Ngày xửa ngày xưa chàng trai Bình Định nào không biết chút ít võ nghệ thì rất khó lấy vợ, bởi không lọt vào tầm ngấm của phái đẹp xứ này. Anh "Bình Định" đúng nghĩa phải là văn hay, võ giỏi. Ngặt nỗi văn hay thì quá khó mà võ giỏi cũng chẳng dễ gì. Muốn tỏ ra cũng "đấng nam nhi" thì chí ít phải tinh tường đôi "ngón", vừa để tự vệ, vừa để đối xứng với chị em "bỏ roi đi quyền".
* Từ vè chàng Lía
Ngược dòng thời gian mà nhìn, "miền đất võ" Bình Định vốn là vùng đất dữ.
Hình thế xứ này một mặt ra biển, ba mặt là núi rừng hoang vu, hiểm trở, nhiều hang động, lắm thú dữ, chướng khí nặng nề, dân cư thưa thớt. Là vùng đất phiên trấn, nơi lưu đày hoặc lánh nạn của các hào kiệt không thuận ý quân vương. Nơi dung nạp những con người thất cơ lỡ vận tìm đường sống. Đương nhiên song hành với hai đối tượng vừa nói không ít lũ lưu manh truyền kiếp cũng trà trộn đến đây "hành nghề" bất lương, cho nên thuở vùng này trộm cướp liên miên, chính quyền đương thời không kiểm soát nổi.
Do đặc điểm địa lý và xã hội như vậy nên nhu cầu về võ nghệ của người Bình Định thuở ấy cực kỳ bức thiết, nhằm trước hết rèn luyện thể lực chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt; chống thú dữ uy hiếp cuộc sống con người; chống trộm cướp bảo vệ tính mạng và thành quả lao động. Thứ đến là chống áp bức, cường quyền bênh vực kẻ yếu, giúp người nghèo, làm những điều nghĩa cử.
Cuộc đời chàng Lía trong Vè chàng Lía tưởng có thể cho ta hình dung bối cảnh "miền đất võ" Bình Định thời sơ khai.
Chiều chiều én luyện Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành
Câu dân ca ấy mãi đến giờ đây còn ngưng đọng trong trí nhớ của các thế hệ người Bình Định.
Theo khảo cứu của cố học giả Quách Tấn trong "Nước non Bình Định" có thể tóm lược cuộc đời chàng Lía như thế này: "Chú Lía" hay "Chàng Lía" sống dưới thời chúa Nguyễn (tác giả không ghi rõ thời chúa nào). Quê cha ở huyện Phù Ly, quê ngoại ở thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn (tức vùng Tây Sơn - An Nhơn bây giờ). Lía mồ côi cha từ bé, theo mẹ sống ở quê ngoại, lớn lên đi ở chăn trâu cho một phú ông trong miền. Lía cầm đầu lũ trẻ lừa được phú ông rồi bị đuổi đi lang thang... Lía vào rừng gặp một lão trượng đang đánh cọp, hai bên thủ thế kiềm chế nhau, Lía lẻn phía sau nhảy bổ đến ôm cổ kẹp hông cọp. Bị thất thế, cọp vùng vẫy rồi nghẹt thở chết. Sau đó lão trượng đến nhà xin mẹ Lía cho được đưa Lía lên núi truyền dạy võ nghệ. Lão trượng vốn võ tướng thời vua Lê, vì chán họ Trịnh, ghét họ Nguyễn bỏ quan về ở ẩn. Lía học được ở lão trượng phép phi thân, có thể từ núi này nhảy sang núi kia, từ mặt đất bay vút lên cao như chim, từ trên cao sa xuống mặt đất nhẹ như chiếc lá rơi. Một trong những câu "khẩu quyết" của võ Bình Định "đứng như đá, đi như lá" hình như có nguồn gốc từ đây.
