Sau khi lấy thành Quy Nhơn và tiến quân dẹp yên phía nam, Tây Sơn Vương (Nguyễn Nhạc) cho sửa lại thành Quy Nhơn. Thành Quy Nhơn tức là thành Đồ Bàn cũ nằm ở phía bắc huyện Tuy Viễn (An Nhơn ngày nay) do vua Chiêm Thành là Xá Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan xây vào thế kỷ thứ X. Đồ Bàn Thành có chu vi 10 dặm, bốn cửa (đông, tây, nam, bắc) tường được xây bằng gạch và đá ong kiên cố. Thành nằm ở vị trí khá thuận lợi cho việc phòng thủ và tấn công. Gần thành có sông Côn thế nước chảy bao quanh, gần xa có núi non án ngữ, xa nữa về phía đông có cửa Cách Thử, dãy núi Phương Mai và cửa biển Thị Nại.
Nhờ vị thế hiểm yếu này của thành Đồ Bàn mà vua Chiêm mấy thế kỷ liền ngăn chặn được các cuộc tấn công từ bên ngoài, mãi đến thế kỷ XV, năm 1470, khi vua Chiêm là Trà Toàn gây sự, vua Lê Thánh Tông cử binh vào đánh mới hạ được thành và bắt sống Trà Toàn. Thành Đồ Bàn được vua Lê Thánh Tông đổi tên là Hoài Nhân, đến thời chúa Nguyễn Hoàng có tên là Quy Nhơn (1605) rồi chúa Nguyễn Tần đổi tên Quy Ninh (1651) và rồi thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy lại tên Quy Nhơn (1741). Từ đó đến khi Nguyễn Nhạc lấy, tên thành không thay đổi. Theo sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn-Quách Giao: Thành được mở thêm mặt đông, chu vi nới rộng thành 15 dặm, tường thành xây toàn đá ong, cao 1,4 trượng, dày 2 trượng. Trước chỉ có 4 cửa, nay mở thêm cửa phía nam gọi là Tân Môn, còn cửa cũ gọi là Vệ Môn. Ngoài thành về phía tây có đắp đê Đỉnh Nhĩ để ngăn nước lụt, phía nam đắp đàn tế trời đất. Trong thành Nguyễn Nhạc cho đắp nhiều thổ môn đặt giàn súng và làm đài quan sát. Phía trong nữa lại xây một lớp thành gọi là Càn Thành, chính giữa có dựng điện Bát Giác là nơi vua ngự. Phía sau có dựng điện Chánh Tấm cho Hoàng Hậu và cung nhân ở. Hai bên tả, hữu có dựng hai tự đường thờ cha mẹ vua và cha mẹ vợ nhà vua. Trước điện Bác Giác có cung quyển Bồng, hai bên tả hữu là nơi thị sự và mặt trước liền với mặt nam Càn Thành có cửa tam quan gọi là Quyển Hồng Môn được xây theo kiểu cổ lầu, nên cũng gọi là Nam Môn Lâu. Ngoài ra, phía trong thành ngoài thành, Nguyễn Nhạc còn cho bày nhiều voi đá, ngựa đá, nghê đá, tượng nhạc công, vũ nữ do người Chăm xưa để lại. Thành sửa từ năm 1776 đến năm 1778 mới hoàn tất. So với thành cũ, thành mới nguy nga tráng lệ hơn.
Thành Quy Nhơn sửa xong, nhà vua xưng đế hiệu Minh Đức Hoàng Đế, niên hiệu Thái Đức và thành Quy Nhơn đổi tên là Hoàng Đế Thành. Qua nhiều cuộc giao chiến với Nguyễn Phúc Ánh, có lúc thành bị mất song lại chiếm được. Đây cũng là nơi hai tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh và Ngô Tòng Châu phải tự vẫn để trọn trung, khi tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu bao vây tấn công chiếm thành. Ngày nay về thăm vùng cổ thành này, du khách vẫn còn thấy đây đó dưới bóng tháp Chàm những tượng đá bị sứt mẻ, bào mòn vì thời gian, tưởng còn văng vẳng đâu đây tiếng gươm khua, ngựa hí của một thời chinh chiến. Và không thể không băn khoăn tự hỏi:
Kể từ gây cuộc binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng đầu.
. Hữu Vinh
|