau nầy đều bị triều đình nhà Nguyễn giết hại. Công chúa Ngọc Hân là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, vua Quang Trung rất yêu và có phần tự hào về bà. Hôm cưới, ông đắc ý nói với Ngọc Hân: “Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như nàng?”. Hôm lễ tế vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Huệ mặc đồ tang, đứng coi xét lễ nghi hết sức chu đáo...
Nguyễn Huệ sống khoan dung, nhân hậu nên những người gần gũi ông đều tỏ lòng cảm kích. Bài thơ khóc chồng của công chúa Ngọc Hân thật cảm động, chứng tỏ tình yêu và lòng ngưỡng mộ của bà với tài, đức, công lao sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ...
. Nguyễn Tấn Tuấn
|