Sau năm năm ở núi, lão trượng qua đời, Lía về với mẹ. Lía nuôi mẹ bằng nghề kiếm thịt rừng. Một hôm có một tên lính lệ đến làng cậy thế áp bức dân, bị Lía đánh chết. Lía cõng mẹ lánh vào rừng sâu. Vào núi lần này Lía gặp một toán lục lâm mời làm trại chủ. Lía sai sửa sang thành Uất trì vốn là của người Chăm để lại ở Bá Bích làm tổng hành dinh, vì vậy nơi đây có thêm tên gọi "thành chàng Lía". Uy danh của Lía từ đây lừng lẫy, đảng cướp của Lía chỉ cướp của nhà giàu gian ác, của cướp được dành một phần cho sơn trại, phần còn lại phân phát cho người nghèo. Cố nhiên đám cường hào căm ghét, người nghèo thì bảo bọc.
Rồi mẹ Lía qua đời, Lía đội đầu chiếc quan tài hài cốt mẹ lên đỉnh núi Chớp Vàng, dùng cái mâm đồng ném mạnh nhảy theo hướng Phú Lạc, đứng trên mâm lấy thế nhảy vọt sang ngọn núi Trưng, an táng mẹ nơi quê mẹ cho tròn đạo hiếu.
Mẹ không còn nữa, Lía buồn bỏ sơn trại Bá Bích ra Phù Ly thăm mộ cha rồi tiện đường lang thang đến Bồng Sơn. Một buổi chiều Lía đến Truông Mây, địa thế xung yếu, bốn bề vắng lặng. Bỗng xuất hiện toán cướp. Toán cướp bị Lía đánh tơi bời, trại chủ Truông Mây là cha Hồ, chú Nhẫn đến tiếp sức cũng bị Lía "xơi tái". Cả bọn thất kinh, hỏi ra mới biết là Lía, từ lâu nghe tiếng giờ mới biết người. Cha Hồ, chú Nhẫn tôn Lía làm đệ nhất trại chủ. Lía lập lại kỷ cương sơn trại Truông Mây: Từ nay không đón đường cướp giựt; Lấy của nhà giàu chia bớt cho dân nghèo.
Năm ấy thành Quy Nhơn có hội thi võ. Lía, Hồ, Nhẫn cải trang xuống núi dự thi. Gặp phải giám khảo trường thi đòi của đút. Bọn Lía bỏ về, kéo lâu la đến đốt phá trường thi, giết giám khảo. Quan quân phủ Quy Nhơn dốc sức bao vây công phá sơn trại. Thừa lúc ấy, Lía dẫn một ít tâm phúc bất ngờ đột nhập vào phủ thành Quy Nhơn nổi lửa đốt dinh thự, viên Khám Lý Quy Nhơn vừa thức giấc thì đầu đã rụng, ái thiếp của y bị bắt, rồi thành vợ Lía.
Được tin Quy Nhơn có biến chúa Nguyễn cho viện binh vào đánh dẹp. Mấy năm liền sơn trại Truông Mây không nao núng. Cuối cùng chúng bí mật liên hệ được với vợ Lía, nguyên là ái thiếp của quan phủ Quy Nhơn, làm nội ứng. Một hôm nhân sơn trại có tiệc vui, mụ ta bỏ thuốc mê vào rượu, cả sơn trại say mềm. Mụ ta trói các đầu lĩnh. Riêng Lía, mụ trói vào tấm ván phản Lía đang nằm, quân triều ùa vào giết sạch sơn trại.
Một mình Lía lợi dụng tấm ván phản trói dính vào người làm vũ khí che thân chống đỡ thoát nạn. Đơn thân lưu lạc trong rừng sâu Lía gặp ông lão thổ dân giúp Lía cởi trói, cho ăn. Khi đã khỏe lại, Lía nói với ông lão sẽ tặng cái đầu mình cho ông lão nộp quan lãnh thưởng để đền ơn. Dứt lời Lía hành động ngay, ông lão không ngăn kịp.
