Bất chấp lưỡi gươm trả thù tàn bạo của triều Nguyễn Gia Long, người dân Tây Sơn đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca dao cảm nhớ sự nghiệp anh hùng của nhà Tây Sơn:
Cây Me cũ, bền Trầu xưa
Không nên tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm
Đặc biệt, những truyền thuyết và giai thoại sưu tầm được về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã dựng lên diện mạo khá sắc nét về phong trào cũng như về người anh hùng Nguyễn Huệ.
Ngày xưa, con đường xuyên Tây Sơn-An Khê như một vạch nối giữa Tây Sơn hùng vĩ với những cánh đồng Trung Bộ, Trường Sơn, hắt những chùm núi ra biển cả, chia cắt những cánh đồng tạo nên hình thế núi sông hiểm trở như dành riêng cho anh hùng dụng võ, vừa giàu màu sắc, vừa gợi cho tâm hồn của những con người sống ở đây rất thơ mộng. Núi Ông Đốc như con hổ vàng khổng lồ nằm gác mõm bên sông Đồng Hươu ngắm dòng sông Côn. Những núi Đâu, núi Nam Hới, hòn Ngang, hòn Thùng... nối đuôi nhau như một con rồng uốn khúc chầu về điện Tây Sơn ngày nay. Núi Phượng Hoàng bay cất cánh trên Trường Trầu - căn cứ đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn. Cảnh trí ấy là nơi cất cánh của những anh hùng.
Hầm Hô có cá hóa rồng
Con công tố hộ anh hùng xuất thân
Vùng Tây Sơn-An Khê là nơi xuất thân của ba anh em nhà Tây Sơn được miêu tả trong truyền thuyết và giai thoại như thế.
Cùng với phong trào khởi nghĩa nông dân, truyền thuyết và giai thoại về Tây Sơn ra đời trong phong trào nông dân khởi nghĩa đã lên đến đỉnh điểm, vào thời kỳ mà người nông dân ý thức được về mình. Nhân dân miêu tả những người anh hùng nông dân và nhà thiên tài Nguyễn Huệ như vị cứu tinh đảm nhận sứ mệnh cứu nước giúp dân và ca ngợi đức độ, tài trí tuyệt vời của những người anh hùng Tây Sơn đã thu phục lòng dân, đoàn kết các dân tộc thành sức mạnh phi thường làm nên sự nghiệp vĩ đại. Theo cách nói của dân gian, đó là "Ý trời và tài trí của con người".
Trong sự thật lịch sử thì ba anh em Tây Sơn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, thuở nhỏ được gia đình cho đi học văn, học võ ở An Thái, riêng Nguyễn Huệ đã tỏ ra tài trí hơn người. Vậy mà trong truyền thuyết miêu tả anh em Tây Sơn như những người nghèo khổ nhất, ở tầng lớp dưới đáy xã hội lúc bấy giờ. Chuyện sưu tầm ở Phú Phong kể rằng: do bố mẹ mất sớm, sống trong cảnh mồ côi nên anh em Tây Sơn phải đi ở đợ, chăn trâu cắt cỏ cho nhà giàu. Nguyễn Huệ thông minh nghe lõm lời thầy đồ giảng bài cho nho sinh mà nên tài giỏi.
Truyền thuyết đã bần cùng hóa anh em Tây Sơn là vì nông dân và nhân dân lao động muốn lãnh tụ của mình phải là người cùng cảnh ngộ, gần gũi hiểu biết về những cảnh ngộ của mình. Bởi thế nên khi xây dựng hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ, nhân dân đã gửi vào đó những ước mơ và máu thịt của mình. Trong cuộc đời của lãnh tụ ngày còn thơ đã thông minh tài trí rồi.
Những con người đức hạnh, tài trí ấy được điềm trời báo trước sự nghiệp đế vương. Các truyền thuyết đều tô đậm chi tiết này. Truyện kể một lần Nguyễn Huệ đi ngang qua rừng, chúa sơn lâm báo tin cho muôn loài: hổ, báo, hươu, nai, rắn, rết... kéo đến quây quần quanh ông, riêng có con voi trắng quỳ xuống trước mặt. Tất cả vui mừng như muốn tôn vinh ông là chủ tướng. Hay một bữa nọ, Nguyễn Huệ gặp một cụ già Ba Na cầm chuôi gươm nạm ngọc rất đẹp, Nguyễn Huệ xin được xem và tra thử vào lưỡi gươm của mình thấy vừa như đúc. Cụ già ngắm Nguyễn Huệ hồi lâu rồi tặng ông chuôi gươm báu và mỉm cười hài lòng, bước đi.