Trước cách mạng tháng Tám ở quê tôi có ông Trùm Vạn chuyên sống về nghề nói Vè chàng Lía. Mấy chục năm hành nghề luôn no đủ, vì người nghe không chán, nghệ thuật kể chuyện của ông Vạn hấp dẫn không kém diễn viên sân khấu chuyên nghiệp, âm thanh trầm bổng, tình cảm diễn biến, điệu bộ sinh động, một mình cùng lúc đóng mấy vai. Ông Vạn chết, nghệ thuật kể "Vè chàng Lía" cũng chết theo...
Sự tích chàng Lía tuy đậm chất truyền kỳ nhưng gói ghém khá trọn vẹn những gì thuộc về yếu tố phát sinh và hình thành "miền đất võ" Bình Định, đồng thời cũng là bức tranh toàn cảnh cái đêm hôm trước nổ ra cuộc khởi nghĩa ở Tây Sơn.
* Võ Bình Định thời Tây Sơn
Đúng như nhận định của nhiều tài liệu khảo cứu về võ Bình Định: Đến thời Tây Sơn võ Bình Định buộc phải chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và qui mô trước kia chưa từng có. Nói cách khác, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy võ Bình Định phải nâng cao chất lượng, phải hoàn thiện cái vốn của mình để phát huy tác dụng trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt hơn, hình thành một diện mạo mới của võ Bình Định.
Khá nhiều nguồn sử liệu cung cấp cho thấy trước khi là vua, là tướng, lực lượng cốt cán của khởi nghĩa Tây Sơn đều là những võ sĩ, tráng sĩ, hiệp sĩ võ nghệ cao cường, mỗi người một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau đến với nhà Tây Sơn. Cố học giả Quách Tấn đã có lý khi quy nạp thành "Tây Sơn thập bát cơ thạch" (18 tảng đá làm nền móng cho nhà Tây Sơn) bao gồm "thất thổ tướng" (7 vị tướng giỏi) "lục kỳ sĩ" (6 kẻ sĩ tài cao) và "ngũ phụng thư" (5 cô phụng hoàng).
Ngay như Nguyễn Huệ trước khi làm tướng rồi vua ông không chỉ học văn học võ ở thầy Trương Văn Hiến mà còn giao du khá rộng, kết thân với nhiều võ sĩ, tráng sĩ đương thời, đã từng là hiệp sĩ thiện dụng trường thương và độc kiếm, cũng đã từng là diễn viên chuyên diễn vai hài trên sân khấu hát Bội Quy Nhơn thời ấy. Cho nên đã lôi kéo được Nhưng Huy và kép Tư Linh trở thành hai tướng tiên phong trong trận trí chiến đoạt thành Quy Nhơn, lập chiến công đầu cho sự nghiệp nhà Tây Sơn. Tiếc rằng, về sau hai nhân vật xuất thân từ nghệ sĩ hát Bội này lại quay đầu nhập bọn với đám Lý Tài (nhóm cướp gốc Hoa) quấy nhiễu vùng núi Một, nguồn Hà Thanh nên bị lực lượng Tây Sơn kết tội.
Còn các vị "tướng hổ" thì ngọn roi của Lê Văn Hưng quất một đòn đánh ngã trăm người; Lê Văn Bưu (Mưu) biệt hiệu là "phi vân báo" (con heo bay trong mây) với biệt tài vừa phi ngựa vừa múa kiếm, phóng lao, bắn cung, trăm phát trăm trúng; Võ Đình Tú thì mười năm im lìm luyện võ không để lộ cho ai hay biết, côn quyền xuất chúng, binh pháp tinh thông, khi ra tài tế thế thì sử dụng thiết côn trăm người khôn địch; Nguyễn Văn Lộc trước khi là đô đốc Lộc được dân làng Kỳ Sơn (Tuy Phước) tôn vinh là bậc "võ nghệ siêu phàm"; Nguyễn Văn Tuyết trước khi là đô đốc Tuyết từng bắt trộm con ngựa quí của chúa Nguyễn Phúc Khoát trong dịp chúa nam tuần đến Quy Nhơn, con ngựa mang tên "Xích kỳ". Sau khi bắt được ngựa, Tuyết còn đưa tin cho Tuần Phủ Quy Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên biết là mình đã bắt và vì sao phải bắt, ấy vậy mà Nguyễn Khắc Tuyên đành ngậm miệng, bó tay; Trần Quang Diệu nổi tiếng thiện dụng cây đại lao đắc truyền ở bậc thầy hiếm có, vậy mà có lần vì vô tình không tuân thủ điều luật của hiệp sĩ "tự cổ võ phu bất ly cung kiếm" mà đành phải đấu tay không với cọp dữ, giằng co đến nữa ngày, thương tích đầy mình, nếu không có Bùi Thị Xuân tình cờ gặp đúng lúc thì Trần tráng sĩ đã toi đời; Phan Văn Lân vốn người đàng ngoài, là bạn học cùng thầy giáo Hiến, cho nên quyền cước và tài thao lược của Phan Công không xa lạ với anh em nhà Tây Sơn; Võ Văn Dũng tuy là người Phú Phong, đất Tây Sơn nhưng lại được thụ giáo võ nghiệp ở thầy Lương Văn Chánh đất Phú Yên nên tài sử dụng môn đoản đao và trường kiếm trên lưng ngựa của ông, ngoài Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ ra, hàng võ lâm Bình Định lúc bấy giờ ít ai biết...
Riêng năm nữ kiếm khách: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc kẻ quê Bình Định, người Quảng Ngãi nhưng về kiếm thuật thì đều rèn luyện cùng một lò.
Gom lại, theo chúng tôi, chính cái phẩm chất và tài nghệ tráng sĩ, hiệp sĩ trong từng con người ấy là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi phi thường của quân đội Tây Sơn...
* Môn phái và bí truyền
Bình Định là vùng đất mới, võ Bình Định là kết tinh trí tuệ và gân cốt của bốn phương dung hợp tạo nên. Ngoài nguồn lực được gọi là võ bản địa, sự đóng góp của võ Trung Hoa (còn gọi là "võ Tàu") không nhỏ. Vì vậy việc hình thành các môn phái võ Bình Định rất khó vạch một đường ranh giới thật rạch ròi.
Đã một thời người ta căn cứ vào sở trường và bí truyền mà phân định hai môn phái: Roi: Thuận truyền; Quyền: An Vinh - An Thái. Thời ấy, mối quan hệ giữa bí truyền và môn phái quyện chặt nhau. Môn phái hình thành trên cơ sở bí truyền hoặc sở truyền. Trong các võ môn còn lưu truyền những giai thoại thú vị về môn phái và bí truyền tại các cuộc thi tuyển ở Trường thi võ Bình Định.
Quách Tạo chép: Năm ấy ở trường thi Bình Định có chuyện xảy ra như thế này: Cuộc thi bước vào trường 3 chọn cử nhân. Phúc hạch hai môn: đấu "quyền" và đấu "roi", sau đó còn đấu "roi" phân hạng nữa. Lúc bấy giờ ở Bình Định có ông Bầu Đê người huyện Tuy Phước (không rõ là Bầu gánh hát Bội hay Bầu thợ mộc, tác giả chỉ ghi tên tục gọi chứ không ghi tên chữ) là bậc cao thủ về võ khí "roi". Ông không dự thi vì ông không luyện tập các môn binh khí bắt buộc khác. Tuy vậy mùa thi nào ông cũng thích đến trường thi để xem đấu võ, nhất là cuộc thi phân hạng thủ khoa vá á nguyên. Lần này chờ cho giám khảo xác định vị trí thủ khoa và cử nhì, cử ba xong, ông Bầu Đê mới mạo muội xách roi vào gặp Ban giám khảo xin được phép thi đấu roi thử tài với các vị tân khoa. Ban giám khảo khó xử, chẳng lẽ đường đường phương diện quốc gia là tân khoa võ cử mà lại đi từ chối thi đấu với anh dân thường. Đề nghị của Bầu Đê được thu xếp trong nháy mắt. Mở đầu, ông Bầu Đê thi đấu với ông cử hạng ba. Kết quả ông cử bị Bầu Đê đánh bật cây roi văng xa đến hiên trường, phải chào thua. Đến lượt ông cử hạng 2, ông này dè dặt hơn không bị Bầu Đê đánh bay roi mà cây roi ông cử 2 bị ghìm cứng không rời ra được, rồi không ai biết vì sao ông cử 2 bỗng nhiên ngã ngửa, cây roi rơi một bên, còn cây roi của Bầu Đê lại dính trên bụng ông Cử. Bầu Đê đấu tiếp với cử thủ khoa. Hai bên ra roi qua lại chừng mười phút thì Ban giám khảo truyền nghỉ đấu và tuyên bố hòa.