Ý trời giao cho anh em Tây Sơn sự nghiệp lớn là điểm nổi bật trong tất cả các truyền thuyết, giai thoại. Dựa vào tín ngưỡng dân gian, những người sáng tạo truyền thuyết đã dùng yếu tố thần kỳ như là phương tiện vững chắc để tạo niềm tin trong nhân dân. Cho nên yếu tố thần kỳ ở đây không phải là mê tín dị đoan. Hình tượng người anh hùng Tây Sơn có mang yếu tố thần kỳ đã làm rung động mãnh liệt, sâu xa tâm hồn của người bình dân lúc bấy giờ. Nhân dân thống khổ đã đặt niềm tin của mình ở anh hùng Tây Sơn, ở Nguyễn Huệ. Vì vậy, vai trò của họ trong lịch sử lại càng nặng nề.
Nếu như "ý trời" là sứ mệnh của nhân dân giao phó cho họ thì tài trí tuyệt vời của họ giúp họ hoàn thành sứ mệnh tuyệt vời này. Thuở ấy, người Phù Ly đồn đại một điều: nhiều đêm lửa cháy một vùng lớn, trống chiêng vang dậy dân không ai dám đến gần, mấy ngày sau có một vị khách lạ và tùy tùng đến thăm vị hào trưởng trong vùng. Hào trưởng thấy khách khôi ngôi tuấn tú, rất mến, đem chuyện lạ kể. Khách cho mời thêm các võ sĩ trong vùng và đông đảo dân làng cùng đi đến nơi đó. Khi đến chân núi thì ngọn lửa đã tắt, chiêng trống cũng im lìm, một tiếng nổ vang từ trên đỉnh núi vọng tới. Không ai dám xem, duy chỉ có khách khước từ lời can ngăn, mở đường lên đỉnh núi. Cả đám đông phập phồng chờ đợi. Một lát sau khách vạch đường ào xuống, tay mang áo bào mũ miễn, kiếm báu của bậc đế vương, vai vác tấm biển sơn son thiếp vàng, cả tám võ sĩ trong làng mới hạ nổi từ trên vai khách xuống. Đây là biển trời phong vương cho Nguyễn Huệ. Mọi người thán phục sức khỏe của khách và bàn nhau đi tìm Nguyễn Huệ để dấy nghĩa.
Bên cạnh anh hùng Nguyễn Huệ là những văn thần, võ tướng anh hùng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Truyền thuyết, giai thoại cũng có chú ý miêu tả họ. Nếu Nguyễn Huệ tinh thông võ nghệ và khỏe như thần, cầm cây đại đao dài hơn một trượng bằng đồng múa bài "quá ngũ quan", lưỡi dao phạt đứt cây cổ thụ, thì Nguyễn Lữ có tài bơi lội trên sông. Võ Văn Dũng há miệng đút cả cánh tay của mình vào sâu trong họng rồi rút ra như chơi, Trần Quang Diệu tay không quần nhau với mãnh hổ suốt cả ngày giữa rừng sâu. Phan Văn Lân dũng mãnh hơn người có biệt tài mở đường máu thoát khỏi vòng vây rồi lại quay đánh úp nhanh như chớp. Bùi Thị Xuân luyện voi ra trận tinh tế như luyện người. Đặng Văn Long khi chưa lên An Khê tụ nghĩa, thường dùng gốc tre để gánh 10 vuông lúa một lúc.
Các cận thần Nguyễn Huệ mỗi người một vẻ, làm tôn lên hình ảnh người chủ tướng phong trào là Nguyễn Huệ.
Tài và trí ở đây đã phản ánh ước mơ và nguyện vọng của người bình dân trong xã hội phong kiến suy tàn, phản ánh tấm lòng nhân đạo và tài trí của người anh hùng áo vải, làm nên những trang sử vẻ vang.
Nhân dân đã bảo vệ và gìn giữ trong ký ức, lưu truyền cho đời sau những hình tượng đẹp đẽ, hiếm thấy trong chính sử, làm nên màu sắc lung linh cho triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Đúng như Ngọc Hân Công chúa đã ca ngợi:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
. Trần Xuân Toàn
|