Trớ trêu thay, ông chánh lãnh binh, thành viên trong Ban giám khảo lên tiếng phản đối. Chưa kịp giải thích vì sao phản đối thì chính ông cử thủ khoa giơ tay xin nhận thua, vừa nói ông cử vừa giơ cao hai tay để mọi người thấy cả hai hố nách của ông đều có vết lọ tròn đen nghịt. Ban giám khảo và cử tọa giật nẩy người. Cả trăm con mắt nhìn từ ngoài mà vẫn không kịp thấy hai cú đấm kia huống hồ người trong cuộc làm sao thấy được, mà dù có thấy cũng không đối phó kịp. Có tiếng thì thầm: thiên tài... thiên tài!
Chánh lãnh binh (thành viên Ban giám khảo) vốn là tiến sĩ võ trường Thừa (Thừa Thiên) ngày trước, lại chính là cao thủ võ roi, cho nên ông nóng gáy. Quan lớn cởi áo dài, nai nịt gọn, cầm cây roi nhảy xuống sân đấu đề nghị Bầu Đê đấu 10 hiệp.
Bầu Đê lễ phép: "Xin... không dám..."
Quan phán: "Cung kính bất như phụng mạng".
Hai cây roi dính khít vào nhau, qua lại vài lượt Bầu Đê nói:
- Xin quan lớn, tôi ra tuyệt kỹ thứ nhất.
- Tùy!...
Tiếng "tùy" của quan Lãnh vừa thốt ra thì cây roi trong tay quan Lãnh cũng bay vù lên hiên trường.
Bầu Đê chống roi chờ.
Hiệp thứ hai, cũng hai đầu ngọn roi không rời nhau. Người xem chỉ nghe cắc-cụp-cắc... ông Bầu Đê lại xin phép:
- Quan cho tôi ra tuyệt cử thứ hai.
Người xem không nghe tiếng trả lời "tùy" như trước mà lại nghe tiếng kêu xin thôi đấu.
Bầu Đê thu roi, quan Lãnh cầm ngang cây roi cúi mình lễ ông Bầu Đê kèm lời khen: "Tôi đã gặp hàng trăm tay roi bậc thầy, hơn có, ngang có, kém có, nhưng chưa hề gặp một cây roi thần như ông. Đáng tôn làm thầy."
Ban giám khảo thưởng rượu và tặng Bầu Đê một dây lụa. Còn quan Lãnh thì giơ nách tay trái của mình cho mọi người xem vết lọ do đầu roi ông Bầu Đê ghi điểm.
Quan Lãnh cười: "Lúc ấy ông xin phép, tôi chưa kịp trả lời thì đầu roi đã đậu vào nách nên tôi xin thôi đấu".
Quan Lãnh xoay người về phía Bầu Đê:
- Thật tình, tôi chưa hiểu cách đánh văng roi và cách đâm vào nách của anh? Tôi đã biết trước và giữ chặt rồi. Mà tay tôi nào có yếu hơn tay anh, làm sao anh có thể đánh bật được roi tôi văng ra xa đến như vậy nhỉ?
- Thưa đây là phép "mượn sức địch đánh địch", sở dĩ cây roi của quan lớn bị văng xa không phải chỉ có sức gân cốt của tôi mà có cả sức của quan lớn gộp lại. Nhưng đánh phải lựa chiều. Nếu đánh xuôi chiều mở bàn tay, tức là theo hướng các ngón bấu lại, thì roi trong các ngón bay đi. Nếu đánh ngược chiều mở bàn tay thì roi bị cả bàn tay giữ lại không tuột ra được để bay đi, nhưng có thể bị gãy đứt nơi sát chỗ cầm.
Quan Lãnh:
- Hay quá! Hay quá!... Còn đâm vô nách? Thực ra, lúc ấy tôi đã bí mật chuyển tay roi từ phải sang trái. Tay trái nằm ở trước dùng ngọn roi che chở cho thân hình, tay phải nằm ở sau dùng đốc roi che nách trái, kín như núp sau hai chiến lũy vậy mà anh vẫn ghi điểm được?
- Thưa, thường là, nơi người ta canh giữ cho là kín thì thế nào cũng để bị lộ một khe hở nhỏ rất bất ngờ. Đấu võ cũng như đánh trận, phải tìm kẻ hở ngay ở nơi mà đối phương tin là kín mà bí mật tấn công và đối phương sẽ bối rối không biết đường đối phó. Đâm vào nách là một kỹ thuật mà chúng tôi gọi nôm na là "đâm so đũa". Tôi luồn ngọn roi theo thân roi của quan đúng vào lúc quan đang đâm tôi, tức là hai cây roi đi sát nhau, ngược chiều nhau. Đầu roi của quan nằm vào ngực tôi bay tới thì đồng thời cũng chính nó giúp che khuất cái đầu roi của tôi đang tìm nách quan lao tới. Nếu hai bên đều không phát hiện được thì mỗi bên nhận một vết lọ. Nhưng vừa rồi thì tôi biết trước và đã chuẩn bị gạt đầu roi của quan ngay khi quan đổi tay, còn quan thì lại không biết ngọn roi của tôi đang gần nách quan nên tay phải quan cầm đốc không đề phòng. Vả lại, lúc đầu ngọn roi của quan gần sát ngực tôi chắc quan yên trí là ắt ghi điểm, nhưng quan nào ngờ cái ngực ấy đã xoay nghiêng và cái đốc roi của tôi từ dưới đưa vòng lên gạt đầu ngọn roi của quan, thế là quan tiếc cú đánh không trúng, cả mắt và tâm của quan đều đậu dính vào đầu ngọn roi của mình cố xoay xở đâm lại, nhưng không ngờ động tác vòng cái đốc để gạt đầu roi của quan làm cho đầu ngọn roi của tôi ghìm xuống vừa tránh được đốc roi của quan, vừa chui thẳng vào nách quan. Bí quyết ở chỗ đó.
Quan lãnh thở phào: "Chao ôi! Bài học ngàn vàng! Xin cản ơn anh! Tôi về sẽ theo đó mà luyện, hẹn khóa sau xin trình bày để nhờ anh chấm bài".
Hiện giờ Quách Tạo đã đi xa, song những gì mà anh ghi chép lại về võ Bình Định thật quí báu. Giai thoại về võ Bình Định như vừa giới thiệu còn rất nhiều. Nhưng những viên ngọc nằm trong giai thoại ấy đều qui tụ vào các "khẩu quyết" (điều bí quyết chỉ truyền bằng miệng) sau đây:
1- "Roi tiên, quyền tiếp" (là roi nên tranh thủ ra đòn trước, giữ thế chủ động; là quyền cú đánh tiếp theo là quan trọng).
2- "Túc bất ly địa" (chân không được lìa đất).
3- "Đứng như đá, đi như lá".
4- "Dĩ nghịch chế thuận" (dùng động tác nghịch mà đánh trả hoặc khống chế động tác thuận của đối phương).
5- "Mượn sức địch đánh địch".
Những "khẩu quyết" vừa trên vừa là võ lý lại cũng vừa là bí truyền mà bất cứ môn phái nào của võ Bình Định xưa nay đều tuân thủ.
. Vũ Ngọc Liễn
(Tạp chí Văn hiến Việt Nam)
|